Nghề đặt trúm lươn
Khi nhà nhà lên đèn, gia đình quây quần bên mâm cơm sum họp thì cũng là lúc những người làm nghề đặt trúm lươn “hành nghề”. Ra đi từ chiều tối và về nhà lúc tờ mờ sáng, nghề đặt trúm lươn được ví là nghề “ăn sương ngủ đồng”, vất vả, nhọc nhằn...
(Baonghean) Khi nhà nhà lên đèn, gia đình quây quần bên mâm cơm sum họp thì cũng là lúc những người làm nghề đặt trúm lươn “hành nghề”. Ra đi từ chiều tối và về nhà lúc tờ mờ sáng, nghề đặt trúm lươn được ví là nghề “ăn sương ngủ đồng”, vất vả, nhọc nhằn...
Trước đây, đặt trúm lươn chỉ là công việc lúc nông nhàn của mấy anh trai làng. Đêm trăng thanh, gió mát rủ nhau đi đặt trúm bắt lươn làm mồi cho bữa nhậu vui, hoặc để cải thiện bữa ăn. Khi lươn đồng trở thành đặc sản, thành “hàng hóa” với giá cao thì đặt trúm lươn trở thành nghề của nhiều nông dân ở các làng quê xứ Nghệ. Tại xã Long Thành (Yên Thành) cả làng làm nghề này.
Thường thì mùa đặt trúm lươn bắt đầu rộ từ tháng 8 âm lịch, khi những cơn mưa dầm bắt đầu xuất hiện. Nhưng nay, họ đi đặt trúm quanh năm. Nghềkhông mất vốn, chỉ mất công, mất sức. Có dăm, bảy chục ống trúm, ít mồi nhử là đủ điều kiện để hành nghề. Ống trúm được làm bằng loại tre mỡ lóng dài, mỏng cơm, rộng ruột (đường kính phải đảm bảo 6, 7cm trở lên). Tre được cưa ra thành từng ống, mỗi ống dài trên dưới một mét, dùng dao sắc róc mắt, cạo vỏ bề ngoài cho thật sạch đẹp. Còn phía trong những mắt tre được chọc thủng. Phần đầu ống trúm được lắp vào một cái hom làm bằng lạt giang bện những thanh tre đã vót nhọn, phần đầu mở rộng, phần đuôi buộc túm lại theo hình phễu, để khi lươn chui vào thì dễ mà ra thì vô phương. Bây giờ, khi “làng lên phố”, lũy tre làng được thay bằng tường rào bê tông kiên cố, nguyên liệu làm ống trúm vì thế khan hiếm dần, người ta thay ống trúm tre bằng ống nhựa PVC. Trúm được làm bằng ống nhựa vừa nhẹ, vừa bền lại dễ mua vì thời buổi bây giờ, tìm tre để làm trúm quả là khó khăn.
Anh Nguyễn Văn Hiệp (khối 12, Thị trấn Hưng Nguyên) thu gom trúm lươn.
Quãng 18h chiều, từng chiếc xe máy, xe đạp chở những sọt trúm tỏa đi khắp đồng sâu, bãi lầy. Ông Đặng Khắc Nam, xóm 3 Long Thành, người làm nghề đặt trúm hàng chục năm nay cho biết: “Tôi biết đặt trúm từ lúc lên mười. Ngày trước, người ta thả trúm chỉ để có thức ăn qua ngày, nếu dư thừa cũng chỉ bán trong những phiên chợ quê. Khoảng mươi năm trở lại nay, khi lươn trở thành đặc sản, thương lái vào tận nhà thu mua, đặt trúm trở thành nghề nuôi sống cả gia đình.
Nghề này không đòi hỏi vốn liếng nhưng vất vả và lắm công phu...”. Ban ngày, ông vác cuốc đi đào giun, kéo lưới bắt cá săn sắt, lòng tong, câu nhái, ễnh ương băm làm mồi đặt trúm lươn. Buổi chiều, giành thời gian đi thị sát địa điểm tìm nơi đặt trúm. “Ban ngày lươn nấp dưới bùn, ban đêm mới ngoi lên kiếm ăn nên đặt trúm lươn phải đi vào buổi tối. Hai thứ quan trọng nhất quyết định yếu tố thành bại của việc đặt trúm là mồi và hom. Bởi lẽ, “mồi không ngon, lươn không đớp; trúm không thông, lươn không vào”. “Cứ địa” mà lươn hay trú ẩn những cánh đồng năn, cỏ lác mọc um tùm, nơi bùn nước nhiều. Nhưng nơi đắc địa nhất là những miệng đìa có nhiều cỏ năn...”. Ông Nam hào hứng chia sẻ bí quyết đặt trúm lươn.
Trước đây, mỗi đêm loanh quanh mấy cánh đồng trong xã cũng bắt được vài ba ki-lô lươn nhưng “người đông, của khó”, nhiều người làm nghề đặt trúm nên lươn cạn dần. Giờ, muốn bắt được nhiều lươn phải cất công đi xa, có khi cách nhà hàng chục km. Người đặt trúm phải luôn có sẵn “trận đồ” đặt trúm trong đầu, để khi đi thu gom trúm không bị sót, không bị thất lạc, hoặc nhầm lẫn của người khác. Trung bình mỗi đêm, ông bắt được khoảng 2-3kg lươn, với giá bán hiện nay 120.000đ/kg ông cũng kiếm được vài trăm ngàn, đủ tiền thuốc thang cho vợ và nuôi con ăn học.
Song nghề này không phải ai cũng làm được, vì ngoài những đòi hỏi cơ bản về kỹ thuật đánh còn cần đến sức khoẻ để thức đêm, ngủ đồng.Chập tối, khi mọi người chuẩn bị quây quần bên mâm cơm, bếp lửa thì đội quân đánh trúm phải dầm mình trong đêm, vật lộn với bùn đất lấm lem. Đi đặt trúm ở những vùng xa, họ lập thành đội khoảng 3-5 người để đề phòng bất trắc. Đêm, bốn năm người chui vào một cái lều được căng bạt tạm bợ, thay phiên nhau trực. Người này ngủ thì người khác thức, cứ thế cho đến lúc trời sáng. Khi tiếng gà gáy trên những ngôi nhà thấp thoáng ánh lửa, họ lại toả ra đi thu gom thành quả sau một đêm làm việc.
Tháo hom, trút từ trong ống trúm ra những con lươn to bằng hai ngón tay, mình tròn, da vàng rộm, có nhiều trúm có 3-5 con “mắc bẫy”, anh Hồ Văn Dũng tâm tư: “Cá chết vì đăng, lươn chết vì mồi”, háu ăn nên nhiều con mắc bẫy, tự chui đầu vào trúm. Ở đời, nếu vì hám lợi cũng dễ chết như chơi...”. Những người làm nghề đặt trúm ở làng Địa Định, Cẩm Thái xã Thanh Văn (Thanh Chương) có một qui định “bất thành văn” đó là chỉ được bắt những con lươn đủ kích cỡ nhất định, những con còn nhỏ phải được thả lại ruộng để chúng lớn lên. Những người cùng hành nghề đặt trúm phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản cho nhau. Tuyệt đối không được dỡ trộm trúm của “đồng nghiệp”, sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, quần tụ nương nhờ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.
Anh Nguyễn Văn Tiến, chủ hội đặt trúm làng Địa Định cho biết: “Nghề này vất vả, chỉ đủ ăn chứ không thể làm giàu. Đi đặt trúm nhiều khi không chỉ cách xã mà còn cách huyện, đi đêm, hiểm nguy cũng nhiều do đó phải đi theo phường, theo hội, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Giờ đây, có nhiều người dùng kích điện để bắt lươn, dùng thuốc để đánh lươn ảnh hưởng đến môi trường, tận diệt lươn nên lươn khan hiếm dần... Để bảo vệ nguồn lợi lươn tự nhiên, chúng tôi ngầm định với nhau không được bắt lươn nhỏ, chỉ bắt những con đủ lớn...”.
Duy Nam