Nghệ nhân Hoàng Văn Lợi: Người hát trên cánh đồng

26/10/2014 11:14

(Baonghean) - “Người ơi… Rồi mùa toóc rã, rơm khô/ Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm”… Không hiểu sao, ông lại chọn câu hát buồn đến thế khi chúng tôi ngỏ ý muốn nghe ông hát. Dường như, cả tuổi thơ cơ cực, đắm say với câu hò, điệu ví đang rưng rưng trong mắt ông. Ông nói, “mình muôn đời là một người quê - quê cày sâu, cuốc bẫm, một người quê hát trên cánh đồng làng” - ông nói.

Nghệ nhân Hoàng Văn Lợi sinh năm 1954 trong một gia đình mê hát ở xã Diễn Lợi, Diễn Châu. Gia đình ông được xem như một gánh hát thu nhỏ. Mẹ ông, bà Lưu Thị Tơn là người hát dân ca hay nổi tiếng cả vùng Nho Lâm. Ngay cả khi bìu ríu với một đàn con nhỏ, phải tần tảo sớm hôm để nuôi con thì bà vẫn không quên tiếng hát. Bà hát ru con, bà hát lúc ra ruộng, bà hát khi hội làng. Đôi lúc, bà cũng theo gánh hát làng mình đi diễn. Hoàng Văn Lợi nói rằng, anh em ông được “ngấm” giọng hát mẹ từ nhỏ và may mắn hơn nữa là cả làng quê ông, cái không khí lao động ngày ấy, mọi nỗi niềm được người ta gửi cả vào câu hát.

Nghệ nhân Hoàng Văn Lợi trong một buổi truyền dạy dân ca.
Nghệ nhân Hoàng Văn Lợi trong một buổi truyền dạy dân ca.

Làm nông nghiệp, chỉ cậy trông vào cây lúa, lại mê hát, nên gia đình ông lúc nào cũng nghèo. Nhiều bữa, cha mẹ ông mang bụng đói lên sân khấu làng. Còn các con đứng dưới say mê xem diễn mà quên cả đói. Xem xong, khi về đến nhà, mấy anh em rủ nhau vác dong, vác chõng ra sân nhà để làm sân khấu, diễn lại vở tuồng mà cha mẹ vừa diễn. “Ngày ấy, khổ mà vui lắm. Làng hay diễn những đêm văn nghệ. Tuồng, chèo, cải lương… đủ cả” - Hoàng Văn Lợi hồi tưởng. Những vở diễn đêm hôm trước, được anh em ông tái diễn lại không chỉ trên sân nhà, mà cả lúc đi chăn trâu, thăm lúa. Ông Lợi kể, ông không nhớ hết những trận đòn do “hệ lụy” của việc mê hát đem lại. Cứ ra đến đồng, thả trâu ra cho nó tự kiếm ăn, mấy anh em lại kiếm một cồn đất để làm sân khấu. Nào tuồng “Trưng Trắc - Trưng Nhị”, nào chèo “Quan âm Thị Kính”, “Mẹ Đốp”…

Buổi biểu diễn nhiều khi chỉ kết thúc khi có một ông, bà nào đó cầm roi chạy ra vì nỗi trâu ăn lúa, hay trâu giẫm nát bờ ruộng nhà họ. Có lần nhờ tiếng hát mà anh em ông Lợi tránh được một trận đòn. Ông nhớ, đó là lần để trâu ăn lúa nhà ông Động. Ông Động giận lắm, sau khi đánh đòn ngoài ruộng, ông bắt anh em ông về nhà. Nghiêm giọng, ông Động tra hỏi: “Bây mần chi mà để tru phá nát ruộng choa?”. Ông Lợi trả lời: “Thưa ông, bọn cháu mải hát”. “Mi hát bài chi?”. Nghe hỏi thế, ông Lợi cất tiếng hát: “Mỗi lần qua đàng, say miếng trầu, chén rượu…”. Ông Động bật cười: “Thôi, lần ni choa tha. Nhớ lần sau có mải hát, thì mải hát trong nhà thôi, nghe chưa. Ra đồng mà còn hát hò là còn phải bị đòn đó”.

Nhưng làm sao ra đồng mà không mải hát được chứ. Cả cánh đồng dậy lên mùi rơm thơm, mùi lúa non, mùi bùn ngấu,mùi gió nắng. Cả cánh đồng đang ngập tràn tiếng hát. Tiếng hát của gió, của lúa, của cả rạ khô, của đất mới trên những luống cày. Tiếng hát của những anh chị, cô bác, dầu là người cày thuê, cuốc mướn trên cánh đồng, thì vẫn rộn ràng và tha thiết làm sao. “Ngó lên trời bạc mây hồng/ Thương em hỏi thật có chồng hay chưa?”. “Người ơ ơi! Rồi mùa toóc rã rơm khô, bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm”.

Nhưng kỷ niệm với ông Lợi, không chỉ có những trận đòn thời thơ dại. Trận đòn đáng nhớ nhất, oan nghiệt nhất của ông là khi ông đã trở thành cây văn nghệ nổi tiếng trong vùng. Năm đó, quãng chừng 17 tuổi, ông được mời đi dạy hát dân ca cho mấy o, mấy chị ở bên Diễn Thắng. Khi ông đang say mê cất tiếng hò Nghệ, bỗng đâu một người đàn ông trong xóm có vấn đề về thần kinh đã chạy lại cầm gậy và bổ thẳng xuống người ông. Ông gục ngay tại chỗ. Mọi người xúm xít đưa đi viện và lần đó “cả làng Diễn Thắng đi viện chăm tui”- Hoàng Văn Lợi kể với một nụ cười.

Để bù đắp lại, tiếng hát cũng mang đến cho ông người vợ xinh đẹp, tảo tần. “Bà ấy cũng vì mê tiếng hát tui mà theo về làm vợ, chớ tui đứng cạnh bà ấy như đôi đũa lệch” - ông Lợi nói. Bà Hoa, vợ ông đúng là đã mê ông vì tiếng hát. Bà vẫn đùa “Ngày ấy tui dại dột thật”, thế nhưng ánh mắt bà lấp lánh niềm vui: “Ở với ông ấy, lúc đáng giận nhất vẫn không giận nổi”. Bà kể, ai đời, có lần lúa trong ruộng đã chín rũ ngập xuống bùn, mình tui bụng mang dạ chửa ra đồng, còn ông ấy đang mải đi… dạy hát. Lần ấy, thấy ông về, bà tuyên bố: “Thôi từ mai không văn nghệ, văn gừng gì nữa nhá”. Ông, thay bằng thanh minh, đã cất lời: “Bà ơi, mong bà chầm chậm dừng chân vào nghe tôi nói đã. Tôi với bà bao năm trời vất vả…” Rồi bằng lời hát, ông kể chuyện thời trai trẻ, kể chuyện những truân chuyên mà họ cùng ghé vai gánh vác, kể về những nồng thắm mà họ đã giữ vẹn trong bao năm. Thế thì còn lý gì mà giận ông nữa chứ. Ông ấy đã mang “cái nghiệp” vào thân, mình yêu ông ấy cũng vì cái nghiệp, không lẽ trách cứ nữa - bà Hoa đã nghĩ vậy. Chính vì điều này khiến ông Lợi càng yêu thương, cảm phục bà hơn. Với ông, bà lúc nào cũng đẹp. Không phải là từ thời trẻ trung, bà đã dũng cảm đứng bên cạnh người đàn ông nhỏ gầy, đen đúa “vì chuyên phơi trần ngoài nắng” đâu, mà ngay cả đến giờ “bà ấy vẫn đẹp lắm”.

Ông Lợi cũng đã từng có 3 năm quân ngũ. Hồi đó, ngoài nhiệm vụ chính trị, ông còn được cử làm đội trưởng đội văn nghệ. Năm 1979, phục viên về sản xuất nông nghiệp tại địa phương, ông được cử làm đội trưởng đội văn nghệ HTX Vin Cầu, xã Diễn Lợi, rồi cùng với em gái mình truyền dạy dân ca.

Nhà ông có 5 anh em, cả 5 đều mê hát. Và sân khấu mà họ gắn bó suốt đời là cánh đồng làng. Cũng một năm, 2 anh em ruột được phong nghệ nhân dân gian là ông Lợi và em gái, bà Hoàng Thị Năm. Ấy là niềm tự hào của người Diễn Lợi. Bây giờ, hai anh em cùng sinh hoạt chung một câu lạc bộ dân ca mà ông Lợi đang giữ chức chủ nhiệm.

Nghệ nhân Hoàng Thị Năm luôn tự hào về anh trai mình: "Ngay từ ngày còn nhỏ xíu, tui đã lũn cũn theo anh, nghe anh hát rồi. Anh hát hay, và có cuốn hút người nghe theo những buồn vui của câu hát. Anh Lợi có thể hát được rất nhiều các làn điệu dân ca như: ví đò đưa, ví giận thương, ví đồng ruộng, dặm cửa quyền, dặm Đức Sơn, dặm ru phụ tử tình thâm… Tui nhờ vậy cũng biết được nhiều câu hát: Nhiều đêm đi truyền dạy dân ca về, hai anh em ông rối rít chuyện trò, quên cả con đường dài. Bà Năm nói thêm: “Ngày nhỏ, hai anh em nắm tay nhau đi hát, bây giừ về già lại được cùng nhau sinh hoạt chung một câu lạc bộ, có niềm vui hơn rứa nữa...".

Đối với người dân Diễn Lợi và cả Diễn Châu, thì nghệ nhân Hoàng Văn Lợi được biết đến và được gọi là “thầy”. Ông được cử làm chủ nhiệm CLB Dân ca của xã, kiêm Phó Chủ nhiệm CLB Dân ca huyện Diễn Châu. Dù công việc là tự nguyện, nhiều khi còn phải tự bỏ kinh phí ra để điều hành sinh hoạt cho các hội viên, ông vẫn rất vui vẻ. Ông luôn trăn trở, giới trẻ bây giờ phần đông chỉ thích những bản nhạc sôi động, còn ít người thích hát, thích nghe dân ca. Càng trăn trở bao nhiêu, ông lại càng tìm cách gần gũi lớp trẻ bấy nhiêu. Ông muốn thổi vào họ niềm yêu dân ca bằng cả tâm huyết của mình. Có lẽ nhờ vậy, CLB Dân ca của ông ngày càng có thêm những người trẻ đăng ký tham gia. Đó là điều khiến ông mừng hơn cả.

Không chỉ hoạt động truyền dạy dân ca tại xã nhà, ông còn tham gia gây dựng phong trào ở nhiều xã khác. Một số xã điển hình trong phong trào dân ca như: Diễn Thọ, Diễn Thịnh, Diễn Thành, Diễn Bình, Diễn Hoa, Diễn Xuân... nhờ một phần tâm huyết của ông.

Đặc biệt, từ khi có chủ trương đưa dân ca vào trường học, ông Lợi là người đã biên soạn các làn điệu ví, giặm truyền dạy cho các cháu ở các trường tiểu học trên địa bàn huyện Diễn Châu.

Càng nhiều người biết hát dân ca ông càng vui. Những làn điệu dân ca là vốn văn hóa ông cha ta từ lâu, là gốc rễ, là cốt cách, tâm hồn người xứ Nghệ, vì thế, dù mình không làm được gì nhiều, thì cũng bày dạy cho con cháu biết hát, biết lưu giữ và phát huy những gì tốt đẹp của quê hương mình, dân tộc mình.

Chúng tôi ra về, khi mà khoảng sân rộng nhà ông đã bắt đầu có đông người kéo đến. Thì ra, bấy lâu, khoảng sân ấy cũng là một địa điểm để sinh hoạt dân ca. Và tham gia trong số ấy, không chỉ có ông, có bà Năm, mà còn có vợ ông, có con gái và con rể ông nữa. Tiếng hát đã bắt đầu cất lên: “Rằng người ơi, chứ một lời thề không duyên thì nợ/ Chứ hai lời thề không vợ thì chồng/ Mà ba lời thề khơi núi ngăn sông/ Em nhớ theo anh cho trọn đạo, kẻo luống công anh đợi chờ”…

Bài, ảnh: Thùy Vinh - Thu Hương

Mới nhất
x
Nghệ nhân Hoàng Văn Lợi: Người hát trên cánh đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO