Nghệ An: Tín dụng chính sách tăng trưởng an toàn, hiệu quả

Thu Huyền 27/05/2021 15:17

(Baonghean.vn) - Thời gian qua, hoạt động của chi nhánh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, toàn chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã tập trung khắc phục khó khăn, nỗ lực hoàn thành tốt mục tiêu tăng trưởng dư nợ.

Dư nợ tăng trưởng tốt

Theo báo cáo NHCSXH tỉnh, đến ngày 31/3/2021, tổng nguồn vốn đạt 9.169 tỷ đồng, tăng 143 tỷ đồng so với năm 2020, đạt tốc độ tăng trưởng 1,58%. Doanh số thu nợ đạt 563 tỷ đồng, chiếm 80,3% doanh số cho vay đã góp phần quan trọng tạo nguồn vốn cho vay quay vòng ổn định, chủ động tại địa phương, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Tổng dư nợ đạt 9.143,6 tỷ đồng/20 chương trình tín dụng chính sách, tăng 135,2 tỷ đồng so với đầu năm, đạt tốc độ tăng trưởng 1,5%.

Mô hình chăn nuôi gà thịt của gia đình anh Lê Văn Thế ở xóm 4, xã Diễn Trung (Diễn Châu) vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH. Ảnh: Thu Huyền
Mô hình chăn nuôi gà thịt của gia đình anh Lê Văn Thế ở xóm 4, xã Diễn Trung (Diễn Châu) đầu tư hiệu quả từ vốn vay 100 triệu đồng của Ngân hàng CSXH. Ảnh: Thu Huyền

Trong 20 chương trình đang quản lý có 9/20 chương trình có tăng trưởng dư nợ so với đầu năm, một số chương trình tăng lớn như: Cho vay hộ cận nghèo (tăng 102 tỷ đồng); Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (tăng 42,6 tỷ đồng); Cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (tăng 32 tỷ đồng); Cho vay tạo việc làm (tăng 25 tỷ đồng).

Đồ họa: Lâm Tùng
Đồ họa: Lâm Tùng
Tại huyện Quỳ Hợp, tổng nguồn vốn đến ngày 30/04/2021 đạt gần 585 tỷ đồng, tăng hơn 44 tỷ đồng so với đầu năm. Nguồn vốn huy động tại địa phương trên 91 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn này đã đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất và an sinh xã hội cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Doanh số cho vay trong 2 tháng 3 - 4/2021 đạt 83,1 tỷ đồng; Lũy kế từ đầu năm đạt 103 tỷ đồng. Một số chương trình có doanh số cho vay lớn như: Cho vay hộ sản xuất kinh doanh (SXKD) vùng khó khăn 35,5 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo 34 tỷ đồng, hộ nghèo 17,4 tỷ đồng… Tổng dư nợ đến ngày 30/4/2021 đạt 584,3 tỷ đồng, tăng 44 tỷ đồng so với đầu năm, tốc độ tăng trưởng đạt 8,2%, hoàn thành 100% kế hoạch giao. Hiện chúng tôi đang thực hiện cho vay 16 chương trình tín dụng chính sách với 12.515 khách hàng đang còn dư nợ.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc NHCSXH huyện Quỳ Hợp

Ở huyện Thanh Chương, Phòng giao dịch đã tích cực tranh thủ tốt nguồn vốn từ cấp trên và đẩy mạnh huy động vốn từ địa phương; cơ bản đã đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh và phục vụ một phần nhu cầu thiết yếu về đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến ngày 31/3/2021, tổng nguồn vốn quản lý đạt gần 680 tỷ đồng; doanh số cho vay trong quý đạt 46,603 tỷ đồng cho 1.053 lượt khách hàng vay vốn.

Tổng dư nợ đạt 669 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 2,2%. Trong đó một số chương trình tăng trưởng là cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 13,198 tỷ đồng, nước sạch và VSMTNT 2,689 tỷ đồng, giải quyết việc làm 1,390 tỷ đồng, cho vay nhà ở xã hội là 827 triệu đồng, riêng chương trình hộ mới thoát nghèo được phép tiếp tục cho vay từ ngày 30/3/2020 chưa giải ngân được món nào. Cả huyện có 22 xã có dư nợ tăng so với đầu năm (các xã có dư nợ giảm chủ yếu do còn ít đối tượng đủ điều kiện vay vốn).

Vườn chè của gia đình chị Phạm Thị Xuân ở xóm Đá Bia, xã Thanh Mai (Thanh Chương). Ảnh: Thu Huyền
Vườn chè của gia đình chị Phạm Thị Xuân ở xóm Đá Bia, xã Thanh Mai (Thanh Chương). Ảnh: Thu Huyền

Ông Nguyễn Hữu Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban đại diện NHCSXH huyện Thanh Chương cho biết: Vốn vay đã giúp các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác xây dựng và sửa chữa được 496 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, giúp 32 lao động có việc làm và duy trì việc làm, 6 hộ thu nhập thấp xây nhà ở từ vốn nhà ở xã hội, 738 hộ nghèo, cận nghèo, hộ SXKD vùng khó khăn có vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi và kinh doanh phát triển kinh tế...

Ban đại diện đã chỉ đạo NHCSXH phối hợp tốt với chính quyền địa phương, các đơn vị nhận ủy thác quan tâm nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ nợ xấu, quyết liệt chỉ đạo công tác thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn.

Nâng chất lượng tín dụng

Thời gian qua, chi nhánh tranh thủ tốt nguồn vốn từ Trung ương, tích cực tham mưu nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương và tổ chức các cấp, đẩy mạnh huy động vốn được cấp bù lãi suất, đáp ứng nhu cầu vốn cho vay, hoàn thành mục tiêu đề ra.

Một số đơn vị xuất hiện cách làm mới, tiếp cận khách hàng một cách phù hợp, có hiệu quả: Kết hợp xây dựng tổ bền vững gắn với hoạt động cộng đồng để huy động vốn gửi góp từ tổ viên và người thân, họ hàng của tổ viên tại Tương Dương; kết hợp tập huấn để tuyên truyền, đối thoại với đội ngũ hội cấp xã và ban quản lý tổ về sản phẩm tiền gửi của NHCSXH tại thị xã Cửa Lò; phối hợp chặt chẽ với Phòng Tài chính và Ban giải phóng mặt bằng cấp huyện để huy động vốn tại thị xã Hoàng Mai, Diễn Châu, Quỳnh Lưu...

Toàn chi nhánh tích cực rà soát, phối hợp triển khai cho vay người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Tổng Giám đốc. Tăng cường cho vay, hỗ trợ các đối tượng vay vốn sản xuất, chăn nuôi sau đại dịch, thực hiện các giải pháp gia hạn, giãn nợ, cho vay bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do tác động của đại dịch. Tiếp tục triển khai cho vay - quản lý nợ đối với 20 chương trình tín dụng đã thực hiện từ trước đạt kết quả tốt.

Ông Trần Khắc Hùng - Giám đốc NHCSXH chi nhánh Nghệ An


Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, nhiều gia đình đã mạnh dạn xây dựng nhiều mô hình kinh tế phát huy hiệu quả cao. Ảnh: Thu Huyền
Quá trình tìm hiểu ở các địa phương cho thấy, hầu hết đều tập trung quyết liệt thực hiện tăng mức bình quân dư nợ/hộ, nhất là các chương trình hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Nhiều địa phương như: Nam Đàn, Thanh Chương, Quỳ Hợp... có giải pháp cơ cấu lại dư nợ đối với một số địa bàn theo hướng đảm bảo ổn định chất lượng hoạt động, đặc biệt là các xã, các tổ có dư nợ nhỏ; khâu bình xét cho vay và quản lý nợ cũng đã có bước thay đổi về chất nên nợ quá hạn và nợ khoanh tiếp tục giảm sâu so với năm trước. Các đơn vị có nợ quá hạn giảm, chỉ tiêu chất lượng hoạt động tín dụng tăng lên đáng kể như: Tương Dương, Cửa Lò, Nam Đàn, Nghi Lộc, Quế Phong, Tân Kỳ...

Thời gian tới, NHCSXH Nghệ An sẽ tiếp tục tập trung nâng cao toàn diện chất lượng tín dụng, bám sát nội dung Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 29 của BTV Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh để tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, Ban đại diện HĐQT các cấp phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với tín dụng chính sách; quan tâm bố trí đủ nguồn lực địa phương, nguồn vốn ngoài ngân sách ủy thác qua NHCSXH theo hướng gắn với các đề án phát triển KT-XH của địa phương.

Chỉ đạo giải ngân nhanh nguồn vốn các chương trình, đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất và an sinh xã hội cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đồng thời, hướng dẫn người vay sử dụng vốn có hiệu quả, lồng ghép với các chương trình dự án, làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo bền vững.

Mới nhất
x
x
Nghệ An: Tín dụng chính sách tăng trưởng an toàn, hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO