Nghệ An trồng thử nghiệm giống sắn mới kháng bệnh khảm lá

Thanh Phúc - Hoài Thu - 19/04/2024 08:34
(Baonghean.vn) - Trong những năm gần đây, bệnh khảm lá sắn bùng phát và lan ra diện rộng khiến năng suất, chất lượng sắn giảm sút, người dân thất thu và nhà máy thì “đói nguyên liệu”. Hiện giải pháp tìm giống sắn mới kháng bệnh thay thế đang được triển khai ở các địa phương trong tỉnh.
bna_khảm 2.JPG
Bệnh khảm lá sắn có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus. Bệnh lan truyền qua môi giới là bọ phấn trắng và qua hom giống lấy từ cây bị bệnh. Đây là bệnh rất nguy hiểm và khó phòng trừ. Ảnh: Thanh Phúc
bna_bệnh khảm 1.JPG
Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh khảm lá sắn là khảm vàng loang lổ trên lá, mức độ hại nhẹ thì không bị biến dạng, hoặc biến dạng nhẹ, mức độ hại nặng làm cho lá sắn xoăn, cong queo, nhăn nhúm và làm cho cây chết dần. Ảnh: Hoài Thu
bna_3.jpg
Hộ anh Nguyễn Văn Thành ở xóm Hội 3, xã Hội Sơn (Anh Sơn) gắn bó với cây sắn nguyên liệu đã hơn 6 năm nay. Theo anh Thành, so với cây ngô thì cây sắn hiệu quả kinh tế cao hơn, đỡ chi phí đầu vào hơn và có nhà máy thu mua nên không lo ế ẩm. Thế nhưng, 2 năm nay, bệnh khảm lá sắn xuất hiện và lan ra diện rộng khiến năng suất giảm mạnh. Ảnh: Thanh Phúc
bna_1.jpg
Chị Nguyễn Thị Vinh, một hộ trồng sắn ở xóm Hội 3, xã Hội Sơn (Anh Sơn) cho biết: “Vụ Xuân này, 6 sào sắn của gia đình đều nhiễm bệnh khảm lá. Nếu như trước đây, 1 sào cho năng suất trên 2 tấn, thì nay, khi cây sắn bị bệnh khảm thì năng suất giảm xuống còn khoảng 1- 1,2 tấn”. Ảnh: Hoài Thu
bna_a Nhẩm.JPG
Hiện toàn xã Hội Sơn có 70 ha sắn nguyên liệu với 200 hộ trồng hầu hết đều bị nhiễm bệnh khảm lá. Ảnh: Thanh Phúc
bna_ni lon.JPG
Thạc sĩ Phan Duy Hải - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh lý giải: Có hai phương thức lây truyền bệnh khảm lá sắn, đó là từ hom giống và bọ phấn trắng. Đối với hom giống, virus tồn tại trong thân, lá, củ sắn nên khi lấy thân sắn làm giống cho vụ sau thì virus sẽ tiếp tục nhân lên trong hom giống và làm xoăn lá ngay khi cây vừa mọc mầm… Do đó, biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để khắc phục bệnh khảm lá sắn đó là thay thế bằng giống sắn mới, sạch bệnh và kháng bệnh. Ảnh: Thanh Phúc
bna_ghép.jpg
Các giống sắn này được nhập về từ các tỉnh miền Nam, hỗ trợ cho bà con các địa phương trồng thử nghiệm. Ảnh: Hoài Thu
bna_7.jpg
Hiện nay, các giống sắn mới, sạch bệnh và kháng bệnh như: KM94, HN1, HN5 đang được đưa vào trồng thử nghiệm tại các địa phương: Tân Kỳ, Thanh Chương, Anh Sơn, Nam Đàn. Ảnh: Thanh Phúc
bna_giống mới.jpg
Theo đánh giá ban đầu, giống sắn mới sinh trưởng tốt, sạch bệnh. Thời gian tới, khi khẳng định được năng suất và chất lượng thì sẽ nhân rộng và trồng thay thế giống sắn cũ. Ảnh: Thanh Phúc
bna_nilon.JPG
Ngoài ra, mô hình trồng sắn phủ ni lông cũng đang được nhiều địa phương áp dụng. Ông Nguyễn Văn Thuỷ - cán bộ nông vụ của nhà máy chế biến tinh bột sắn Hoa Sơn (Anh Sơn) cho biết: “Trồng sắn phủ bạt sẽ hạn chế được bệnh khảm lá. Đặc biệt, trồng sắn phủ bạt tiết kiệm được công chăm sóc như làm cỏ, rút ngắn thời gian thu hoạch sắn, so với trồng sắn thông thường thì năng suất đem lại gấp đôi. Hàm lượng tinh bột của củ sắn trồng phủ bạt cũng nhiều hơn”. Ảnh: Hoài Thu
Clip: Phúc - Thu
Chia sẻ ý kiến của bạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO