Nghệ nhân múa rối điện nơi xứ đạo Xuân An
(Baonghean.vn) - Không qua bất kỳ một trường lớp nào, nhưng bằng niềm đam mê với nghệ thuật múa rối, hơn 30 năm qua, lão nông Hồ Văn Thân ở xứ đạo Xuân An, phường Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai) đã miệt mài sáng tạo những dàn múa rối điện độc đáo, đậm bản sắc văn hóa vùng, miền.
Đam mê dẫn lối
Áp tết Nguyên đán Quý Mão 2023, trong phảng phất hương trầm ngày lạnh, ghé thăm nhà lão nông Hồ Văn Thân (63 tuổi) ở xóm 7, phường Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai), chúng tôi gặp ông đang cặm cụi, tỉ mẩn lau chùi những con rối điện đủ màu sắc, hình dáng.
“Sửa soạn chu đáo để biểu diễn phục vụ bà con vui Tết, đón Xuân cô ạ”, ông vui vẻ nói, rồi dừng tay tiếp chuyện chúng tôi bên ấm chè vối ấm nóng.
Lão nông Hồ Văn Thân và cháu nội bên dàn rối điện. Ảnh: Khánh Ly |
Lão nông Hồ Văn Thân nở nụ cười phúc hậu, rồi mặn mà “vào” chuyện. Từ nhỏ, mỗi khi có dịp được dẫn đi xem múa rối, ông đã có sự yêu thích đặc biệt đối với môn nghệ thuật múa rối.
Nhưng phải mãi đến khi bước vào tuổi trưởng thành, lúc địa phương thành lập Đoàn múa rối Đồng Quê, thì ông mới thật sự bén duyên với môn nghệ thuật này. Hồi ấy, luyện tập khó lắm, 15 con rối phải do 15 người điều khiển, rất cồng kềnh. Mỗi khi biểu diễn ông và đoàn múa rối thường phải mang nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh.
Sau ít năm, vì nhiều lý do, đoàn rối tan rã dần, nhưng ông Thân vẫn đau đáu với những con rối. Ông trăn trở với câu hỏi làm sao để tiết giảm được chi phí, con người mà các tiết mục vẫn sinh động, hấp dẫn. Ban đầu ông mày mò gọt, đẽo gỗ, cắt xốp, sơn màu tự tạo hình những con rối, rồi dần dần nghiên cứu, tìm tòi nguyên lý dùng động cơ điện để những con rối vô hồn có thể hoạt động, phối hợp nhịp nhàng theo ý tưởng kịch bản và khớp với nhạc điệu một cách sinh động.
Ông Hồ Văn Thân sửa chữa dàn rối điện phục vụ vui Tết, đón Xuân. Ảnh: Khánh Ly |
Chỉ học hết lớp 7, nhưng nhờ năng khiếu cộng với tình yêu và niềm đam mê dẫn lối, lão nông xứ đạo Xuân An Hồ Văn Thân đã sáng tạo ra những dàn rối điện sinh động, đẹp mắt “có một không hai” từ những phế liệu, vật dụng sẵn có. Ông còn chịu khó tìm mua mô tơ điện cũ, các vật dụng từ hàng đồng nát về làm khung, nhạc cụ, tạo hình cho nhân vật.
Sau vài lần thất bại, cuối cùng ông cũng đã thành công với những con rối điện. Ban đầu chỉ là vài con với những động tác đơn giản, dần dần nâng cấp lên thành dàn rối 10-15 con, cùng các hoạt cảnh sinh động, hấp dẫn.
Chỉ cần cắm điện, bật công tắc, những dàn rối điện tự động nhảy múa theo nhạc điệu như những diễn viên đang biểu diễn thực thụ mà không cần người điều khiển đã nhận được sự tán thưởng, thích thú của người dân. Điều đó đã giúp lão nông Hồ Văn Thân có thêm động lực, tranh thủ những khi nông nhàn hoặc khi thời tiết mưa gió dành thời gian sáng tạo các dàn rối với nhiều hoạt cảnh khác nhau, thỏa mãn niềm đam mê của mình.
Một số tác phẩm rối điện của ông Hồ Văn Thân. Ảnh: Khánh Ly |
Mỗi khi nghe một bản nhạc hay xem một bộ phim, một vở kịch gì đó ấn tượng, hấp dẫn, ông Thân lại ghi nhớ, rồi sau đó dùng bàn tay tài hoa, khéo léo và trí tượng tưởng phong phú của mình biến những đồ vật vô tri thành những nhân vật trong những hoạt cảnh mang đậm dấu ấn cuộc sống. Đó là những cô gái Thái với điệu múa xòe; chàng trai Mông thổi khèn ngày hội; cô gái Tây Nguyên đánh đàn T’rưng, các chị, các mẹ xay lúa, đong gạo, nhảy sạp, hát then. Hay đơn giản là người nông dân đi cày, người phụ nữ thôn quê ngồi tráng bánh mướt...
Ông đặc biệt yêu thích và thường lồng ghép những làn điệu mang âm hưởng dân tộc như Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, quan họ Bắc Ninh, Tình ca Tây Bắc cho dàn rối của mình. Hoặc có khi xem các bộ phim hay như “Làng Vũ Đại ngày ấy”, ông Thân cũng tạo ra hoạt cảnh rối Chí Phèo, Thị Nở được nhiều người ưa thích.
Lão nông Hồ Văn Thân say sưa nói về niềm đam mê với rối điện. Ảnh: Khánh Ly |
Hiện gia tài của ông Hồ Văn Thân có khoảng 15 dàn rối điện, với hàng trăm nhân vật. Để sáng tạo ra những tác phẩm được yêu thích và được đánh giá cao, ông đã phải mất cả tháng trời dày công nghiên cứu, khai thác dáng vẻ, điệu bộ, biểu cảm từng nhân vật, rồi tạo hình. Khâu khó và mất nhiều thời gian nhất là phải làm sao để mỗi chuyển động của từng nhân vật phải nhịp nhàng, đồng bộ và khớp nhạc.
Bởi vậy, ngoài trục mô tơ chính, ông phải dùng nhiều mô tơ phụ và các trục chuyển động bánh răng điều tiết độ nhanh, chậm cho từng nhân vật. May mắn là con gái ông rất khéo tay nên thường giúp bố may đồ cho các con rối phù hợp với nội dung hoạt cảnh. Con trai ông Thân - vốn là Bí thư Chi đoàn xóm 7, phường Quỳnh Xuân cũng thường hỗ trợ bố trong việc tìm các vật liệu hay giúp chở dàn rối đi biểu diễn.
Lão nông Hồ Văn Thân bên tác phẩm rối điện Chí Phèo- Thị Nở. Ảnh: Khánh Ly |
“Tuy chỉ biễu diễn cho bà con xem cho vui là chính, nhưng tôi luôn tìm tòi sáng tạo ra nhiều dàn rối với nhiều hoạt cảnh phù hợp với âm nhạc dành cho từng đối tượng (phụ nữ, người già, thiếu nhi hoặc nhạc trẻ cho lứa tuổi thanh, thiếu niên) để có thể phục vụ khán giả ở các lứa tuổi khác nhau”, ông Thân vui vẻ cho hay.
Trăn trở với nghệ thuật truyền thống
Ban đầu, những dàn rối điện của lão nông Hồ Văn Thân chủ yếu biểu diễn góp vui tại các chương trình lễ hội ở địa phương, hoạt động kỷ niệm ngày thành lập phường, hội trại thiếu nhi, dịp lễ Noel.
Rồi tiếng lành đồn xa, nhiều người yêu mến gọi lão nông Hồ Văn Thân là "Nghệ nhân múa rối đồng quê" và ông được nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài thị xã Hoàng Mai mời đi biểu diễn, được Đài Truyền hình Việt Nam VTV1 về làm chương trình.
Ông Hồ Văn Thân giới thiệu về rối điện tại Bảo tàng Nghệ An. Ảnh: Đức Anh |
Có cả những người làm nghề múa rối ở Huế cũng ra tận nơi thăm và mua các dàn rối như: Đồng quê, Xay lúa, Tình ca Tây Bắc, Tình ca Tây Nguyên, quan họ Bắc Ninh của ông Thân. Ấy thế nhưng, lão nông xứ đạo Xuân An này vẫn rất khiêm tốn, ông bảo mình chỉ là người múa rối đồng quê, góp vui cho người dân.
Các tác phẩm rối điện của ông Hồ Văn Thân được giới thiệu ở Bảo tàng Nghệ An. Ảnh: Đức Anh |
Sinh ra và lớn lên ở làng, công việc chính của lão nông Hồ Văn Thân vẫn là nông nghiệp. Hiện con cái đều đã trưởng thành, yên bề gia thất, nhưng ông vẫn chăm chỉ lao động, gắn bó với ruộng đồng. Ngoài 6 sào lúa, ông còn gây dựng trang trại nuôi dê, cá trắm, thả tôm xen vụ, nuôi hàng trăm con gà, vịt… “Không giàu nhưng cũng giúp tôi nuôi dưỡng đam mê với bộ môn múa rối ”, ông Thân cho biết.
Một tiết mục múa rối điện do ông Hồ Văn Thân sáng tạo để phục vụ thiếu nhi. Ảnh: Đức Anh |
Nói vậy, nhưng ông vẫn dành nhiều trăn trở cho bộ môn nghệ thuật truyền thống, luôn tìm tòi, nâng cấp dàn rối điện sao cho thật sinh động, hấp dẫn và lồng ghép đưa âm nhạc truyền thống vào các hoạt cảnh.
Dịp Trung thu, khi được Bảo tàng Nghệ An mời biểu diễn trong Chương trình trải nghiệm "Múa rối điện" cho các em nhỏ, hay Đoàn Thanh niên địa phương mời tham gia phục vụ trại hè thiếu nhi, ông đều vui vẻ nhận lời, bởi ông mong muốn giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về những giá trị văn hóa của dân tộc.
Các em nhỏ say sưa xem múa rối điện do ông Hồ Văn Thân trình diễn tại Bảo tàng Nghệ An. Ảnh: Đức Anh |
Ông Nguyễn Đình Thụ - Phó Bí thư Đảng ủy phường Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai) cho biết: Ông Hồ Văn Thân là một giáo dân sống “Tốt đời đẹp đạo”. Những sản phẩm múa rối điện do ông sáng tạo ra không chỉ thỏa mãn niềm đam mê của cá nhân mà còn mang lại món ăn tinh thần độc đáo cho người dân địa phương, nhất là trong dịp Tết đến, Xuân về, góp phần lưu giữ, bảo tồn bộ môn nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc trước nguy cơ bị mai một, lãng quên...