Nghệ An sẽ 'làm mọi cách' để đưa lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc về nước
(Baonghean.vn) - Trước tỷ lệ lao động người Nghệ An cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đang tăng, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cho rằng, sắp tới sẽ làm mọi cách để đưa những trường hợp này về.
Sáng 15/8, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận động lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn và lao động bất hợp pháp tự nguyện về nước.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh. Tiến Hùng. |
“Nhằm giảm thiểu lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 6 văn bản chỉ đạo. Đồng thời trực tiếp ban hành 12 văn bản chỉ đạo,hướng dẫn các địa phương tuyên truyền vận động lao động hết hạn về nước. Nhưng không hiệu quả”, ông Đặng Cao Thắng, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội mở đầu hội nghị.
Trước đây, sở này cũng đã phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm lao động ngoài nước tổ chức 17 cuộc hội nghị tuyên truyền tại các huyện có nhiều lao động bất hợp pháp nhất. “Nhưng tất cả đều không mấy hiệu quả”, ông Thắng nhiều lần nhấn mạnh việc “không hiệu quả” và cho rằng, đây là lý do cuộc hội nghị lần này, ban tổ chức mời đông đủ lãnh đạo các huyện, thị cho đến lãnh đạo xã, phường; các trưởng phòng lao động, thương binh và xã hội; đại diện gia đình có lao động bất hợp pháp; lao động đã được kiểm tra, đủ điều kiện nhưng chưa xuất cảnh được…. để tìm ra giải pháp hiệu quả.
Ông Đặng Cao Thắng cho hay, Nghệ An sẽ làm mọi cách để đưa lao động bất hợp pháp về nước. Ảnh. Tiến Hùng. |
Từ khi có chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (chương trình EPS, năm 2005), đến nay tỉnh Nghệ An đã có hơn 7.400 lao động sang quốc gia này làm việc. Bình quân mỗi năm có 500 -700 người xuất cảnh với mức lương từ 20 – 30 triệu đồng.
Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2011 phát sinh tình trạng người lao động Việt Nam chuyển chủ không lý do, sau khi hết hạn hợp đồng không chịu về nước mà ở lại cư trú bất hợp pháp. Năm 2016, tỷ lệ này của Nghệ An là 43,18%, đứng thứ 15 cả nước. Vì vậy mà trong 2 năm gần đây, có đến 11 huyện, thị ở Nghệ An bị cấm qua Hàn Quốc làm việc. “Tỷ lệ bất hợp pháp đứng thứ 15 nhưng về số lượng thì lại đứng thứ nhất. Bởi vì lao động Nghệ An sang làm việc tại Hàn Quốc rất đông”, ông Thắng cho hay.
Tính đến tháng 7/2017, con số này đã lên gần 2.500 lao động. Trong đó, các huyện có đông lao động bất hợp pháp nhất gồm Nghi Lộc (373 người), TP Vinh (255 người), Cửa Lò (250 người)...
“Chúng ta không bàn đến hệ lụy của việc này nữa, cái đó đã nói rất nhiều rồi. Bây giờ cần tìm ra giải pháp hiệu quả. Bằng mọi cách phải đưa các lao động bất hợp pháp về nước”, ông Thắng nói đồng thời đề nghị Trưởng phòng lao động, thương binh và xã hội một số huyện đưa ra giải pháp cụ thể, xây dựng kế hoạch triển khai trong thời gian tới.
Ông Đặng Sỹ Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh. Tiến Hùng. |
Đồng quan điểm với ông Thắng, ông Đặng Sỹ Dũng, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), cho rằng thời gian qua, số lượng lao động bất hợp pháp của Nghệ An tại Hàn Quốc không hề giảm mặc dù đã rất quyết liệt trong tuyên truyền, vận động. “Như ở huyện Nghi Lộc, đồng chí trưởng phòng lao động báo cáo hiện huyện này có 326 lao động bất hợp pháp. Nhưng con số đó là của đầu năm nay. Còn tính tới thời điểm này, đã có thêm gần 50 người khác hết hạn nhưng không chịu về”, ông Dũng nói.
Hội nghị cũng đã nghe nhiều ý kiến đóng góp của lãnh đạo địa phương, các ngành và trăn trở của một số lao động bất hợp pháp được vận động trở về nước.
Một lao động bất hợp pháp đang làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh: Tiến Hùng. |
Sau khi tổng hợp các ý kiến của đại biểu, ông Đặng Cao Thắng cho biết, sắp tới sẽ đề nghị các bộ, ngành Trung ương, tiếp tục phối hợp với Hàn Quốc có những giải pháp mạnh hơn, đặc biệt là tuyên truyền, xử lý. Đề nghị bổ sung chế tài, làm rõ quy định về những gia đình có thân nhân cư trú bất hợp pháp, người tiếp theo không được đi. Khuyến khích các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động.
“Các phường xã cần niêm yết danh sách các lao động bất hợp pháp, công khai tên tuổi. Nếu sau đó vẫn không hiệu quả, tiếp tục thông báo trên loa phát thanh của địa phương. Tổ chức ký cam kết. Đưa vào tiêu chí xếp loại hộ gia đình văn hóa”, ông Thắng nói.
Tiến Hùng