Nghệ An tập trung cao cho kịch bản tăng trưởng trong bối cảnh Covid-19

Thành Duy 29/02/2020 10:38

(Baonghean) - Cho đến nay, những lo lắng do bùng phát virus Covid - 19 vẫn chưa lắng xuống. Tuy nhiên, Nghệ An hiện đang thực hiện tốt công tác kiểm soát, phòng bệnh. Điều này cũng mở ra những cơ hội lớn trong thu hút đầu tư khi giới quan sát đánh giá, luồng vốn đang dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nền kinh tế Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, sau khi các nhà đầu tư liên tiếp phải hứng chịu 2 bất lợi kép là tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc.

Kéo giảm ngành Du lịch

Song với độ mở của nền kinh tế ngày càng cao, ảnh hưởng của dịch bệnh đối với sự phát triển của tỉnh là không thể tránh khỏi, nhất là đối với ngành dịch vụ, du lịch. Theo Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Mạnh Cường, hiện nay khó khăn nhất là các doanh nghiệp lữ hành khi hầu hết các tour đều đình trệ. Lượng khách trong 2 tháng đầu năm sụt giảm đến 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách mảng du lịch cùng Sở đã tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp du lịch để trao đổi, lắng nghe những khó khăn, tìm cách tháo gỡ. Một trong những đề xuất là các doanh nghiệp đề nghị tỉnh tăng cường quảng bá Nghệ An đang là điểm đến an toàn.

Đảo chè Thanh Chương thu hút du khách trong và ngoài địa phương, khách du lịch quốc tế. Ảnh: tư liệu

Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho biết, ngay trong tháng 2 và tháng 3, Sở mời đoàn famtrip của Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội với 1.000 doanh nghiệp là thành viên tổ chức đoàn về khảo sát ở Nghệ An. Sau đó, Nghệ An tiếp tục tổ chức xúc tiến, quảng bá ở 5 tỉnh trọng điểm phía Bắc, trong đó có Hà Nội và ở phía Nam có TP. Hồ Chí Minh.

“Trong giai đoạn này, chúng tôi nhờ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội “chi viện” một số đoàn khách quốc tế về đây để quảng bá với du khách là Nghệ An rất an toàn nhằm mở rộng công tác tuyên, truyền quảng bá”

Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Mạnh Cường

Ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết thêm, thị trường khách quốc tế mà du lịch tỉnh tiếp tục khai thác là Pháp và sắp tới sẽ phối hợp với doanh nghiệp để tiến vào thị trường khách Nga thông qua khả năng mở đường bay Nga - Vinh.

Trong bối cảnh trên, dấu hiệu tích cực là các chỉ số, số liệu quan trọng trên các lĩnh vực khác của nền kinh tế tỉnh đều tăng so với cùng kỳ. Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam Lê Tiến Trị cho biết, trong 2 tháng đầu năm, trong địa bàn khu kinh tế đã cấp mới 2 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 251 tỷ đồng, trong đó có Dự án FDI 8 triệu USD. Hiện nay, một số doanh nghiệp cũng đã đề xuất đầu tư 8 -10 dự án, tổng vốn trong giai đoạn 6 tháng cuối năm khoảng 5.000 tỷ đồng.

Sản xuất tại Nhà máy nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên (Nghĩa Đàn). Ảnh: Thành Duy
Sản xuất tại Nhà máy nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên (Nghĩa Đàn). Ảnh: Thành Duy

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tháng 2 tăng 15,92% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 2 tháng đầu năm, chỉ số này tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số sản phẩm chủ yếu có mức tăng khá cao như: Xi măng ước đạt 873,6 nghìn tấn, tăng 15,13%; sữa tươi ước đạt 41,7 triệu lít, tăng 16,24%;… Tính đến ngày 17/2, tỉnh cũng đã cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) cho 6 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 686,7 tỷ đồng.

Đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Năm 2020 là năm hết sức quan trọng đối với việc thực hiện các chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, cũng như tạo đà cho sự phát triển trong nhiệm kỳ mới. Quyết tâm của hệ thống chính trị tỉnh đặt ra từ đầu năm là rất cao. Vì vậy, trước ảnh hưởng của dịch Covid -19 đòi hỏi phải có sự chủ động điều chỉnh chiến lược, giải pháp cho phù hợp.

Tại cuộc họp thường kỳ tháng 2 của UBND tỉnh, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành phải vào cuộc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là đẩy mạnh các giải pháp để phát triển công, nông nghiệp nhằm bù đắp khoảng thiếu hụt tăng trưởng do du lịch, dịch vụ sụt giảm.

Sản xuất của Công ty Cổ phần May Minh Anh - Đô Lương- Ảnh Thành Duy
Sản lượng may mặc của Nghệ An 2 tháng đầu năm ước đạt 6,9 triệu sản phẩm, tăng 26,8%. Ảnh Thành Duy

Liên quan đến các dự án trọng điểm, Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam Lê Tiến Trị cho biết, đơn vị đang tập trung theo dõi, đôn đốc các dự án trong địa phận của ban. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, ban đã có 3 cuộc làm việc với Công ty cổ phần WHA Industrial Zone Nghệ An và huyện Nghi Lộc, trong đó có 2 buổi kiểm tra hiện trường để đôn đốc dự án khu công nghiệp của nhà đầu tư này.

Hiện nay, sau khi Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa chủ trì đối thoại với nhân dân địa phương, các công việc triển khai trên thực địa của dự án tương đối thuận lợi. Hiện nay giai đoạn 1 của dự án khoảng 143 ha đã gần như được các nhà đầu tư đăng ký lấp đầy và chủ đầu tư đề nghị năm 2021 tiếp tục bàn giao mặt bằng giai đoạn 2 để triển khai.

Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam và các sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng cũng đã làm việc với VSIP Nghệ An, huyện Hưng Nguyên, TP. Vinh và các xã liên quan để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, trong đó có công tác giải phóng mặt bằng.

Doanh nghiệp đầu tư tại VSIP Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Còn đối với Dự án Khu Công nghiệp Hoàng Mai 1 hiện đang làm thủ tục chuyển đổi sang nhà đầu tư mới là Hoàng Thịnh Đạt. Ngày 22/1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh chủ đầu tư. Nội dung này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã giao Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành liên quan để giải quyết. Vì thực tế khi chuyển giao chủ đầu tư thì nhà đầu tư mới cần được đảm bảo chu kỳ dự án mới (50 năm), chứ không trừ khoảng mười mấy năm nhà đầu tư cũ gần như chưa triển khai.

Liên quan đến công tác thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa cho biết, sau khi hoãn tổ chức vào tháng 2, Hội nghị Gặp mặt, xúc tiến đầu tư của tỉnh dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 21/3. Các sở, ngành, đặc biệt Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư của tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng tham mưu cho tỉnh trong vấn đề kết nối các dự án.

“Đến thời điểm này, rất nhiều dự án đặt vấn đề triển khai mở rộng, di chuyển nhà máy về Nghệ An”

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết đã giao các sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, cùng với các sở, ngành liên quan nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một bảng giá đất riêng cho các hoạt động đất phi nông nghiệp cho khu kinh tế, khu công nghiệp theo đề xuất của Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam nhằm ổn định chính sách về đất đai cho các nhà đầu tư về hạ tầng khu công nghiệp.

Nghệ An tập trung cao cho kịch bản tăng trưởng trong bối cảnh Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO