Nghệ An: Trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa tại hơn 1.000 thôn thiếu và lạc hậu

Thành Duy 06/11/2022 13:41

(Baonghean.vn) - Đây là nội dung được Sở Văn hoá và Thể thao Nghệ An cho biết tại cuộc thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh liên quan đến dự thảo Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phát triển đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2027, vào sáng 6/11. 

Đồng chí Chu Đức Thái - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh chủ trì. Dự phiên làm việc có các đồng chí: Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các ban, ngành liên quan.

Toàn cảnh phiên làm việc. Ảnh: Thành Duy

ĐỀ XUẤT 3 CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Sau sáp nhập, toàn tỉnh Nghệ An giảm 2.078 khối, xóm, thôn, bản (thôn), từ 5.884 xuống còn 3.806 thôn, trong đó số thôn được hình thành sau sáp nhập là 1.790 thôn, trong đó thuộc xã miền núi khu vực III, khu vực I là 437 thôn, còn lại đồng bằng.

Các thôn sau sáp nhập có quy mô dân số tăng, địa bàn rộng, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động văn hóa chưa được đầu tư, nâng cấp, ảnh hưởng đến hoạt động của thôn. Theo rà soát của Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, toàn tỉnh có 1.002 thôn trang thiết bị hoạt động thiếu, lạc hậu.

Đồng chí Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho rằng, chính sách được ban hành dưới góc độ là tạo động lực cho các thôn phấn đấu, do đó mấu chốt phải quy định điều kiện hỗ trợ cụ thể. Ảnh: Thành Duy

Từ thực tiễn đó, để giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với phát triển đời sống văn hóa cơ sở của các thôn sau sáp nhập cần thiết ban hành chính sách hỗ trợ trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phát triển đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2027.

Theo đó, nội dung tập trung và 3 chính sách hỗ trợ là: trang thiết bị hoạt động văn hóa đối với 30% thôn sau sáp nhập với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/thôn (không tính 83 thôn thuộc diện hỗ trợ theo Nghị quyết số 30/2020 của HĐND tỉnh); điều kiện là các thôn này có quy hoạch quỹ đất sử dụng cho khu vực nhà văn hóa theo đúng quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; có thiết chế văn hóa, thể thao đảm bảo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; quy mô nhà văn hóa thôn đảm bảo tối thiểu 70% đại diện số hộ gia đình trên địa bàn tham gia sinh hoạt.

Đoàn khảo sát của HĐND tỉnh khảo sát nhà văn hóa sau sáp nhập tại xóm 1, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh tư liệu: Chu Diện

Chính sách thứ hai là hỗ trợ trang thiết bị phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em gắn với thiết chế văn hóa, thể thao cộng đồng cho 588 thôn thuộc danh sách thôn đặc biệt khó khăn do Ủy ban Dân tộc ban hành, với mức 50 triệu đồng/thôn và đã có nhà văn hóa, khu thể thao thôn, các hoạt động phong trào văn hóa, thể thao phục vụ trẻ em.

Dự thảo Nghị quyết cũng đề xuất chính sách thưởng công nhận mô hình văn hóa tiêu biểu gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh với mức thưởng 20 triệu đồng/mô hình; số lượng không quá 30 mô hình/năm.

ĐỘNG VIÊN, KHUYẾN KHÍCH, GẮN VỚI TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ, SỬ DỤNG HIỆU QUẢ

Tại phiên thẩm tra, ý kiến các đại biểu đều thống nhất sự cần thiết trình HĐND tỉnh xem xét ban hành Nghị quyết này; đồng thời góp ý nhiều nội dung liên quan đến thể thức, nội dung, nhất là các quy định trong dự thảo.

Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh ủng hộ ngành Văn hóa tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết trên. Tuy nhiên, đồng chí cũng gợi mở, góp ý một số nội dung liên quan đến việc cần thiết phải đảm bảo tính đồng bộ giữa phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị quyết; đồng thời cần làm rõ nguyên nhân đề xuất niên độ thực hiện là giai đoạn 2023 - 2027.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình phát biểu đề nghị làm rõ một số nội dung về điều kiện hỗ trợ trong dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Thành Duy

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh bày tỏ băn khoăn liên quan đến một trong các điều kiện hỗ trợ trang thiết bị hoạt động văn hóa đối với các thôn sau sáp nhập là “quy mô nhà văn hóa thôn đảm bảo tối thiểu 70% đại diện số hộ gia đình trên địa bàn tham gia sinh hoạt”, khi mà hoạt động xử lý tài sản công, đặc biệt là nhà văn hóa thôn sau sáp nhập đang còn chậm.

Trong khi đó phương án sắp xếp các địa phương trình lên cơ bản đều giữ nguyên trạng, nên có những thôn có nhiều nhà văn hóa, thậm chí là 3 nhà văn hóa do từ 3 thôn sáp nhập lại. Do đó, đồng chí đề nghị làm rõ việc áp dụng tiêu chí trên như thế nào trong điều kiện thực tiễn đặt ra như đã phân tích.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi đề nghị sau khi Nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua, cần ban hành quy định hướng dẫn triển khai cụ thể của ngành để vừa tạo được sự khích lệ cho các thôn, vừa có tính ràng buộc, đảm bảo hiệu quả quản lý, sử dụng ở các thôn. Ảnh: Thành Duy

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi đồng tình về chủ trương ban hành Nghị quyết, nhằm góp phần giải quyết khó khăn cho các thôn sau sáp nhập, tạo điều kiện tốt hơn để phát triển văn hóa cơ sở.

Tuy nhiên, đồng chí cũng cho rằng, quan điểm tiếp cận của Nghị quyết là mang tính chất khích lệ nhân dân ở các thôn sau sáp nhập vươn lên để đảm bảo các tiêu chí nhằm nhận được sự hỗ trợ.

Trên cơ sở phân tích một số quy định, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng cho rằng, khi HĐND tỉnh thống nhất thông qua, ban hành Nghị quyết thì, Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu cho UBND tỉnh ban hành hoặc quy định của ngành hướng dẫn triển khai cụ thể, đặc biệt là làm rõ tiêu chí lựa chọn; vừa tạo được sự khích lệ cho các thôn, vừa có tính ràng buộc, đảm bảo hiệu quả quản lý, sử dụng ở các thôn.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh giải trình, làm rõ một số nội dung tại dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Thành Duy

Kết luận nội dụng này, đồng chí Chu Đức Thái - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Sở Văn hóa và Thể thao trong việc rà soát, tham mưu để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các chính sách thiết thực nhằm góp phần để nâng cao đời sống văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí cũng cho rằng, việc đề xuất 3 chính sách trên trong dự thảo Nghị quyết là phù hợp trong điều kiện thực tế, đặc biệt là hỗ trợ các thôn sau sáp nhập; mức chi hỗ trợ trên cũng đảm bảo cân đối trong điều kiện ngân sách của tỉnh, đồng thời động viên, khuyến khích, tạo động lực cho các thôn xã hội hóa trong hoàn thành các thiết chế văn hóa sau sáp nhập.

Đồng chí Chu Đức Thái - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh kết luận nội dung cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến phát biểu, rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình HĐND tỉnh trong Kỳ họp thứ 10; trong đó về tên gọi cần không đưa niên độ thực hiện giai đoạn 2023 - 2027 để phù hợp với chu kỳ ngân sách, thay vào đó chuyển vào nội dung điều khoản thi hành, trong đó chính sách hỗ trợ trang thiết bị hoạt động văn hóa đối với các thôn sau sáp nhập và chính sách thưởng công nhận mô hình văn hóa tiêu biểu gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh thực hiện đến ngày 31/12/2027; còn chính sách hỗ trợ trang thiết bị phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em gắn với thiết chế văn hóa, thể thao cộng đồng thôn đặc biệt khó khăn thực hiện đến ngày 31/12/2025 để phù hợp với giai đoạn của Ủy ban Dân tộc đề ra.

Cùng với đó, đồng chí Chu Đức Thái cũng trao đổi một số nội dung cần điều kiện về bố cục, nội dung dự thảo Nghị quyết; đồng thời đề nghị ngành Văn hóa xây dựng, triển khai hướng dẫn thực hiện cụ thể sau khi được HĐND tỉnh xem xét thông qua.

Nghệ An: Trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa tại hơn 1.000 thôn thiếu và lạc hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO