Nghệ An xác định không có ‘vùng cấm’ trong phòng, chống tham nhũng

Khánh Ly 13/07/2021 09:17

(Baonghean.vn) -Cán bộ, đảng viên ở bất cứ cương vị công tác nào, có dấu hiệu tham nhũng đều phải được làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không có “vùng cấm”. Đó là một trong những nguyên tắc trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Phát hiện, xử lý nhiều vụ việc

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng thanh tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm. Một số vụ án tham nhũng liên quan đến cán bộ, đảng viên, người có chức vụ đã được phát hiện, xử lý kịp thời.

Điển hình như ngày 13/01/2021, Cơ quan CSĐT Công an Nghệ An đã khởi tố vụ án tham nhũng “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại UBND xã Nghi Tiến (Nghi Lộc), khởi tố 03 bị can gồm: Lưu Quang Thượng, SN 1954 nguyên là Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến; Trần Công Oanh, SN 1960 nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến, Nguyễn Văn Hồng, SN 1980 nguyên công chức địa chính xã Nghi Tiến.

Các đối tượng Trần Công Oanh- Lưu Quang Thượng- Nguyễn Văn Hồng. Ảnh tư liệu Vương Linh
Các đối tượng Trần Công Oanh- Lưu Quang Thượng- Nguyễn Văn Hồng. Ảnh tư liệu Vương Linh

Theo điều tra: Trong giai đoạn từ năm 2014 - 2018, các đối tượng trên đã có hành vi lập khống hồ sơ trong thực hiện chế độ hỗ trợ cho người dân có diện tích cây trồng, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do thiên tai xảy ra trên địa bàn, gây thiệt hại hơn 720 triệu đồng. Hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra, mở rộng.

Tiếp đó ngày 20/01/2021, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quỳ Hợp khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại BQL rừng phòng hộ Quỳ Hợp, khởi tố 02 bị can: Lê Phùng Diệu, SN 1973 nguyên Trưởng BQL rừng phòng hộ Quỳ Hợp; Nguyễn Hồng Lĩnh, SN 1969, nguyên Phó trưởng BQL rừng phòng hộ Quỳ Hợp. Bước đầu điều tra xác định, vào tháng 6/2020, các đối tượng trên đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo và tổ chức thực hiện bán và cho phép khai thác 368 cây gỗ keo (khối lượng 227,363m3), gây thiệt hại 341.044.500 đồng.

Công an khám xét nơi làm việc của Lê Phùng Diệu. Ảnh tư liệu Tiến Hùng
Công an khám xét nơi làm việc của Lê Phùng Diệu. Ảnh tư liệu Tiến Hùng

Trong một vụ án khác, ngày 08/3/2021, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Đinh Hữu Hạnh, SN 1961, trú tại xóm 6, xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”. Theo tài liệu điều tra, năm 2016, thực hiện Chỉ thị 08-CT/TU ngày 08/5/2012 của BTV TU về việc “dồn điền, đổi thửa”, UBND xã Hưng Yên Nam đã kiện toàn Tiểu ban chỉ đạo công tác dồn điền, đổi thửa của xã. Tiểu ban thực hiện tại xóm 9 gồm do ông Đinh Hữu Hạnh, Xóm trưởng là Tổ trưởng và một số thành viên.

Quá trình thực hiện việc chuyển đổi, ông Hạnh đã có hành vi bán cho 10 người dân xóm 9 (nay là xóm 6, xã Hưng Yên Nam) 11 thửa đất (đất trồng lúa) có tổng diện tích là 10.850 m2 đất (đất nông nghiệp) với số tiền 636 triệu đồng, đã thu được 490 triệu đồng. Hành vi của ông Hạnh vượt quá giới hạn quyền năng, làm trái công vụ được giao, gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước trong công tác quản lý đất đai.

Cơ quan CSĐT Công an Nghệ An tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Lương Thanh Hải- Nguyên trưởng ban Dân tộc tỉnh. Ảnh: Thùy Anh
Cơ quan CSĐT Công an Nghệ An tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Lương Thanh Hải- Nguyên trưởng ban Dân tộc tỉnh. Ảnh: Thùy Anh

Liên quan đến sai phạm trong thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ đu do Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2021, cơ quan chức năng đã khởi tố mới 2 bị can. Cụ thể: Ngày 19/4/2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An khởi tố bị can đối với Lương Thanh Hải, SN 1962, nguyên Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tiếp đó, ngày 06/5/2021, khởi tố bị can đối với Chu Thị Thúy Khanh, SN 1974, nguyên Kế toán trưởng Ban Dân tộc tỉnh về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra theo quy định.

6 tháng đầu năm 2021, cơ quan điều tra các cấp trong tỉnh đã thụ lý điều tra 04 vụ/12 bị can (trong đó án cũ chuyển qua 01 vụ/4 bị can, thụ lý mới 03 vụ/ 8 bị can). Viện Kiểm sát 2 cấp thụ lý giải quyết 01 vụ/03 bị can (trong đó thụ lý mới 01 vụ/03 bị can). Tòa án nhân dân các cấp thụ lý xét xử 02 vụ/07 bị cáo. Hiện đã xét xử 01 vụ/6 bị cáo, còn lại chưa xét xử 01 vụ/ 01 bị cáo. Qua công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng phát hiện đã gây thiệt hại hơn 2,955 tỷ đồng và 10.850 m2 đất; trong đó đã thu hồi 1,898/ 2,955 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 64,2%).

Vào cuộc đồng bộ

Thực hiện Kết luận số 10 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được thực hiện một cách đồng bộ. Trong năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành 02 Kế hoạch và 5 văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác PCTN, trong đó có chỉ đạo thực hiện kiểm soát tài sản thu nhập lần đầu tại 85 đơn vị đầu mối thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh. Qua thống kê có 2.227 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tổ chức thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập với tổng số người kê khai là 19.731 người (đạt tỷ lệ 99,9%).

Dự án tổ hợp khách sạn, siêu thị kinh doanh dược, y tế và nhà ở tại xã Nghi Phú, thành phố Vinh được Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thanh tra toàn diện nhằm xử lý triệt để tồn tại, sai phạm của dự án và của công tác quản lý nhà nước. Ảnh tư liệu
Dự án tổ hợp khách sạn, siêu thị kinh doanh dược, y tế và nhà ở tại xã Nghi Phú, thành phố Vinh được Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thanh tra toàn diện nhằm xử lý triệt để tồn tại, sai phạm của dự án và của công tác quản lý nhà nước. Ảnh tư liệu

Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý sau thanh tra cũng được quan tâm thực hiện. 6 tháng đầu năm 2021, qua công tác thanh tra đã phát hiện tổng giá trị sai phạm 30,088 tỷ đồng, kết quả đã thu hồi 7,717 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 84,2%) và 327 m2 đất; xử lý khác 9,992 tỷ đồng. Bên cạnh đó, toàn ngành Thanh tra đã thực hiện 45 cuộc thanh tra công vụ, thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tại 54 đơn vị. Qua đó, kiến nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 14 tổ chức và 104 cá nhân có sai phạm.

Để phòng ngừa tham nhũng, bên cạnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị công khai minh bạch trong hoạt động; thực hiện các giải pháp chuyển đổi vị trí công tác, trả lương qua tài khoản, UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị. Trong 6 tháng đầu năm đã có 121 thủ tục hành chính cắt giảm thời gian, tổng thời gian được cắt giảm là 760 ngày.

Ở cấp tỉnh, việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành tại Trung tâm Phục vụ hành chính công đã được kiểm soát chặt chẽ qua Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh đảm bảo minh bạch, rõ ràng, đúng hẹn, bước đầu được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao. Tính đến ngày 18/5/2021, Trung tâm đã giải quyết 62.117 hồ sơ, trong đó có 59.379 hồ sơ trả đúng và trước hẹn (chiếm tỷ lệ 95,6%), có 2.738 hồ sơ trả trễ hẹn (chiếm tỷ lệ 4,4%).

Giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu
Giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu

Điều đáng ghi nhận là, trong công cuộc đấu tranh PCTN trên địa bàn tỉnh bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của các cơ quan chức năng còn có sự đồng hành của các cơ quan báo chí, truyền thông và nhất là vai trò quan trọng của quần chúng, nhân dân trong việc cung cấp thông tin, tố cáo các sai phạm trong hoạt động quản lý nhà nước của cán bộ, công chức; tố giác các sai phạm về kinh tế, tham nhũng... góp phần đẩy lùi nạn tham nhũng trên địa bàn. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An cũng thường xuyên quan tâm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; phát huy vai trò hệ thống Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư công trong việc giám sát các chương trình, dự án, việc quản lý đất đai, các chính sách kinh tế, xã hội tại các địa phương. Thông qua giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo ông Trần Văn Lâm - Trưởng ban Dân chủ pháp luật (MTTQ tỉnh): Trong năm 2021, MTTQ tỉnh dự kiến sẽ triển khai giám sát chuyên đề công tác cán bộ tại 3 huyện Quỳnh Lưu, Kỳ Sơn, Tương Dương và giám sát việc thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chủ tịch UBND 3 địa phương gồm Tân Kỳ, Đô Lương và thị xã Thái Hòa.

Ban Nội Chính Tỉnh ủy kiểm tra, rà soát các kết luận thanh tra KT_XH tại thị xã Hoàng Mai. Ảnh tư liệu Lê Thủy
Ban Nội Chính Tỉnh ủy kiểm tra, rà soát các kết luận thanh tra KT-XH tại thị xã Hoàng Mai. Ảnh tư liệu Lê Thủy

Hiện nay, đối diện với khó khăn do hệ thống cơ chế, chính sách về PCTN còn chưa thật đồng bộ, trên một số lĩnh vực còn sơ hở, tác động của mặt trái cơ chế thị trường ảnh hưởng đến tư tưởng, lối sống của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ... Bên cạnh việc chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý khoáng sản, đất đai; quản lý tài chính, ngân sách; đấu giá quyền sử dụng đất... nhằm hạn chế việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thực hiện các hành vi tham nhũng.

Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh xác định: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, công tác thanh tra trên các lĩnh vực nhạy cảm nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, công chức làm công tác phòng, chống tham nhũng. Bởi muốn đấu tranh có hiệu quả thì trước hết đội ngũ cán bộ liên quan đến công tác này phải thực sự trong sạch, liêm chính.

Mới nhất

x
Nghệ An xác định không có ‘vùng cấm’ trong phòng, chống tham nhũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO