Nghệ nhân bản Sơn Hà

02/10/2013 01:18

(Baonghean) - Dù đã ở độ tuổi 70, ông Lầu Chống Dì, bản Sơn Hà (xã Tà Cạ - Kỳ Sơn) vẫn một lòng tâm huyết với việc truyền dạy cách sử dụng nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ. Ông đã truyền được niềm đam mê tiếng khèn Mông cho không ít thanh niên trong vùng. Vì lẽ đó, ông Dì được bà con yêu mến và kính trọng.

Ông Lầu Chống Dì sinh ra và lớn lên ở núi rừng biên giới Kỳ Sơn, từ nhỏ đã gắn bó với chiếc khèn Mông. Theo lời ông, khi còn là một cậu bé, ông đã được người cha dạy cách thổi và múa khèn Mông. Cậu bé học rất nhanh, chẳng bao lâu tiếng khèn đã mượt, bước chân đã uyển chuyển, nhịp nhàng. Theo cha lên rẫy, theo mẹ xuống chợ hay lúc dời bản, dời làng, cậu bé Lầu Chống Dì không bao giờ quên mang theo chiếc khèn. Ở tuổi thanh niên, mỗi lần có phiên chợ vùng biên, Lầu Chống Dì thường rủ bạn lên đây múa khèn. Tiếng khèn ấy có sức hút lạ kỳ, đã làm xao xuyến biết bao cô gái. Nhờ thổi khèn hay, múa khèn giỏi nên Lầu Chống Dì đã chinh phục được trái tim của một cô gái xinh nhất bản và cưới về làm vợ.

Khi có gia đình riêng, cuộc sống ngày càng bận rộn nhưng ông Dì vẫn dành thời gian rảnh rỗi cho tiếng khèn, điệu múa. Những đêm thanh vắng, người dân bản Sơn Hà thường được thưởng thức âm thanh tiếng khèn lúc trầm, lúc bổng, lúc vi vu như tiếng gió thổi, lúc rì rào như tiếng suối reo... Lâu ngày không được lắng nghe tiếng khèn của ông Dì, bà con cảm thấy thiếu vắng một điều gì đó trong tâm hồn mình.

Đời sống kinh tế - xã hội càng phát triển, cuộc sống bản làng ngày một đổi thay, khởi sắc. Điều ấy đồng nghĩa với việc mở rộng các mối giao lưu trên tất cả mọi lĩnh vực, kể cả âm nhạc. Nhiều thanh niên dân tộc Mông chạy theo những bài hát và bản nhạc xa lạ, quên đi bản sắc âm nhạc của dân tộc mình.

Trước thực tế ấy, ông Lầu Chống Dì nhận thấy rõ nguy cơ mai một của âm nhạc dân tộc và hết mực trăn trở tìm cách bảo tồn. Với các thành viên trong gia đình, ông luôn dặn dò phải có ý thức giữ gìn bản sắc. Nghe lời ông, con cháu đều có ý thức học hỏi và đều sử dụng thành thạo chiếc khèn, đều hát được những bài dân ca người xưa truyền lại.

Ông Lầu Chống Dì với điệu múa khèn.
Ông Lầu Chống Dì với điệu múa khèn.

Mỗi lúc có cơ hội tiếp xúc với lớp thanh niên, ông Lầu Chống Dì thường tìm cách khuyên bảo họ đến với tiếng khèn Mông, với làn điệu cự xia, lù tẩu, bởi đó là di sản tinh thần của tổ tiên bao đời truyền lại, là “điệu hồn”, phẩm cách và bản lĩnh của dân tộc mình. Không chỉ nói suông, ông Dì luôn tìm cách chứng minh qua từng bản nhạc và điệu múa. Vào các dịp lễ, tết, cưới hỏi, liên hoan, hội hè, ông thường đến và mang theo chiếc khèn.

Theo ông, làm như vậy không hề có ý khoe khoang mà chỉ để mọi người xung quanh, nhất là lớp trẻ quan tâm đến nhạc cụ dân tộc mình, để tiếng khèn không bao giờ mất. Ông mừng vì việc làm của ông ít nhiều đã có hiệu quả, nhiều thanh niên đã tìm đến nhờ ông hướng dẫn cách sử dụng và múa khèn. Đặc biệt, cách đây mấy năm, ngành Văn hóa huyện Kỳ Sơn phối hợp với Viện Âm nhạc dân tộc (Hà Nội) mở lớp truyền dạy dân ca và nhạc cụ dân tộc, ông được mời tham gia với tư cách nghệ nhân. Dù tuổi đã nhiều, sức vóc, xương cốt không còn dẻo dai nhưng trước các học viên, ông Dì vẫn thể hiện sự say sưa trong từng bản nhạc và điệu múa.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lầu Chống Dì tâm sự: “Dân tộc nào cũng có bản sắc riêng, thể hiện trên nhiều mặt như nhà ở, trang phục, tiếng nói và âm nhạc. Người lớn phải khuyên bảo để lớp trẻ có ý thức bảo tồn. Tôi luôn mong muốn góp phần nhỏ bé của mình để bảo tồn bản sắc âm nhạc của dân tộc mình, để tiếng khèn, điệu múa và các làn điệu dân ca của người Mông không bao giờ bị mai một”.

Công Kiên

Mới nhất
x
Nghệ nhân bản Sơn Hà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO