Nghệ An sẽ tái lập chức danh bảo vệ thực vật, thú y ở cấp xã
(Baonghean.vn) - Không bố trí chức danh thú y, bảo vệ thực vật ở cấp xã đã gặp một số khó khăn; đặc biệt, xã hội hóa chức danh này tại vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Ngày 6/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Thông báo số 338-TB/TU về việc điều chỉnh Kết luận số 134 - KL/TU, ngày 5/3/2019 về giải pháp sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức của hệ thống chính trị cấp xã tỉnh Nghệ An hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Cụ thể, đồng ý bỏ nội dung: “Không bố trí chức danh bảo vệ thực vật, thú y. Nhiệm vụ này thực hiện theo hình thức xã hội hóa đặt dưới sự quản lý của chính quyền cơ sở và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền” được quy định tại Kết luận số 134 - KL/TU.
Cán bộ thú y xã luôn là lực lượng đi đầu trong tiêm phòng và phát triển chăn nuôi. Ảnh tư liệu: Phú Hương |
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh xây dựng phương án cụ thể trình HĐND tỉnh thống nhất, quyết định các chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo thẩm quyền, phù hợp với tình hình thực tiễn chung của tỉnh nhưng không được vượt quá số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, ngày 24/4/2019 của Chính phủ; đồng thời tăng cường khuyến khích kiêm nhiệm các chức danh, khoán chi phụ cấp nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã theo đúng Đề án số 09-ĐA/TU, ngày 14/8/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Trước đó, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh ngày 22/6/2021 đã có Tờ trình đề nghị điều chỉnh Kết luận số 134-KL/TU theo hướng vừa được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất thông qua như trên để UBND tỉnh có cơ sở đề xuất phương án bố trí chức danh người hoạt động không chuyên trách thú y và bảo vệ thực vật ở cấp xã.
Vì thực tiễn trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, việc không bố trí chức danh người hoạt động không chuyên trách thú y và bảo vệ thực vật ở cơ sở đã gặp một số khó khăn, vướng mắc về công tác tuyên truyền, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thú y và bảo vệ thực vật tại các địa phương.
Một số địa phương do ngân sách eo hẹp nên không thuê được người làm dịch vụ thú y, bảo vệ thực vật do chi phí thuê cao; không có người làm nên việc xã hội hóa chức danh này tại vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số về cơ bản cũng không thực hiện được; do đó, các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm chậm được phát hiện, xử lý kịp thời so với trước đây.
Với những bất cập trên, thời gian qua, nhiều ý kiến, nhất là cử tri các vùng nông thôn đề nghị xem xét tái lập chức danh này.
Bỏ chức danh chuyên trách thú y cấp xã: Lợi bất cập hại
(Baonghean.vn) - Thực trạng dịch bệnh gia súc, gia cầm tràn lan như hiện nay, tuy nhiên, ở cơ sở thiếu cán bộ thú y nên bộc lộ nhiều lúng túng, bị động.