Nghệ An: Sản phẩm OCOP - tiềm năng và thách thức

Trân Châu 02/12/2020 07:01

(Baonghean.vn) - Qua một năm tổ chức thành công, năm 2020, Nghệ An tiếp tục có 101 sản phẩm tiêu biểu của 16 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tham gia hội thi đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Người tiêu dùng vẫn mong có thêm những sản phẩm chất lượng vượt trội được chứng nhận.

Còn nhiều tiềm năng

Trên diện tích 2 ha, chị Diệu Thúy ở xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn trồng đủ các giống hồng cổ, từ đây chị còn ứng dụng KHKT để sản xuất các sản phẩm chiết xuất từ hoa hồng cho ra các sản phẩm như nước hoa hồng, trà hoa hồng.
Cách đây mấy năm, nhận thấy hoa hồng là loài hoa được thị trường ưa chuộng, chị Diệu Thúy đã đi các tỉnh phía Bắc về để tìm mua các giống hồng cổ và mày mò nghiên cứu cách chăm sóc, nhân giống bán cây, đồng thời từ nguồn hoa nguyên liệu chị nhờ các chuyên gia hỗ trợ để chế biến thành nhiều sản phẩm làm đẹp.

Hoa hồng được chị trồng theo công nghệ sạch hoàn toàn. Xung quanh vườn được chị trồng húng quế, sả, các loại hoa dại để hạn chế sâu bọ. Bên cạnh đó, chị tìm mua các loại hồng bản địa để có sức sống cao, dễ chăm sóc để vừa cho hương thơm, vừa cho chất lượng cao.

Để có sản phẩm mới cung ứng ra thị trường, chị Thúy lập công ty để sản xuất các loại trà hoa hồng, nước hoa hồng, bột hoa hồng và hiện sản phẩm nước hoa hồng của chị bán khá chạy khi giá cả vừa phải. Chị cũng chuẩn bị dự thi sản phẩm OCOP tiêu biểu.

Một số sản phẩm được chiết xuất từ hoa hồng. Ảnh: Lâm Tùng
Một số sản phẩm được chiết xuất từ hoa hồng của Nam Đàn. Ảnh: Lâm Tùng

Chị Hoàng Thị Phương ở xóm 1, xã Thái Sơn, huyện Đô Lương trước đây làm kế toán ở công ty xuất khẩu ở Hà Nội. Tiếp cận với nhiều làng nghề ở Hà Nội và nhận thấy mặt hàng bánh đa nem rất tiềm năng và rộng, năm 2018 chị Phương đã về quê, mở xưởng sản xuất; nguyên liệu được chị lựa chọn kỹ càng: Gạo xay xát cẩn thận, không dùng gạo tấm, muối phải dùng muối khô trắng tinh.

Nhiều sản phẩm chất lượng ở Nam Đàn chuẩn bị đi dự thi sản phẩm OCOP. Ảnh: Q.A

Chị Phương phân khúc các dòng sản phẩm bánh đa nem, loại chuyên dùng để quấn, loại để chiên, loại quấn gỏi, loại dùng cho cả chiên và quấn gỏi.

Các sản phẩm hướng đến được nâng tầm chất lượng khác biệt với các sản phẩm trên thị trường: có vỏ bánh mềm, dẻo dai, không dùng chất bảo quản. Mặt hàng bánh đa nem vừa nâng cao kỹ thuật, có sự hỗ trợ của máy móc nên sản phẩm bánh của chị mỏng, mềm, dai khi cuốn. Các quy trình sản xuất: ngâm gạo - xay gạo - tráng bánh - phơi bánh - bóc bánh - đóng gói được thực hiện kỹ.

Chị Phương đã đưa sản phẩm bánh đa nem đi dự thi sản phẩm OCOP năm nay.

Sản phẩm tôm nõn của Diễn Châu dự thi sản phẩm OCOP tiêu biểu 2020. Ảnh: Trần Cảnh Yên
Sản phẩm tôm nõn của Diễn Châu dự thi sản phẩm OCOP tiêu biểu 2020. Ảnh: Trần Cảnh Yên

Tôm nõn là sản phẩm chủ lực của huyện Diễn Châu được đưa đi tham gia sản phẩm OCOP của tỉnh lần này, sản phẩm rất có tiềm năng tuy nhiên vẫn đang tiêu thụ nội địa. Phụ thuộc vào nguồn hải sản, năm 2020 sản phẩm gặp khó khăn về Covid-19, nên sản xuất và tiêu thụ càng khó, tuy nhiên nếu được đầu tư hỗ trợ máy móc, đảm bảo an toàn thực phẩm, đầu tư nhãn mác đầy đủ hấp dẫn đưa vào tiêu thụ được các kênh tốt sẽ có cơ hội tiếp cận rộng rãi với khách hàng hơn.

Cần những sản phẩm chất lượng cao hơn

Mục tiêu của chương trình OCOP đến hết năm 2020 là Nghệ An tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% sản phẩm hiện có, tương ứng với 90 sản phẩm. Vừa qua, Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An đã tổ chức thi các sản phẩm nông thôn tiêu biểu năm 2020.

Thông qua cuộc đánh giá, xếp hạng lần này nhằm khuyến khích các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất, kinh doanh) tham gia Chương trình OCOP đổi mới, sáng tạo, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm đảm bảo các quy định theo Bộ tiêu chí về đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP được quy định tại Quyết định 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó để từng bước chuẩn hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Nhiều khách hàng quan tâm đến các sản phẩm OCOP của Nghệ An đạt 3 sao trở lên tại gian hàng trưng bày. Ảnh Xuân Hoàng
Nhiều khách hàng quan tâm đến các sản phẩm OCOP của Nghệ An đạt 3 sao trở lên tại gian hàng trưng bày. Ảnh: Xuân Hoàng

Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm với sự tham gia của gần 110 sản phẩm tiêu biểu của 16 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh dự thi đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2020.

Nhìn chung các sản phẩm tham gia dự thi đánh giá xếp hạng lần này phong phú, đa dạng về chủng loại; chất lượng sản phẩm hàng hóa, hình thức mẫu mã, bao bì được nâng lên rõ rệt so với năm 2019, đặc biệt có sự tham gia của các làng du lịch cộng đồng (Homestay), các sản vật gắn với bảo tồn sản phẩm truyền thống thế mạnh của địa phương như: Gừng, chè Tuyết Shan Kỳ Sơn; thịt bò giàng Tương Dương; nhút, bưởi Thanh Chương; thủy sản Quỳnh Lưu; lạc Diễn Châu…

Kết quả, xét về số lượng, sản phẩm tham gia dự thi năm 2020 gấp 2 lần so với năm 2019 (110/61SP). Theo đánh giá sơ bộ, năm 2020, sản phẩm đạt tỷ lệ thấp hơn năm 2019 (năm 2019 có 61 sản phẩm dự thi đạt hạng 3 sao là 48 đạt 78,6%; năm 2020 có 110/65 sản phẩm có khả năng đạt hạng 3 sao trở lên đạt 59%).

Đóng gói sản phẩm tảo xoắn Spirulina. Ảnh Thanh Yên
Đóng gói sản phẩm tảo xoắn Spirulina ở Quỳnh Lưu. Ảnh: Thanh Yên

Vẫn còn một số tồn tại khi chấm giải như: Hồ sơ một số sản phẩm thiếu một số thủ tục bắt buộc như phiếu đăng ký ý tưởng sản phẩm, đăng ký sản phẩm, phương án, kế hoạch kinh doanh, giấy đăng ký kinh doanh, sản phẩm mẫu. Ngoài ra một số sản phẩm thiếu một số tài liệu minh chứng, chưa thống nhất giữa tên gọi sản phẩm và công dụng ghi trên bao bì, nhãn mác còn chưa thống nhất, thậm chí còn vi phạm, thiếu kiểm soát chất lượng sản phẩm, kiểm soát môi trường, công bố chất lượng sản phẩm, kiểm tra định kỳ các chỉ tiêu ATTP, tổ chức bộ máy quản lý điều hành, mã QR, truy xuất nguồn gốc.

Ông Lê Văn Lương - Chi cục trưởng Chi cục PTNT Nghệ An

Ngoài ra, một số sản phẩm còn thiếu bảo hộ thương hiệu, câu chuyện sản phẩm chưa được tư liệu hóa cả trên nhãn, tờ rơi trên Website, chưa nêu lên được trí tuệ bản sắc địa phương mình, cấu trúc câu chuyện còn đơn giản chưa đầy đủ… nên số sản phẩm đạt sao cao rất ít.

Cam Thiên Sơn đạt chứng chỉ xuất khẩu toàn cầu. Ảnh: Xuân Hoàng
Ban chỉ đạo chương trình cho biết: Mặc dù “Mỗi xã một sản phẩm” là một chương trình hoàn toàn mới, thời gian triển khai thực hiện chưa đầy 2 năm nhưng đã đạt được một số kết quả ban đầu khá tích cực có trên 110 sản phẩm đạt 3 sao trở lên có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh, Ban điều hành Chương trình OCO tỉnh; sự phối hợp và sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, các cấp tự nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của Chương trình.

Bộ máy tổ chức thực hiện Chương trình OCOP cấp tỉnh, cấp huyện được hình thành và từng bước đi vào hoạt động; đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện Chương trình. Đặc biệt là sự đồng thuận hưởng ứng của các chủ thể sản xuất. Công tác tuyên truyền tập huấn về chương trình được đẩy mạnh.

Cái được thứ ba là sự quyết tâm của các doanh nghiệp, hộ gia đình để trở thành nhà sản xuất kinh doanh có uy tín và thương hiệu. Việc cải cách thủ tục hành chính từ quản lý sang hỗ trợ đã tạo điều kiện các cơ sở sản xuất đầu tư mở rộng, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thông thoáng.
Chương trình OCOP vẫn đang được triển khai mạnh mẽ và cần sự tham gia vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chung tay vào phát triển sản phẩm địa phương tiêu biểu. Năm nay vẫn thiếu vắng những sản phẩm chất lượng cao được đầu tư bài bản với sự hỗ trợ của KHKT mới, và vẫn còn những sản phẩm tiềm năng chưa dự thi.


Mới nhất

x
Nghệ An: Sản phẩm OCOP - tiềm năng và thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO