Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin

07/09/2015 11:20

(Baonghean) - Trong nhiệm kỳ qua, Nghệ An có rất nhiều chỉ tiêu về phát triển kinh tế - chính trị - xã hội đạt và vượt, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, quốc phòng an ninh được giữ vững. Cùng với nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp thì sự sáng tạo trong công tác dân vận ở mỗi địa phương , mỗi tổ chức đảng được xem là chìa khóa thành công.

Điểm nhấn trong công tác dân vận

Trong nhiều mô hình “dân vận khéo” ở các cấp những năm qua, nổi bật là sự vào cuộc của lực lượng tham gia công tác vận động giải phóng mặt bằng để hoàn thành các dự án an sinh xã hội, các công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn. Điển hình, dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A được tiến hành từ cuối năm 2013 đến cuối năm 2014. Để công trình hoàn thành đúng tiến độ, Đảng bộ tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng phối hợp vận động để nhân dân hiểu đúng và kịp thời các chế độ bồi thường cũng như tính cấp thiết trong việc gấp rút bàn giao mặt bằng. Khó khăn trong công tác GPMB là tuyến đường đi qua địa bàn tỉnh với chiều dài 73,8 km với nhiều địa phận dân cư, có số hộ ảnh hưởng lớn. Mỗi địa phương cấp ủy, chính quyền ở đó đã lấy việc GPMB là công tác chính trị ưu tiên số một và công tác tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhân dân là yếu tố hàng đầu.

Từ thực tiễn, một số nơi còn vướng mắc, khó khăn trong công tác GPMB, người dân bức xúc vì không được đáp ứng yêu cầu chi trả bồi thường, nhiều nơi chính quyền đã thực sự bí bách, không có phương án tháo gỡ. Trước tình hình đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã ban hành Công văn 597-CV/DVTU về việc tăng cường vận động nhân dân GPMB nâng cấp QL1A chỉ đạo đồng thời hướng dẫn cách thức tổ chức vận động cho Ban Dân vận các huyện có QL1A đi qua. Với phương châm khó ở đâu gỡ ở đó, Ban Dân vận yêu cầu các địa phương cử cán bộ là người uy tín, có khả năng, bản lĩnh, tham gia vào tổ công tác vận động nhân dân bàn giao mặt bằng; đồng thời làm tốt công tác dân vận trong vận động giao đất. Kịp thời phản ánh những vấn đề nảy sinh trong quá trình tổ chức vận động, phát hiện, kiến nghị xử lý những đối tượng cố tình chống lại chủ trương của Nhà nước, tung tin gây mất ANTT trong quần chúng nhân dân.

Qua thời gian nỗ lực từ việc giải quyết điểm nóng ở những nơi các hộ dân còn thắc mắc về chế độ chính sách bồi thường, đến việc giải quyết những hệ lụy tồn đọng kéo dài do việc giải quyết đất đai sai quy định từ thời kỳ trước năm 1996 ở một số nơi như Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, sự việc đã dần dần được tháo gỡ, có những điểm tưởng chừng như bế tắc nhưng qua sự kiên trì vận động, sự thuyết phục thấu tình, đạt lý, cộng với cách thức vận động được thực hiện từ dễ đến khó, từ xa đến gần, từ phổ biến đến cá biệt, các địa phương đã bàn giao mặt bằng đúng thời hạn. Nghệ An đã được Chính phủ khen ngợi vì hoàn thành đúng tiến độ công trình GPMB tuyến đường trọng điểm QL1A.

Công tác dân vận trong thực hiện GPMB các công trình trọng điểm quốc gia còn phải kể đến thành công trong công tác tuyên truyền, vận động để 8 hộ dân bàn giao mặt bằng sau 4 năm đình trệ của Ban GPMB huyện Quỳ Hợp thuộc Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng. Công trình có nhiệm vụ hết sức quan trọng là chinh phục thiên tai bằng việc cắt giảm lũ cho hạ du sông Hiếu và sông Cả, góp phần bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng của nhân dân trong mùa mưa lũ và sản xuất điện với công suất 42MW để hoà vào mạng lưới điện quốc gia. 8 hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng vì chưa thông suốt chính sách, chủ trương và cách tuyên truyền của cán bộ làm công tác dân vận. Nhận thức được tầm quan trọng trong thay đổi cách thức vận động, bà Trần Minh Sinh, Bí thư Huyện ủy, lúc đó là Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo: “Cần phải nói cho dân hiểu và dân tin, chữ tín là quan trọng nhất, nếu đã hứa sẽ giải quyết chính sách thì đúng thời hạn phải giải quyết, và điều quan trọng hơn nếu trước đó cán bộ tuyên truyền không làm cho dân hiểu thì cán bộ khác lưu loát hơn, bản lĩnh hơn sẽ thay thế”.

Sau 2 tuần vào cuộc rốt ráo, ngày 31/5/2015, 8 hộ dân thuộc xóm Cồng và xóm Trọng Cánh đã bàn giao mặt bằng để dự án kênh N1 thuộc cụm đầu mối, công trình Hồ chứa nước Bản Mồng được thi công trở lại. Đó không chỉ là niềm vui của Đảng bộ, chính quyền huyện Quỳ Hợp mà còn là của nhân dân trên địa bàn. Thành công trong việc vận động, tuyên truyền người dân bàn giao mặt bằng nhờ công tác dân vận còn phải kể đến dự án thi công đường D4 của tỉnh qua địa bàn xã Nghi Thiết (Nghi Lộc). Được biết, tuyến đường D4 có 2,1 km đi qua địa bàn xã Nghi Thiết. Trong đó, 500m đoạn cuối của tuyến đường có liên quan đến 149 hộ dân thuộc xóm Đông và xóm Mới của địa phương này. Đến 3/9, UBND huyện Nghi Lộc và Đảng ủy, UBND xã Nghi Thiết đã thuyết phục thành công 4 hộ dân còn lại, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Lắp đặt hệ thống nước sạch về xã Nam Cát. Ảnh: Mai Hoa
Lắp đặt hệ thống nước sạch về xã Nam Cát. Ảnh: Mai Hoa

Điểm nhấn trong công tác dân vận ở các địa phương còn phải kể đến phong trào thi đua “dân vận khéo”, phong trào này được nhân rộng ở nhiều địa bàn gắn với xây dựng nông thôn mới. Ban Dân vận đã tham mưu xây dựng Đề án 06 – ĐA/TU ngày 1/4/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phong trào thi đua “dân vận khéo” cấp tỉnh, cấp huyện và đi vào hoạt động hiệu quả. Điển hình như mô hình “dân vận khéo” tại xã Diễn Yên (Diễn Châu) trong phong trào xây dựng nông thôn mới, từ một địa phương không được chọn làm điểm, với chỉ 9 tiêu chí ban đầu nhưng chỉ sau 9 tháng phát động, sự quyết liệt trong chỉ đạo và huy động nguồn lực từ trong nhân dân, con em làm ăn xa quê và những doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã đã hoàn thành 6 tiêu chí khó khăn nhất để đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 11/2014.

Hay như xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) đã vận động nhân dân phát triển kinh tế trang trại vườn hộ, nâng cao đời sống nhân dân, tăng thu ngân sách cho địa phương. Nếu năm 2010 xã có 90/186 có trang trại thì đến nay nhờ sự vận động, chỉ đạo đúng hướng của Đảng ủy xã và tổ công tác dân vận mà có tới 186/186 hộ tham gia trang trại chăn nuôi, trồng cam, quýt, thu nhập bình quân đầu người đến nay lên tới 62 triệu đồng/năm, xã có tới 20 hộ thu nhập từ 2 đến 3 tỷ đồng. Nhờ đời sống khá giả, nhân dân đã tự nguyện đóng góp tới 435 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa, cổng làng, sân bóng,… góp phần xây dựng nông thôn mới.

Điển hình trong mô hình “dân vận khéo” còn phải kể đến trong lĩnh vực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tại nhiều địa bàn. Như ở, khối 5, 6 phường Thu Thủy (Thị xã Cửa Lò); xóm 6, xã Hưng Trung (Hưng Nguyên), đây là những mô hình “dân vận khéo” trong việc xây dựng mối đoàn kết lương - giáo. Nơi đây Đảng ủy, chính quyền và nhân dân một lòng cùng chung chí hướng xây dựng khối xóm giàu mạnh văn minh và ấm tình đoàn kết. Ông Hoàng Đức Nguyên, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Tiểu ban MTTQ xóm 6, xã Hưng Trung (Hưng Nguyên) cho biết: “Dân vận khéo ở xóm tôi như là một sự tự nhiên, vì mối đoàn kết này đã thành truyền thống việc nhà nào ở trong xóm cũng là việc chung. Các phong trào được phát động thấy vui, có ý nghĩa thì ai cũng tham gia. Bài học ở đây chính là sự đoàn kết đồng lòng trong cấp ủy ban cán sự khối xóm”.

Trong những năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Nhiều điển hình, mô hình, cá nhân “Dân vận khéo” xuất hiện gắn với cải cách hành chính và sửa đổi lề lối làm việc của cán bộ, công chức; nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành về công tác dân vận được nâng lên, tinh thần trách nhiệm, năng lực chỉ đạo, tham mưu của hệ thống dân vận, của đội ngũ cán bộ dân vận có chuyển biến. Trong quá trình tổ chức thực hiện, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ở cơ sở điển hình như trong vấn đề GPMB, xây dựng nông thôn mới, hay xây dựng mối đoàn kết lương - giáo; đồng thời việc kết hợp đồng bộ giữa công tác dân vận với hoạt động quản lý, điều hành, tìm ra những biện pháp hiệu quả để giải quyết nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, tập thể, cá nhân, được quần chúng đồng tình, hưởng ứng.

Sau khi triển khai thi đua xây dựng mô hình “dân vận khéo”, hằng năm các địa phương đã tiến hành bình chọn suy tôn, biểu dương, mô hình điển hình “dân vận khéo”. Nếu năm 2011 có 367 mô hình thì năm 2014 đã có 2.212 mô hình và năm 2015 đã đăng ký xây dựng 3.652 mô hình. Các địa phương cũng đã vận động nhân dân hiến hơn 5.000 m2 đất, hơn 4 ngàn ngày công, đóng góp hơn 4.000 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới và đến nay đã có 39 xã đạt 19 tiêu chí. Ở địa bàn nào xây dựng được mô hình “dân vận khéo” thì nơi đó sẽ đạt được mục tiêu về kinh tế, chính trị , an sinh xã hội.

Phát huy Quy chế dân chủ cơ sở

Quá trình triển khai công tác dân vận của hệ thống chính trị, các tổ chức cơ sở đảng đã triển khai thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ cơ sở trên cả 3 loại hình xã, phường, thị trấn, cơ quan. 21/21 huyện, thành, thị đã triển khai xây dựng được 31 điểm sáng về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Các địa phương đã coi thực hành dân chủ là phương thức cơ bản của công tác dân vận. Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên tinh thần: giải thích cho dân hiểu, bàn với dân, tổ chức để dân thi hành, cùng dân kiểm thảo lại công việc theo tư tưởng Hồ Chí Minh và 4 phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra mà Đảng đã khẳng định. Trong mọi nội dung công tác dân vận, người cán bộ luôn thấm nhuần lời Bác dặn “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Điển hình như xã Tân Phú (Tân Kỳ), trong việc xây dựng nông thôn mới đã thực hiện quy chế dân chủ như là phương thức để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Xã đã bầu ra ban xây dựng gồm đại diện khối đoàn thể, tổ trưởng tổ tự quản và một vài người dân có trình độ trong thẩm định, tính toán, kiểm tra để cụ thể hoá các khoản thu chi khi xây dựng các công trình giao thông nông thôn, nhà văn hóa, sau đó công khai trước nhân dân. Như vậy cùng với việc dân biết, dân bàn thì việc dân trực tiếp được làm và được kiểm tra đã được thực hiện bài bản tại đây. Điểm sáng nữa về thực hiện quy chế dân chủ còn ở xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn), được thực hiện thông qua công tác cải cách hành chính. Công tác phục vụ nhân dân trên địa bàn thường xuyên được chấn chỉnh, người dân khi đến làm thủ tục hồ sơ được hướng dẫn tận tình, cán bộ xã đã làm thêm giờ để giải quyết các quy trình cho người dân.

Điểm sáng trong quy chế dân chủ cơ sở còn được ghi nhận ở Ban Dân chủ pháp luật (MTTQ tỉnh), Phòng Kế hoạch và Đầu tư Khu kinh tế Đông Nam, Công ty TNHH Thương mại, vận tải Bình Minh (Nghi Lộc);… nhờ đó đã góp phần tạo được chuyển biến rõ nét trên các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh xây dựng hệ thống chính trị cơ sở của tỉnh. Việc thực hiện quy chế dân chủ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã lồng ghép một cách hài hòa với mô hình “dân vận khéo”, thông qua đó làm chuyển biến mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, phong cách lề lối làm việc của cấp ủy, chính quyền mặt trận và các đoàn thể. Cũng qua đây cán bộ các cấp đã sâu sát cơ sở, gần dân, lắng nghe ý kiến của dân.

Từ thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở đã góp phần đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, không để dân kéo đông người lên khiếu kiện ở Trung ương. Qua đó, lòng dân yên vui, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Ông Nguyễn Mạnh Khôi, Phó trưởng Ban Dân vận tỉnh ủy cho biết: “Gần đây, đến các cơ quan công quyền được người dân và doanh nghiệp phản ánh hồ sơ của họ đã không phải chờ đợi lâu, quy trình thủ tục vì thế cũng được rút ngắn. Đó cũng là lý do mà nhiệm kỳ qua thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh tăng, các dự án treo cũng giảm, thước đo về sự hài lòng của người dân đã được phủ rộng trên nhiều địa bàn”.

Trong nhiệm kỳ qua, công tác dân vận chính quyền đã có những bước chuyển biến về nhận thức và hành động, đã góp phần xây dựng đạo đức công vụ, nâng cao ý thức, trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Điển hình như xã Nam Cát (Nam Đàn), trong lần chúng tôi về thăm nhân dịp xã đón nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, đồng chí Nguyễn Thị Oanh, Bí thư Đảng ủy xã đã phấn khởi thông báo rằng, các phong trào cần huy động sức dân, chúng tôi không phải đến từng nhà để vận động. Bí thư, xóm trưởng chỉ cần phát thanh trên hệ thống phát thanh xóm là lập tức nhân dân đóng góp, vì họ tin, khi chủ trương đã về đến xóm là chính họ được hưởng lợi.

Ông Nguyễn Mạnh Khôi, Phó ban Dân vận nêu quan điểm: Dù ít hay nhiều người dân đều phải tiếp xúc và liên quan đến chính quyền vì thế chỉ cần một thái độ niềm nở, ân cần cũng có thể làm cho nhân dân tin tưởng từ đó công tác vận động đạt được hiệu quả. Hơn nữa, nhiệm vụ của chính quyền là phải cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng ở các cấp thành các chính sách để thực hiện. Nếu các chính sách đó phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và việc triển khai có hiệu quả cao thì nhân dân càng phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo cuả Đảng, sự điều hành quản lý của chính quyền.

Nhiệm kỳ qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy tập trung thực hiện có hiệu quả công tác dân vận theo tinh thần của Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Nhiều địa phương đã thành công trong việc vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tham gia có hiệu quả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó cán bộ dân vận đã chủ động và kịp thời nắm bắt tình hình trong nhân dân, những vấn đề nhân dân quan tâm bức xúc để phản ánh cấp ủy, chính quyền chỉ đạo giải quyết. Đến nay 480/480 xã phường, thị trấn có khối dân vận, 5.906 tổ dân vận hoạt động thường xuyên. Các tổ dân vận đã vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”; phong trào ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, “Xung kích tình nguyện vì miền Tây”, “Chung sức xây dựng nông thôn mới”…

Với những đóng góp tích cực trong nhiệm kỳ qua, công tác dân vận đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, đó là nhờ các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể đã thực hiện công tác dân vận dựa trên nguyên tắc: Dân vận trong thời kỳ mới phải đổi mới, phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, để qua đó “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

Thanh Nga

Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO