Nghệ An sản xuất thành công giống tôm thẻ chân trắng
(Baonghean) - Tin vui với người nuôi tôm Nghệ An: Trung tuần tháng 4 này, tại xã Quỳnh Liên (TX. Hoàng Mai), trại tôm giống của anh Nguyễn Hồng Cương đã chính thức công bố sản xuất thành công giống tôm thẻ chân trắng; và đến thời điểm này đã bán hơn 15 triệu con giống cho người nuôi tôm trong vùng.
(Baonghean) - Tin vui với người nuôi tôm Nghệ An: Trung tuần tháng 4 này, tại xã Quỳnh Liên (TX. Hoàng Mai), trại tôm giống của anh Nguyễn Hồng Cương đã chính thức công bố sản xuất thành công giống tôm thẻ chân trắng; và đến thời điểm này đã bán hơn 15 triệu con giống cho người nuôi tôm trong vùng.
Vui, vì từ năm 2010 đến nay, giống tôm thẻ chân trắng được bà con nuôi tôm Nghệ An lựa chọn đầu tiên, vì năng suất cao (hàng chục tấn/ha), thời vụ nuôi ngắn, tránh được dịch bệnh. Toàn tỉnh nuôi hơn 1.300 ha đầm tôm thẻ chân trắng/vụ, nhu cầu giống là 1,3 tỷ con/năm. Do phát triển “nóng”, diện tích tăng nhanh mà không chủ động được con giống chất lượng, nên người nuôi nhiều năm rơi vào tình cảnh khó khăn. Như vụ 1 năm 2014, gần 90% diện tích nuôi trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu do không kiểm soát được chất lượng giống, phải mua vận chuyển từ ngoại tỉnh về nên sức khỏe con giống bị ảnh hưởng, tôm nuôi không lớn nên người nuôi bị lỗ.
Kiểm tra tôm giống tại xã Quỳnh Liên (Quỳnh Lưu). |
Trại giống của anh Nguyễn Hồng Cương sản xuất thành công giống tôm thẻ chân trắng mở ra một hướng đi mới cho nghề sản xuất tôm giống tại địa phương. Nhu cầu con giống tôm thẻ chân trắng hiện nay trên địa bàn là rất lớn, cơ sở sản xuất của anh Cương không thể đáp ứng đủ. Thực tế cho thấy cần nhân rộng mô hình này.
Ý kiến một số nhà chuyên môn cho rằng: Nghệ An hiện có hơn 50 trại sản xuất tôm sú giống, ngành chức năng cần kiểm tra để phân loại những trại có đủ điều kiện, khuyến khích họ chuyển đổi sang sản xuất giống tôm thẻ chân trắng. Cùng với đó là cơ chế khuyến khích, hiện nay việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất tôm giống đang áp dụng theo Quyết định 09 của UBND tỉnh ban hành ngày 4/2/2012 (các cơ sở sản xuất giống tôm sú được hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/trại). Để sản xuất giống tôm thẻ cần nguồn vốn rất lớn lên đến vài tỷ đồng. Ngoài sự hỗ trợ theo Quyết định 09 của UBND tỉnh, nên có cơ chế chính sách khác giúp cho các trại giống chuyển đổi thành công, để có nhiều cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng giúp bà con chủ động trong nuôi, hạn chế những rủi ro về giống dẫn đến việc thua lỗ.
Trại tôm giống xã Quỳnh Liên (Quỳnh Lưu) |
Xin nêu mô hình của anh Nguyễn Hồng Cương để các trại tôm giống tham khảo: Cuối năm 2014, anh Cương ký kết với Công ty CP nhận chuyển giao công nghệ; đồng thời anh đầu tư 3 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp cơ sở sản xuất tôm giống. Theo anh Cương, tốn kém nhất là đầu tư làm nhà nuôi tôm bố mẹ. Khác hẳn với con tôm sú, tôm thẻ chân trắng chỉ thích nghi với nhiệt độ môi trường khoảng 300C; nhiệt độ thấp hơn hay cao hơn 300C đều ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh sản của tôm. Đối với Nghệ An, biên độ dao động nhiệt giữa các mùa lên đến vài chục độ; để khắc phục, mùa đông phải nâng nhiệt bằng hơi nước, mùa hè phải chạy điều hòa giảm nhiệt trong nhà nuôi. Vì phải lắp dàn điều hòa công suất lớn, nên chi phí đầu tư nhà nuôi tôm bố mẹ ở trại anh Cương là hơn 1,5 tỷ đồng. Sau khi cải tạo cơ sở vật chất, đầu năm 2015 trại nhập về 250 cặp tôm bố mẹ từ Thái Lan với giá 96 USD/cặp; cùng với đó, 2 chuyên gia (1 chăm sóc tôm bố mẹ, 1 cho đẻ và chăm sóc tôm con) được hợp đồng về để chuẩn bị cho mùa sinh sản của tôm. Để nuôi đàn tôm bố mẹ, mỗi ngày trại phải chi không dưới 6 triệu đồng thức ăn.
Một thứ không thể thiếu được trong khẩu phần của tôm bố mẹ là giun biển - sinh vật thuộc họ nhà rươi (thiếu loại thức ăn này tôm cái sẽ không lên trứng). Loại giun biển chỉ sinh sống ở khu vực biển Nam Trung bộ. Để bảo đảm thức ăn tươi sống, hàng ngày thức ăn được vận chuyển qua đường hàng không từ sân bay Cam Ranh ra Nội Bài, rồi từ sân bay Nội Bài được chuyển về bến xe khách ở Hà Nội, từ đó xe khách chuyển về Hoàng Mai. Thời gian vận chuyển phải nhanh nhất, đảm bảo thức ăn phải tươi sống, giun chết tôm sẽ không ăn.
Sau khi nuôi vỗ ổn định, cuối tháng 3 vừa qua, trại tôm giống của anh Cương bắt đầu cho tôm đẻ thử nghiệm. Theo anh Trần Văn Tình - chuyên gia chăm sóc tôm giống, thì điều kiện khí hậu ở Nghệ An khó làm hơn ở phía Nam do biên độ nhiệt dao động lớn giữa các mùa. Vì vậy việc kiểm soát nhiệt độ chặt chẽ là rất quan trọng.
Hiện nay, ngoài 15 triệu con giống tôm thẻ chân trắng đã xuất cho các đầm nuôi, trại tôm giống của anh Cương đang ương nuôi hơn 28 triệu POTS các loại và đang tiếp tục cho đẻ. Khi nghe tin trại của anh Cương sản xuất được tôm thẻ chân trắng giống, bà con nuôi tôm trong vùng đến tham quan và đặt mua rất nhiều, vì bà con được tận mắt xem quy trình sản xuất tôm giống của trại. Mặt khác, qua theo dõi số hộ thả giống của trại thì tôm khỏe, lớn rất nhanh. Trong năm nay, trại anh Cương dự kiến nhập thêm một lứa tôm thẻ chân trắng bố mẹ nữa với khoảng 300 cặp, sản xuất khoảng 60 triệu con giống phục vụ nhu cầu của bà con nuôi tôm.
Bài, ảnh: Anh Tuấn