Nghệ An: Vì sao nhiều dự án tiến độ giải ngân đầu tư công còn chậm?

Nguyễn Hải 25/09/2022 06:50

(Baonghean) - Theo Nghị quyết số 124/NQ-CP của Chính phủ và để đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, từ đầu năm 2022, định kỳ hàng tháng và 10 ngày/lần, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo kết quả đôn đốc. Thế nhưng, tiến độ giải ngân đầu tư công trên địa bàn vẫn chậm so với yêu cầu đề ra.

Thực tế khó khăn, nan giải

Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 9 tháng đầu năm, bên cạnh 9 đơn vị chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân khá (trên 80%), có 6 đơn vị chủ đầu tư giải ngân từ 50-80% và 4 đơn vị giải ngân đạt từ 36,52-50%. Hiện còn 15 cơ quan, đơn vị chưa thực hiện giải ngân; 18 huyện, thành, thị có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân chung của tỉnh (36,53%). Có 13 đơn vị, chủ đầu tư ngoài khối huyện, thị tỷ lệ giải ngân thấp như Sở Du lịch 0,36%, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 1,27%, Bệnh viện Mắt Nghệ An 4,08%, Khối Doanh nghiệp tỉnh 4,74%, Bệnh viện Ung bướu 4,82%, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh 5,22%, Sở Tài nguyên và Môi trường 7,4%,...

Biểu đồ so sánh tiến độ đầu tư công trên địa bàn tỉnh đến 10/9/2022. Đồ họa: Hồng Toại

Tại cuộc họp sáng 20/9/2022, do Chủ tịch UBND tỉnh họp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 10/9/2022, nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân được 2.119,069 tỷ đồng, đạt 29,74%/kế hoạch là 7,124,72 tỷ đồng được giao năm 2022. Nếu không tính các khoản phân bổ chi tiết thì tiến độ giải ngân đạt 36,52%. Trong đó, nguồn ngân sách địa phương giải ngân 369,584 tỷ đồng, đạt 23,72% kế hoạch; nguồn ngân sách Trung ương giải ngân được 1.749,48 tỷ đồng, đạt 31,43% kế hoạch.

Giải phóng mặt bằng chậm là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Trong ảnh: Người dân xã Hưng Trung (Hưng Nguyên) tháo dỡ nhà để bàn giao mặt bằng cho Dự án cao tốc Bắc - Nam, thuộc gói từ Diễn Châu- Bãi Vọt. Ảnh: Nguyễn Hải

Đại diện Sở Tài chính cho hay: Nếu giải ngân đầu tư công vốn trong nước chưa được như mong muốn nhưng vẫn đạt tỷ lệ khá so với bình quân chung cả nước, thì nguồn vốn đầu tư công vay nước ngoài tỷ lệ giải ngân quá thấp. Đến thời điểm này, tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài mới đạt gần 15% kế hoạch năm 2022.

Nguyên nhân

Qua tìm hiểu và trao đổi với một số đại diện chủ đầu tư và ban quản lý các dự án, chúng tôi được biết, sở dĩ năm 2022 tiến độ giải ngân vốn đầu tư công mặc dù không còn chịu ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19 như 2 năm trước nhưng lại chịu cú sốc khi giá nguyên, vật liệu đầu vào tăng quá mạnh.

Đầu tư hạ tầng nuôi tôm tập trung theo mô hình VietGAP tại xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu). Ảnh: Nguyễn Hải

Ông Nguyễn Mậu Lương - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh cho biết: Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hầu hết hồ sơ dự án xin chủ trương đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công đều xây dựng ở mức giá bình thường, không có biến động lớn. Thế nhưng, sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư, chuyển sang giai đoạn triển khai thi công đầu năm 2022 thì giá vật liệu cơ bản như sắt thép, đất đá, xi măng tăng cao, vượt dự toán 20-25%.

Theo quy định, quỹ dự phòng chỉ từ 5-10% nên khi giá vật liệu tăng cao, nhiều dự án đã ngưng thi công và làm thủ tục xin điều chỉnh dự toán. Hiện nay, theo Luật Đầu tư công, muốn điều chỉnh quy mô dự án thì phải trình HĐND cấp huyện hoặc tỉnh. Đây là lý do năm 2022, HĐND tỉnh và một số huyện, thành phải họp bất thường để xem xét, thông qua để đảm bảo tiến độ thi công và giải ngân.

Ở một khía cạnh khác, theo đại diện UBND một số huyện, nguyên nhân tiến độ giải ngân đầu tư công chậm vẫn là do khâu chuẩn bị đầu tư chưa thực sự tốt. Khi làm hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư thì chỉ mới khái toán và chưa biết có được thông qua hay không nên chuẩn bị cũng chỉ bước đầu và sơ lược. Khi dự án được thông qua và bắt tay vào thực hiện, có một số hạng mục phát sinh trên thực địa phải điều chỉnh dẫn đến phải làm lại hồ sơ. Ví dụ rõ nhất là dự án khôi phục vùng ngập lũ tỉnh Nghệ An từ nguồn vốn vay Quỹ đầu tư Ả Rập, giai đoạn triển khai do thay đổi thiết kế, bổ sung cầu nên phải làm thủ tục điều chỉnh và thẩm định lại đã ảnh hưởng đến thi công toàn tuyến và ảnh hưởng tiến độ chung dự án.

Thi công cầu vượt cao tốc Bắc - Nam giao với Quốc lộ 48B đoạn nút giao xã Quỳnh Mỹ (Quỳnh Lưu). Ảnh: Nguyễn Hải

Một số ví dụ khác cũng làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các dự án có nguồn vốn vay nước ngoài là khâu giải phóng mặt bằng: Dự án đầu tư Trường THPT chuyên Phan Bội Châu thuộc Chương trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2 (80 tỷ đồng) không giải ngân được và phải đề nghị chuyển trả về ngân sách Trung ương; Dự án nâng cấp hồ Khe Lại ở thượng nguồn hồ Vực Mấu, xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu), thuộc Dự án Sửa chữa và Nâng cấp an toàn đập (WB 8) Bộ Nông nghiệp và PTNT chuyển nguồn 136 tỷ đồng nhưng do vướng mắc về giải phóng mặt bằng nên sau 2 năm, kể cả thời gian kéo dài, mới giải ngân được 16 tỷ đồng...

Ngoài các nguyên nhân trên, theo các Sở Tài chính và Kế hoạch và Đầu tư, đối với các dự án đầu tư công vốn vay nước ngoài, tỷ lệ giải ngân chậm là do quy định của Chính phủ và Hiệp định tài trợ vốn giữa Chính phủ ta với các nhà tài trợ vốn và các định chế tài chính quốc tế là các dự án lớn phải mời thầu quốc tế hoặc thủ tục lấy ý kiến nhà tài trợ nên mất nhiều thời gian hơn. Xuất phát từ thực tiễn, từ năm 2020, Nghệ An và các địa phương đã nhiều lần kiến nghị các bộ, ngành và Chính phủ xem xét sửa đổi nhưng vẫn chưa được.

Cầu Cửa Thơi nối xã Quỳnh Thuận với xã Quỳnh Thọ là 1 trong 4 cầu trọng điểm thuộc Dự án Quốc lộ ven biển tiến độ thi công khá tích cực, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho ngành Giao thông. Ảnh: Nguyễn Hải

Mặt khác, so với trước đây, đầu tư công từ vốn vay nước ngoài được các bộ, ngành và Chính phủ hỗ trợ trả nợ nhưng nay các địa phương vay phải bố trí vốn đối ứng và trả nợ lãi và gốc nên không phải địa phương cũng hào hứng. Vài năm lại đây, mỗi năm Nghệ An chỉ được bố trí trên dưới 500 tỷ đồng vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay đầu tư công nước ngoài, tỷ lệ thấp so với các tỉnh nhưng khó giải ngân.

Chia sẻ thêm, ông Vương Đình Nhuận- Trưởng ban Quản lý dự án Sở Giao thông Vận tải cũng cho biết: Theo thông lệ thi công xây lắp, quý 1 là thời gian làm hồ sơ dự án, nếu chủ đầu tư, đơn vị thi công nào làm nhanh thì tranh thủ quý 2 thi công, còn lại tháng 7 và 8 thường mưa lụt nên rất khó. Trên thực tế tiến độ thi công và giải ngân chủ yếu vào quý cuối năm.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng hy vọng với tinh thần nhìn thẳng vào thực tế và khi làm rõ nguyên nhân trên, với sự vào cuộc quyết liệt của Chủ tịch UBND tỉnh, từ nay đến cuối năm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn trong nước sẽ đạt 100% và phấn đấu để nâng tiến độ giải ngân 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia và đầu tư công vốn vay nước ngoài đạt trên 50%.

Mới nhất

x
Nghệ An: Vì sao nhiều dự án tiến độ giải ngân đầu tư công còn chậm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO