Nghệ sĩ Lê Thanh Phong và hành trình đưa ví, giặm vượt biên giới
(Baonghean.vn) - Lê Thanh Phong là Trưởng Đoàn nghệ thuật UNESCO Dân ca xứ Nghệ tại Hà Nội. Mới đây tại Nhật Bản vở kịch hát viết về tình bạn của cụ Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakitaro mà Phong dàn dựng đã hoàn toàn chinh phục khán phòng ở đất nước xứ Phù Tang.
Nếu không từng xem Phong diễn một lần, không trò chuyện với anh thì không thể biết được ví, giặm lớn lên trong anh từ lúc nào, là ví, giặm chọn anh hay anh chọn những giai điệu ngọt ngào da diết ấy. Bạn trẻ 9X này không chỉ có giọng hát ngọt như mía lùi mà còn là nghệ sĩ chơi đàn bầu mê đắm; không chỉ là nghệ sĩ trình diễn mà còn là người tổ chức, biên kịch và viết ca từ cho tất cả các vở diễn ví, giặm. Ngạc nhiên hơn, Lê Thanh Phong là người giữ cương vị Trưởng Đoàn nghệ thuật UNESCO Dân ca xứ Nghệ tại Hà Nội, tổ chức trực thuộc Hội Di sản Việt Nam đang làm mưa làm gió khắp các sân khấu âm nhạc trong và ngoài nước.
Ví, giặm “vận” vào người từ thủa thiếu thời
Lê Thanh Phong, sinh năm 1992 ở thành phố Vinh trong một gia đình nghệ thuật và có bố mẹ, các chú, các bác đều là diễn viên ca múa nhạc. Ấy thế nên từ nhỏ Phong sớm được thấm đẫm chất nghệ sĩ của gia đình với những ghi - ta, trống, dương cầm. Em cũng sớm được bố mẹ định hướng và đào tạo theo thiên hướng nhạc cụ phương Tây.
“Dù gia cảnh không mấy khá giả nhưng nhà em từ đời ông bà nội đã đánh đường ra Hà Nội để mua ghi -ta cho con học. Kế nghiệp tinh thần đó, bố mẹ em cũng sẵn sàng bỏ cả số tiền lớn so với thu nhập của gia đình để mua ooc-gan, ghi- ta và cả bộ gõ rất xịn, bố mẹ chỉ mong sao em có thể sử dụng thành thạo những nhạc cụ này với một niềm đam mê”, Phong kể.
Thế nhưng, không hiểu sao Phong không thích nó mà em thường tự mày mò, tự tìm nghe các thanh âm của nhạc cụ cổ truyền dân tộc. 10 tuổi em đã nằng nặc đòi bố cho đi học đàn bầu, ông bố ban đầu không hiểu cứ tưởng con hiếu kỳ, nhưng sau thấy cậu bé có những suy nghĩ và đôi tai khá nhạy cảm với những sắc âm đó, ông đành chiều theo con tuy trong lòng có chút tiếc nuối. Hè năm lên 10, Phong đã được bố dắt tay lên xin học ở Nhà Văn hoá thiếu nhi Việt- Đức, thế nhưng, chỉ với một học sinh theo đàn bầu nhà trường không thể mở lớp, em đành theo bố về nhà mà lòng nặng trĩu. Thương con ông bố vẫn tìm hiểu xem còn ai có thể dạy đàn bầu, và thật may mắn nghệ sĩ chơi đàn bầu cho Đoàn Cải lương Bông Sen trắng đã giải nghệ vẫn nhận em làm trò. Và từ đó con đường theo đàn bầu với Phong thật nhiều niềm vui bằng những đam mê cháy bỏng.
Mải mê với đàn bầu nhưng Phong cũng tự nhận ra rằng, em có khả năng ca hát và cảm thụ âm nhạc dân ca dân tộc một cách mạnh mẽ. Thấm đẫm dân ca qua những câu hò, lời ru của mẹ và bà từ thuở bé, Phong đã yêu nó tự khi nào không hay, em có thể hát được những làn điệu, những trổ khó trong dân ca với lời cổ bằng cách cảm thụ chân thành nhất, trong trẻo nhất của một đứa trẻ con. Hễ ở đâu có văn nghệ là em xin được lên hát dân ca, lời hát của em ngọt ngào sâu lắng đến mức ai nghe cũng đều trầm trồ về sự tinh tế và khả năng cảm thụ câu ví, giặm của cậu bé mới chỉ 8- 9 tuổi.
Điểm rơi của con đường đến với Dân ca ví, giặm ấy chính là lúc Phong được nhà trường chọn hát đơn ca bằng bài hát ví, giặm trong Cuộc thi Hoa phượng đỏ thành phố. Thời điểm em thi các bạn chỉ chọn âm nhạc thời thượng, thịnh hành, đặc biệt là nhạc Hàn Quốc. Thế nên, khi tổng kết cuộc thi Giám khảo là nhạc sĩ Lê Hàm đã có bài phát biểu rằng: “Phần lớn thời lượng của các chương trình tham gia cuộc thi là những giai điệu âm nhạc hết sức hiện đại, ít thấy những bài hát mang âm hưởng dân ca hoặc những bài dân ca, duy chỉ có bạn nhỏ tên Lê Thanh Phong hát bài dân ca rất hay, rất truyền cảm. Các cháu hãy học tập bạn Phong nhé !” Lời nói mộc mạc của nhạc sĩ Lê Hàm là nguồn động lực lớn theo Phong suốt cả chặng đường sau này.
Cũng nhờ những nỗ lực và hình ảnh đẹp trong cuộc thi, Phong được nhạc sĩ Xuân Hoà (lúc đó là nhạc sĩ nổi tiếng với cương vị Phó Giám đốc Nhà Văn hoá Việt -Đức, nhạc sĩ đã ươm mầm rất nhiều tài năng nhí thành ngôi sao âm nhạc) đến tận nhà để ngỏ ý mời em tham gia vào Đội nghệ thuật Chim xanh của Nhà Văn hoá. Từ đây Phong như được thả mình vào bầu trời nghệ thuật, được sống những ngày tháng tuổi thơ đẹp đẽ với những giai điệu dân ca mượt mà, cùng với cây đàn bầu mà em yêu quý. Những ngày tháng đó Phong đã được đi hát với những ca sĩ nổi tiếng, được hát cho Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong Hội nghị Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc.
Ở thời đại của Phong, các bạn trẻ lúc nhỏ dù có yêu thích và có giọng hát dân ca nhưng sau này khi trưởng thành các bạn thường chọn cho mình lối đi thời thượng hơn. Nhưng Phong thì không, càng lớn em càng tìm hiểu say mê và dấn thân nhiều hơn với điệu dân ca quê mình. Hễ có sự kiện là em lại hát dân ca, lúc thì xẩm lúc thì ví, giặm; các khúc thức, làn điệu trong dân ca được em nghiên cứu kỹ lưỡng và biểu diễn nó bằng cả tâm huyết và tình yêu trong trái tim.
Ngoài hát hay, có thiên hướng nghệ sĩ từ thủa thiếu thời Thanh Phong còn học rất giỏi môn Lịch sử và từng đạt giải Ba Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh bộ môn này. Đây cũng là lý do vì sao khi dựng những vở diễn cho Đoàn nghệ thuật UNESCO Dân ca xứ Nghệ sau này bao giờ em cũng chú trọng về yếu tố lịch sử. “Thứ nhất để cho các bạn trẻ và người dân ở mọi miền đất nước hiểu được dân ca bắt nguồn từ đâu. Thứ hai là để giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu biết hơn về các bậc danh nhân và nơi mà họ lớn lên từ câu hò ví, giặm”, Phong cho biết.
Cách lan toả ví, giặm của Phong
Lại nói về việc thành lập Đoàn Nghệ thuật UNESCO Dân ca xứ Nghệ, Phong cho rằng, đó cũng là một thứ hữu duyên. “Khi em ra Hà Nội theo học Trường Đại học Văn hoá, cũng vì quá yêu dân ca và nỗi nhớ nhà, khiến em lúc nào cũng muốn có một không gian nào đó để được hát dân ca. Vậy là em tập hợp các bạn trẻ là những ca sĩ đã từng hát Dân ca xứ Nghệ có sắc vóc và thanh âm đẹp để cùng nhau có được những đêm diễn phục vụ khán giả miễn phí. Hát Dân ca xứ Nghệ giữa lòng Thủ đô cũng để thoả niềm đam mê. Nhưng chính Phong cũng không ngờ CLB mà em thành lập nhanh chóng nổi tiếng khắp Hà Thành. Diễn viên trong CLB được mời biểu diễn khắp nơi và nhanh chóng lớn mạnh, từ chỗ chỉ 5 – 7 thành viên sau rất nhiều người trẻ là ca sĩ chuyên nghiệp, sinh viên nhạc viện mong muốn được vào CLB. Sau 10 năm thành lập, CLB đã phát triển thành Đoàn Nghệ thuật UNESCO Dân ca xứ Nghệ, một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp với hơn 50 nghệ sĩ, diễn viên. Thanh Phong nói rằng, những buổi thực hành diễn xướng của đoàn ở Hồ Tây đã thu hút hàng trăm lượt khán giả, nhiều người xúc động khi thấy những điệu ví, giặm được người trẻ cất lên bằng cả sự nhiệt tâm, khơi gợi trong lòng họ những xúc cảm ngọt ngào về quê hương xứ Nghệ thân yêu.
Theo Phong, để người trẻ hát ví, giặm, yêu quý nó cần tiếp cận với họ một cách thân thiện, phù hợp. Khi người trẻ yêu ví, giặm chính là lúc ta lan toả và phát huy giá trị di sản một cách thành công nhất. Từ đây nhiều chương trình, nhiều vở diễn của đoàn nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt, biên độ hoạt động rộng khắp, được nhiều tổ chức xã hội chính trị trong nước và nước ngoài yêu quý mến mộ.
Đưa ví, giặm vượt biên giới
Năm 2017, Đoàn Nghệ thuật UNESCO Dân ca xứ Nghệ chính thức gia nhập Hội Di sản văn hoá Việt Nam do nhạc sĩ Hồ Hữu Thới trực tiếp chỉ đạo và tư vấn. Cũng từ thời điểm này đoàn đã có những chương trình vở, diễn chất lượng thu hút một lượng khán giả lớn mỗi năm. Đó là vở diễn “Xuân qua miền ví, giặm” năm 2017, “Dòng sông chở những câu hò” năm 2019. Bên cạnh đó, lần đầu tiên đoàn vinh dự được Bộ Văn hoá -Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao mời biểu diễn tại Festival âm nhạc thế giới tại Uzbekistan 2017, Liên hoan âm nhạc, lễ hội thời trang và văn hoá sông MeKong tại Vân Nam (Trung Quốc) năm 2019 được bạn bè nước bạn ngạc nhiên cổ vũ và ngợi ca. “Khi đưa dân ca ra nước bạn chúng tôi mang trong mình tâm thế hát về quê hương bằng trái tim và tinh thần người Nghệ. Mỗi vở diễn, mỗi ca khúc được chúng tôi trau chuốt, tỉ mỉ và nâng niu. Vì vậy, nó đến với công chúng cũng đầy nhiệt thành, chạm tới trái tim họ”. Rồi Phong kể lại khi diễn cho lễ hội thời trang và văn hoá sông MeKong em đã biên tập rất tỉ mỉ cho phần nhạc trên nền trình diễn thời trang áo dài Việt Nam, khi người mẫu sải bước với phần trình diễn áo dài cũng là lúc Phong “đổ khúc tứ hoa”, ngọt ngào đắm say. Nhiều người thưởng lãm không gian ấy đã xúc động rơi nước mắt. Sau khi đêm diễn kết thúc nhiều người Nghệ đến tìm em, họ nắm chặt tay trao cho em những cái ôm thắm thiết, nước mắt chan hoà, như thể được gặp lại chính gia đình, người thân, như được trở về quê nhà.
Câu chuyện đi diễn ở nước ngoài, đặc biệt được Phong gìn giữ nâng niu như kho báu, ấy là khi em được biểu diễn ở Pháp cùng đoàn tham tán Việt Nam với chương trình “Ví giặm tình quê” . Lúc đến khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhìn thấy di ảnh của Người nước mắt em cứ thế trào dâng. “Tối đó em cất lên ca khúc “Ví giặm tình quê” do chú An Ninh và Hoàng Vinh viết lời mà nhoè nước mắt, thật bất ngờ dưới khán phòng Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Pháp cũng xúc động, bà lên tận sân khấu trao tặng em bó hoa và cầm mãi tay em rồi nói rằng, câu hát của quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh thật tuyệt vời!!!”
Mới đây nhất trong khuôn khổ chương trình Ngày Việt Nam tại Nhật Bản, nhận lời mời của Bộ Ngoại giao, đoàn của Phong đã cống hiến một đêm diễn hết sức đặc sắc tại Đại học Y khoa Kyushu, tỉnh Fukuoka. Chương trình này được Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2023). Thông qua màn trình diễn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, chương trình mang tới những câu chuyện về tình hữu nghị Việt – Nhật, đồng thời giới thiệu tới công chúng tại Nhật Bản vẻ đẹp độc đáo của 3 miền đất nước Việt Nam.
Với các tiết mục được dàn dựng chuyên nghiệp và bài bản, buổi biểu diễn đem tới một “bữa tiệc” nghệ thuật mãn nhãn. Qua đó, chương trình đã quảng bá thành công văn hóa, đất nước và con người Việt Nam với những nét đẹp truyền thống như ca Huế, múa Chăm, dân ca ví, giặm hay trình diễn áo dài xưa.
Nhằm ca ngợi tình hữu nghị Việt - Nhật bền chặt, “Hương sắc Việt Nam” đã khéo léo lồng ghép những câu chuyện lịch sử nổi tiếng như chuyện tình của Công chúa Ngọc Hoa và thương nhân Araki Sorato hay tình bạn giữa nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakitaro. Ở chương trình này Phong được tin tưởng giao trách nhiệm biên kịch và dàn dựng. Anh cũng chính là người vào vai Chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu trong đoạn kịch hát ngắn nói về tình bạn đẹp giữa cụ Phan và bác sĩ Asaba Sakitaro.
“Khi viết trường đoạn về cụ Phan tôi luôn luôn phải cân nhắc từng cử chỉ từng âm sắc trong lời nói và giọng hát làm sao để đẹp nhất, tinh tế nhất và giống nhất. Dù cho cách điệu đến thế nào nhưng diễn viên phải diễn làm sao để toát lên được tinh thần của một danh nhân xứ Nghệ, đó là yêu nước thương nòi là nghĩa khí kẻ sĩ, là tình nghĩa thuỷ chung”. Phong cho rằng, ví, giặm lớn lên trong cốt cách người Nghệ và nó toát lên tinh thần người Nghệ, vì vậy, đi đâu, làm gì người Nghệ vẫn dễ nhận diện nhờ những đặc tính thông qua câu ví, giặm quê nhà.
Ngoài ra, khi biên soạn kịch bản cho phần trình diễn áo dài, Phong đã khéo léo lồng ghép trường đoạn công chúa Ngọc Hoa mang bộ quốc phục áo dài theo chồng về nước, anh cũng nghiên cứu kỹ rằng, công chúa chính là người Việt đầu tiên mang áo dài ra nước ngoài. Vì thế, trường đoạn công chúa mặc cổ phục áo dài bước ra, điệu tứ hoa vang lên ngọt ngào, da diết, say đắm lòng người. Phong cho biết: “Dàn dựng ví, giặm lồng vào những nhân vật lịch sử chính là không gian cho em được thoả chí sáng tạo, vì ví, giặm chính là văn hóa, là con người xứ Nghệ có từ hàng trăm năm”.
Từ thành công vang dội của chương trình “Hương sắc Việt Nam” tại Nhật Bản, Phong ấp ủ nhiều cho những dự định tương lai. Chàng trai xứ Nghệ ấy mong rằng, Đoàn Nghệ thuật UNESCO Dân ca xứ Nghệ sẽ phát triển thành một trung tâm không chỉ lớn mạnh về ví, giặm mà còn cả âm nhạc cổ truyền nói chung. “Dân ca ví, giặm là hồn cốt của đoàn, của chính bản thân những nghệ sĩ yêu ví, giặm, vì thế để ví, giặm trường tồn và bay xa chúng ta cần tìm thêm nhiều những không gian diễn xướng mới và lan toả nhiều hơn để người trẻ hiểu và yêu nó. Và việc phát triển đoàn thành trung tâm chính là cách để dân ca được chắp cánh” - anh chia sẻ.