Nghệ An: Xử lý 44 vụ kinh doanh hàng giả, hàng lậu qua mạng
(Baonghean.vn) - Dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu mua hàng online tăng cao, kéo theo số lượng người mua bán tham gia kênh này cũng tăng đột biến. Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã lợi dụng hình thức này để buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
Theo báo cáo từ Cục Quản lý thị trường Nghệ An, trong 6 tháng đầu năm 2021,khi thương mại điện tử bắt đầu bùng nổ vì ảnh hưởng dịch Covid-19, qua công tác kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Nghệ An đã xử lý 44 vụ, thu phạt gần 1,1 tỷ đồng vi phạm kinh doanh trên môi trường mạng.
Điển hình vào ngày 5/1/2021, Đội QLTT số 11 - Cục QLTT Nghệ An phối hợp với Đội QLTT số 3 - Cục QLTT Nghệ An, Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh kiểm tra cơ sở kinh doanh đai nịt bụng Latex do bà C.T.H.A (Đường Phạm Đình Toái, phường Hà Huy Tập, TP.Vinh) làm chủ. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này bày bán 1.500 sản phẩm đai nịt bụng do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ liên quan để chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Cục QLTT Nghệ An đã trình UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính 45 triệu đồng, tịch thu 1.500 đai nịt bụng trên trị giá 450 triệu đồng.
Xử phạt một fanpage kinh doanh thuốc lá lậu ở thành phố Vinh gần 70 triệu đồng. Ảnh: Thanh Phúc |
Trước đó, Đội QLTT số 11 phối hợp với Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử qua Fanpage IQOS Vinh có địa chỉ tại đường Lê Viết Lượng, TP. Vinh, Nghệ An. Theo đó, đối tượng đã sử dụng fanpage, Facebook để thực hiện hoạt động quảng cáo, kinh doanh online xì gà, thuốc lá, máy hút thuốc lá điện tử và tinh dầu thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, giấy tờ liên quan kèm theo chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Theo đó, đã xử lý vi phạm hành chính gần 70 triệu đồng.
Tiêu hủy hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị tịch thu. Ảnh: Thanh Phúc |
Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng hoạt động TMĐT để kinh doanh như bán hàng bằng cách tổ chức các buổi livestream trên mạng xã hội Facebook, chốt đơn và đóng gói theo các đơn đã chốt trên livestream, sau đó chuyển hàng đến đối tượng khách hàng qua các công ty vận chuyển và chuyển tiền qua tài khoản hoặc nhờ người giao hàng thu tiền hộ.
Với việc kinh doanh theo hình thức này, nhiều đối tượng không đăng ký kinh doanh, không có địa chỉ cửa hàng cụ thể, gây thất thu thuế cho Nhà nước và gây nhiều khó khăn cho công tác nắm tình hình, phát hiện các đối tượng và hành vi vi phạm. Hàng hóa được vận chuyển qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh, xe bưu chính nhằm tránh sự kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng.
Hàng giả, hàng lậu tràn lan trên các "chợ mạng". Ảnh: Thanh Phúc |
“Từ nay cho đến cuối năm, tình hình dịch bệnh sẽ còn phức tạp, buôn bán online sẽ phát triển “nóng”, do đó Cục QLTT Nghệ An đã chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường đấu tranh chống lợi dụng hoạt động TMĐT để buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là hàng giả mạo nhãn mác Việt Nam để xuất khẩu. Bên cạnh sự vào cuộc của ngành chức năng, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức, hiểu biết để các đối tượng kinh doanh bất chính không có môi trường hoạt động”.