Nghệ An: Phát triển ngành nghề nông thôn
(Baonghean) - Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn (NNNT),Nghệ An dựa vào các nguồn lực, tiềm năng...
(Baonghean) - Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn (NNNT),Nghệ An dựa vào các nguồn lực, tiềm năng và thế mạnh đất đai, khoáng sản, sản phẩm nông lâm nghiệp, thủy sản để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp dịch vụ, thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.
Giám đốc Sở NN và PTNT- ông Nguyễn Thọ Cảnh cho biết: Bước vào thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về phát triển NNNT, Nghệ An có khá nhiều thuận lợi. Trước hết là các nguồn lực của tỉnh như tài nguyên khoáng sản, đất đai, nông- lâm- thủy sản cùng nguồn lao động tương đối đa dạng và đã được quy hoạch để phục vụ phát triển kinh tế nói chung và ngành nghề nông thôn nói riêng. Bên cạnh đó, sau đổi mới, NNNT đã có bước phát triển mới về số lượng các cơ sở, năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Tuy nhiên, trình độ năng lực quản lý của đội ngũ chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở NNNT còn hạn chế là những khó khăn rất lớn khi tham gia cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Ô nhiễm môi trường do sự phát triển thiếu đồng bộ, công nghệ thiết bị lạc hậu cũng là thách thức lớn đối với phát triển ngành nghề bền vững.
Vượt qua những khó khăn đó, nhờ những quyết sách đúng đắn, nhiều cơ chế chính sách phù hợp, nên những năm qua, tỉnh đã đạt được những thành tựu không nhỏ trong phát triển ngành nghề ở khu vực rộng lớn và rất có tầm quan trọng là địa bàn nông thôn. Giá trị sản xuất NNNT liên tục tăng, tốc độ tăng trưởng nhiều năm qua luôn đạt cao (18,3%), các sản phẩm hàng năm đều gia tăng về số lượng và chất lượng, ngày càng đa dạng về chủng loại và có thêm nhiều sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Một số lĩnh vực ngành nghề và địa phương có giá trị và tốc độ tăng trưởng ổn định, bền vững như chế biến hải sản Diễn Ngọc, Diễn Bích (Diễn Châu), mộc mỹ nghệ Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu), gạch ngói Cừa (Tân Kỳ) v.v. Nhiều sản phẩm đã có tên tuổi như mây tre đan Nghi Phong, Nghi Thái, Nước mắm Vạn Phần v.v.
Nhiều nghề thủ công truyền thống được khôi phục và phát triển, tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh đã khôi phục và xây dựng phát triển được 384 làng có nghề, trong đó có 102 làng nghề được tỉnh công nhận, thu hút gần 21 nghìn lao động tham gia làm nghề. Trong đó, nhiều nghề truyền thống như mây tre đan, chế biến hải sản, dệt thổ cẩm, đóng tàu thuyền... được khôi phục và phát triển mạnh mẽ. Nhiều địa phương như Quỳnh Lưu, Yên Thành, Hưng Nguyên... có bước phát triển rất mạnh mẽ trong khôi phục, xây dựng các làng nghề và làng có nghề trên địa bàn.
Đặc biệt, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã hình thành và phát triển các ngành nghề dịch vụ nông nghiệp nông thôn, sản xuất chế biến nguyên liệu cho làng nghề, hình thành vùng nguyên liệu cho chế biến, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, giúp bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại.
Nói về hướng phát triển ngành nghề nông thôn trong thời gian tới, ông Cảnh cho biết: Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng, tiềm năng lợi thế các ngành hàng và nhu cầu phát triển, tỉnh ta sẽ chia thành ba nhóm ngành hàng gồm: Nhóm có lợi thế phát triển cao (gồm chế biến lâm- nông- thủy sản, đồ mộc dân dụng và mỹ nghệ, mây tre đan, khai thác và sản xuất đá, VLXD, nhóm có lợi thế phát triển trung bình (SX cơ khí nhỏ, dệt may, dâu tằm tơ...) và nhóm ngành có lợi thế phát triển yếu (gồm cói, gốm sứ, thủy tinh, thêu ren, dệt thổ cẩm...). Từ đó sẽ có các định hướng phát triển phù hợp cho từng nhóm ngành./.
Phú Hương