Nghề làm bún ở Thượng Cát

10/10/2011 16:33

(Baonghean) - Làng Thượng Cát (Tân Sơn - Đô Lương) nổi tiếng với nghề “cha truyền, con nối” đó là nghề làm bún. Nhờ từ nghề này mà cuộc sống bà con giáo dân nơi đây ngày càng ấm no.

Các cao niên của làng kể rằng, nghề làm bún ở Thượng Cát cũng chẳng biết có từ khi nào. Ngày xưa món bún lá ở Thượng Cát tiếng tăm khắp xứ Nghệ. Những ai ngược Lường lên với Đô Lương mà chưa thưởng thức món bún lá thì coi như chưa đến Đô Lương. Ngày ấy Thượng Cát nghèo lắm, đồi hoang đá sỏi, những người dân nơi đây hàng ngày gánh bún lá đi bán khắp nơi. Nhờ bún mà giúp được những người nông dân nghèo vượt qua ngày ba tháng tám.

Bún lá được làm khá công phu, sợi bún được kéo dát mỏng trên lá chuối tươi, kéo được càng dài, càng mỏng càng ngon. Chẳng thế mà ngày xưa khi xuân đến hội về Thượng Cát còn tổ chức thi “kéo bún lá”, chẳng năm nào tìm được thợ làm bún đứng thứ nhất vì ở Thượng Cát tay nghề ai cũng giỏi. Thập kỷ 90 dường như người ta không còn biết đến bún lá nữa. Người dân Thượng Cát chủ yếu làm thủ công với khối lượng lớn hơn để đáp ứng nhu cầu cho thị trường. Tuy nhiên, làm thủ công vẫn rất vất vả, nặng nhọc. 25 hộ dân Thượng Cát luôn thức thâu đêm suốt sáng làm bún nhưng vẫn không kịp đáp ứng cho thị trường.



Bún Thượng Cát được bày bán ở chợ quê.

Trong năm 2010 Thượng Cát đã có bước “đột phá” trong cách làm bún. Đó là một số hộ dân đã mạnh dạn đầu tư để mua sắm dây chuyển máy móc, áp dụng công nghệ để làm bún, vừa đỡ sức lao động, lại đạt hiệu quả cao. Điển hình là hộ anh Nguyền Văn Thường đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua máy làm bún và bánh tráng, hộ anh Nguyễn Văn Luân đầu tư trên 50 triệu đồng đầu tư mua máy làm bún.
Anh Thường tâm sự: Quy trình sản xuất bún đều được khép kín, các công đoạn hầu hết được máy móc xử lý. Như ngâm, ủ gạo, nghiền bột gạo …Trước đây phải dùng chất đốt củi, trấu để đun nấu thì nay sử dụng thiết bị lò nén hơi để hấp bún rất tiện lợi. Đặc điểm làm bún bằng máy móc là sợi bún đều, chín và có độ dai, đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhưng để làm được sợi bún ngon, giữ vững thương hiệu “bún Thượng Cát” thì ngoài việc sử dụng công nghệ hiện đại thì anh Thường vẫn có bí quyết pha chế để bún sản xuất ra không có vị chua, sợi trắng ăn thơm ngon.

Được biết trước đây cả gia đình anh Thường có 4 lao động, làm cật lực cả ngày chỉ đạt 100 kg bún. Nhưng nhờ từ máy móc mà chỉ mất 2 lao động sản xuất được trên 500 kg bún/ngày. Bình quân mỗi ngày anh Thường sản xuất khoảng 300 kg bún và 300 kg bánh bánh cuốn. Trừ chi phí, mỗi ngày anh thu lãi trên 300.000 đồng.

Anh Thường cho biết thêm: Từ khi gia đình anh có máy thì hơn 20 hộ dân làm bún không còn sản xuất bún thủ công. Chủ yếu họ đưa bột gạo đến nhờ anh làm, tiền công cũng khá rẻ, 1000 đ/ kg bột gạo. Theo anh Thường thì có những thời điểm làm bún không kịp bán ra thị trường. Ví dụ như đám cưới, đảm hỏi thì phải đặt hàng trước mới có. Hoặc ngày lễ, gia đình cũng sản suất trên 1 tấn bún cung cấp ra thị trường. Hiện nay bún Thượng Cát đang mở rộng địa bàn tiêu thụ ra các huyện lân cận như Anh Sơn, Con Cuông, Yên Thành …Hiện có khá nhiều hộ dân Thượng Cát hàng ngày nhập bún của anh Thường đưa đi bán lẻ. Như anh Nguyễn Đức Thọ mỗi ngày nhập khoảng 100 kg bún với giá 6.000 đồng/kg, đem đi bán lẻ các chợ với giá 8000 đồng/kg, trừ chi phí lãi trên 150.000 đ/ngày. Hộ anh Nguyễn Văn Hợi - một trong những hộ cận nghèo, hàng ngày cũng đến nhập trên 100 kg cả bánh cuốn và bún đưa đi bán ở các chợ quê, mỗi ngày lãi trên 200.000 đồng. Từ nghề bán bún mà anh đã có tiền nuôi con ăn học và dự định năm tới sẽ xây căn nhà mới.

Anh Nguyễn Bá Tân - Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho biết: Tân Sơn đang khuyến khích người dân mua sắm thêm máy móc hiện đại để mở mang nghề làm bún bánh. Thượng Cát có hơn 100 hộ, nhưng mới chỉ có 25 hộ theo nghề này. Nghề bún đang đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân, góp phần duy trì món ăn ngon truyền thống của người Việt.


Văn Trường

Mới nhất
x
Nghề làm bún ở Thượng Cát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO