Nghệ An phấn đấu đến năm 2025 có 100% xã vùng cao có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa

Xuân Hoàng 02/04/2023 09:00

(Baonghean.vn) - UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch số 210, ngày 28/3/2023 về triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Bản biên giới Tùng Hương, xã Tam Quang, huyện Tương Dương ngày càng khởi sắc hơn. Ảnh: Xuân Hoàng

Mục tiêu của Nghệ An là tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh công tác giảm nghèo nhanh, bền vững; nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi. Thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các thành phần dân tộc, giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với các vùng khác trong tỉnh và cả nước.

Mục tiêu nữa là giảm dần số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; tập trung lồng ghép, ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, liên kết, kết nối với các vùng phát triển; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

Giữ vững và tăng cường sự ổn định về an ninh, quốc phòng; cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ công; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc với Đảng và Nhà nước.

Một góc của bản Thái Minh, xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ). Ảnh: Xuân Hoàng

Theo đó, Nghệ An phấn đấu đến năm 2025, mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.

100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa, hoặc đổ bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến được cứng hóa; 100% số trường lớp, học và trạm y tế được xây dựng kiên cố hóa; 99% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới Quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn và thôn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch... Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào.

Đời sống tinh thần của đồng bào vùng cao Nghệ An ngày càng được nâng cao. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh trong độ tuổi tiểu học trên 97%; trung học cơ sở trên 95%; trung học phổ thông trên 60%; người từ 15 tuổi trở lên biết đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%...

Nguồn vốn thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 hơn 5,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 2,6 nghìn tỷ đồng; vốn sự nghiệp hơn 3,1 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện chương trình gồm vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn tín dụng và vốn huy động hợp pháp khác./.

Mới nhất

x
Nghệ An phấn đấu đến năm 2025 có 100% xã vùng cao có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO