Nghệ An tập trung thực hiện thu gom, xử lý rác thải bảo vệ thực vật

Phú Hương 05/12/2022 10:50

(Baonghean.vn) - Từ năm 2017 đến nay, thực hiện phương án Xây dựng hệ thống bể thu gom xử lý bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng ngoài đồng ruộng, vấn đề thu gom, xử lý loại rác thải nguy hiểm này trên địa bàn tỉnh đã có những cải thiện đáng kể.

Nỗ lực khép kín hệ thống bể thu gom

Huyện Yên Thành có hơn 44.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có trên 13.200 ha đất lúa, chiếm tới trên 10% diện tích lúa của tỉnh Nghệ An. Trong điều kiện dịch hại trên cây lúa thường xuyên phát sinh, vấn đề phòng trừ được người dân rất quan tâm, thì số lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trên đồng ruộng cũng rất lớn.

Các loại sâu bệnh hại thường xuyên xuất hiện trên cây lúa, đòi hỏi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thường xuyên. Ảnh tư liệu: Phú Hương

Theo ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện, nếu để đáp ứng đúng quy định theo Thông tư liên bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường, các vùng trồng lúa của huyện sẽ cần tới 4.400 bể thu gom xử lý bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng ngoài đồng ruộng. Năm 2017, huyện Yên Thành đã được hỗ trợ xây dựng 1.103 bể tại 10 xã. Trước nhu cầu thực tế của sản xuất, trong năm nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An sẽ tiếp tục xây dựng 1.112 bể tại 12 xã của huyện gồm Sơn Thành, Bảo Thành, Khánh Thành…

Nông dân Yên Thành sử dụng thuốc diệt cỏ trong sản xuất lúa vụ xuân. Ảnh: Phú Hương

“Trong điều kiện nguồn ngân sách còn khó khăn, chưa tự cân đối được nguồn kinh phí để khép kín hệ thống bể thu gom, bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh, chúng tôi cũng chỉ đạo các xã huy động nội lực, xây dựng thêm một số bể. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, hạn chế tình trạng vứt bừa bãi vỏ chai, bao bì ra đường ruộng, mương nước, nhất là tại những nơi đã được lắp đặt bể. Đồng thời, gắn trách nhiệm chính quyền xã, xóm trong xử lý các trường hợp cố tình không thực hiện thu gom đúng quy định của Luật Môi trường” - ông Dương cho biết.

Nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây rau. Ảnh: Văn Trường

Tại huyện Đô Lương, với diện tích 12.011 ha cây hàng năm, trong đó có 8.972 ha không bị ngập lụt có thể đặt bể thu gom bao bì vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, thì tổng lượng bể cần có là 2.991 bể. Đến hết năm 2020, sau khi được hỗ trợ xây dựng 873 bể chứa từ chương trình của tỉnh cùng số bể được các xã đầu tư lắp đặt, toàn huyện vẫn còn thiếu 1.980 bể mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu.

Ông Nguyễn Kim Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Năm nay, Đô Lương tiếp tục được đầu tư xây dựng thêm 555 bể chứa tại 6 xã Đặng Sơn, Lam Sơn, Thái Sơn, Thuận Sơn, Tràng Sơn và Trung Sơn. Đây là những xã hầu như chưa có bể chứa rác thải bảo vệ thực vật, trong khi với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp lên tới gần 2.000 ha gồm hơn 1.400 ha lúa và 538 ha rau màu, cây ngắn ngày, nhu cầu bể chứa tại đây là 723 cái.

Nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý

Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp hiện nay, việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật là điều không tránh khỏi. Theo ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật chủ yếu được làm bằng nilon và chai nhựa nên rất khó phân hủy, có thể tồn tại hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm trong điều kiện tự nhiên. Theo ước tính, chỉ có khoảng 40% lượng thuốc phun xuống đồng ruộng tiếp xúc trực tiếp với sâu bệnh, hơn 50% còn lại tồn dư trong bao bì, bay vào không khí, nhất là bị rửa trôi theo nguồn nước chảy vào kênh mương, ao, hồ.

Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người đi phun thuốc, xâm nhiễm vào người trong quá trình sử dụng, mà thuốc bảo vệ thực vật cũng có thể gây hại cho sức khoẻ người tiêu dùng sản phẩm khi nó đi vào các loại sản phẩm nông sản, có thể gây tử vong nếu bị ngộ độc cấp tính nặng; còn với trường hợp ngộ độc mãn tính, thuốc xâm nhập vào cơ thể và tích lũy trong cơ thể gây đột biến gen, ung thư.

Hàng năm, Nghệ An gieo trồng khoảng 370.000 ha cây trồng các loại. Từ đó, khoảng 500-700 tấn thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng; thải ra đồng ruộng từ 50-70 tấn rác thải thuốc bảo vệ thực vật. Những loại thuốc bảo vệ thực vật này là những hợp chất hữu cơ độc hại đứng đầu danh sách 12 loại độc chất nguy hiểm, tồn tại rất bền trong môi trường nên khó phân hủy sinh học.

Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra, hướng dẫn quy trình trồng cam an toàn tại huyện Con Cuông. Ảnh: Phú Hương

Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, mỗi năm đơn vị thu gom, xử lý theo quy trình an toàn khoảng 2,5 tấn rác thải bảo vệ thực vật, mới chiếm khoảng 3,6% lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Số lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật còn lại được người dân thu gom, đem đốt hoặc thậm chí là vứt bừa bãi tại bờ ruộng, dọc các tuyến kênh mương nội đồng.

Từ năm 2017 đến 2021, Nghệ An xây dựng 4.134 bể tại các huyện Anh Sơn, Diễn Châu, Đô Lương, Thanh Chương và Yên Thành. Từ sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như nỗ lực của các địa phương và bà con nông dân, tính đến tháng 3/2022, toàn tỉnh đã có 15.536 bể thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng ngoài đồng ruộng.

Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh

Năm 2022, Nghệ An đầu tư xây dựng 1.667 bể thu gom tại 2 huyện Yên Thành và Đô Lương. Cùng nỗ lực khép kín hệ thống bể thu gom, để nâng cao nhận thức cho các địa phương và người dân về vấn đề này, Chi cục tổ chức các hội nghị tuyên truyền hoặc lồng ghép tuyên truyền và các lớp IPM, ICM, SRI cộng đồng cho người dân về tác hại của bao bì vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng ngoài đồng ruộng tới môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Tại nhiều địa phương, các bể chứa rác thải bảo vệ thực vật được lắp đặt đã góp phần quan trọng nâng cao ý thức thu gom rác thải của người sản xuất. Ảnh tư liệu: Báo Nghệ An

Tuy nhiên, người sản xuất phải có ý thức thu gom để xử lý, không vứt bừa bãi, không sử dụng vào các mục đích khác, đặc biệt là chứa, kê, lót sản phẩm, đựng nước hay lương thực và thực phẩm. Để quản lý tốt vấn đề thu gom, xử lý rác thải bảo vệ thực vật, UBND tỉnh, huyện và các cấp, ngành hàng năm cũng cần bố trí nguồn kinh phí để thực hiện thu gom, tiêu hủy đúng quy định bao bì vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng trên đồng.

Mới nhất
x
Nghệ An tập trung thực hiện thu gom, xử lý rác thải bảo vệ thực vật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO