"Nghề" bắt tội phạm truy nã

25/03/2014 15:09

(Baonghean) - “Nghề” bắt tội phạm truy nã là phải biết đi, chịu đi và chấp nhận nguy hiểm. Bởi địa bàn mà tội phạm “lựa chọn” bỏ trốn trải dài trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước, thậm chí là cả nước ngoài. Có chuyến đi chỉ vài ngày nhưng có những chuyến đi kéo dài hàng tuần, hàng tháng trời, bởi đối tượng cứ liên tục vào Nam, ra Bắc để đánh lạc hướng. Vì vậy, người làm “nghề” truy nã cũng phải ngược xuôi theo…

Tiếp cận cán bộ, chiến sỹ phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh vào một ngày đầu tuần sau khi các anh vừa lên phương án truy tìm một đối tượng truy nã 7 năm hiện đang lẩn trốn tại Tây Nguyên, chúng tôi nhận thấy một không khí làm việc khẩn trương. Cùng với những cán bộ, chiến sỹ đang hoàn tất hồ sơ, là những cán bộ, chiến sỹ đang chuẩn bị khăn gói lên đường. Đại úy Nguyễn Khánh Sơn (Đội phó Đội Cảnh sát truy nã tội phạm về TTXH), người trực tiếp tham gia bắt giữ nhiều đối tượng truy nã nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm cho biết: Hành trình truy bắt các đối tượng tội phạm lẩn trốn là một hành trình dài ngày, dày công, bởi việc tìm kiếm và phát hiện những đối tượng truy nã hết sức khó khăn, gian khổ và nguy hiểm...

Điển hình là vụ bắt giữ đối tượng Hà Văn Toản (SN 1981), trú tại xóm Tân Đông, xã Đồng Văn, huyện Tân Kỳ, là 1 trong 2 đối tượng thuộc hệ nguy hiểm hình sự, với tội danh “cố ý gây thương tích”. Năm 2007, Toản đã trốn vào một vùng biển thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thay tên, đổi họ, làm giả lý lịch rồi xin làm nghề đánh cá, lênh đênh trên biển hàng tháng trời. Để xác định được đối tượng này, các trinh sát đã rất vất vả xác minh dấu vết cũng như điều tra manh mối. Với thủ đoạn tinh vi, Toản đã liên tục di chuyển làm lạc hướng truy tìm của các trinh sát. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác đã nắm được quy luật hoạt động của y, mật phục và bắt giữ khi y đang ở trong phòng trọ của một cô bạn gái ở tỉnh Bình Dương. Hay việc bắt giữ đối tượng Hồ Đình Chiến (huyện Tân Kỳ) mới đây cũng là một kỳ công.

Sau khi bị truy nã về tội cướp tài sản, Chiến đã chạy trốn lên Gia Lai. Để bám trụ với cuộc sống nơi đây, y xin vào làm gỗ trong rừng sâu. Đối tượng này tỏ ra cảnh giác rất cao, hầu như ít khi xuất hiện mà chỉ ẩn náu tại lán trại ở trong rừng. Họa hoằn lắm y mới bước ra khỏi rừng, nhưng khi đi y vẫn hóa trang để người ngoài không nhận ra được. Bởi vậy, khi nhận được thông tin đối tượng đang ở trong rừng sâu các trinh sát đã lên kế hoạch tác chiến bí mật để không bị đối tượng phát hiện. Sau thời gian theo dõi, nắm chắc quy luật hoạt động của đối tượng, các trinh sát đã tóm gọn khi Chiến đang trên đường ra thị trấn.

Những đối tượng truy nã lẩn trốn ở các tỉnh phía Nam  bị bắt cuối năm 2013.
Những đối tượng truy nã lẩn trốn ở các tỉnh phía Nam bị bắt cuối năm 2013.

Trung úy Vũ Vinh Quỳnh, cán bộ đội Đội Cảnh sát truy nã tội phạm về TTXH cho hay: “CBCS làm công tác truy nã phải thường xuyên xa gia đình, với những chuyến hành trình hàng nghìn km, khi tiếp cận đối tượng phải đi bộ hàng chục km đường rừng. Phải hóa trang vào nhiều vai khác nhau để xâm nhập thực tế, tiếp cận đối tượng là chuyện thường”. Còn Thiếu úy Nguyễn Văn Khánh, cán bộ Đội Cảnh sát truy nã tội phạm ma túy chia sẻ: Những đối tượng phạm tội nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm rất liều lĩnh, manh động và luôn mang vũ khí “nóng”, khi bị phát hiện sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng. Do đó, nhiệm vụ truy bắt đối tượng truy nã; vận động, thuyết phục và kêu gọi đối tượng ra đầu thú của lực lượng cảnh sát truy nã rất cam go, luôn phải đối mặt với những nguy hiểm rình rập.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Trần Văn Minh - Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh, cho biết: Tính từ khi thành lập (9/6/2010) đến nay, lực lượng đã tổ chức truy bắt, vận động đầu thú, thanh loại được 430 đối tượng truy nã, trong đó có 165 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Tuy nhiên, đến 28/2/2014 toàn tỉnh vẫn còn 391 đối tượng truy nã, trong đó có đến 160 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Đây chính là những mầm mống, hiểm họa khôn lường về an ninh trật tự. Vì vậy, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đảm bảo an toàn lực lượng, hơn ai hết, mỗi người lính trên mặt trận này phải thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị, kiến thức nghiệp vụ... Đồng thời, thường xuyên trao đổi thông tin với các đơn vị nghiệp vụ khác, có như vậy mới đạt hiệu quả.

Bài, ảnh: Quảng An

Mới nhất
x
"Nghề" bắt tội phạm truy nã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO