Nghẹn ngào cùng "Khúc hát sông quê"

04/11/2013 11:16

(Baonghean) - Tôi nhớ cách đây khoảng 7 năm, khi về quê, tôi thường thấy bố mở đĩa của ca sĩ Anh Thơ, nghe đi nghe lại nhiều nhất bài “Khúc hát sông quê”. Tôi, thời gian đó đang còn say sưa với một loại nhạc khác, tự đặt ra câu hỏi điều gì khiến bố yêu ca khúc ấy đến vậy. Rồi để có câu trả lời, tôi đắm mình vào giai điệu và những ca từ…

“Quá nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê. Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ, chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn…”. Từ đầu đến cuối, “Khúc hát sông quê” của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo mang âm hưởng da diết. Từ lời hát cho đến nhạc điệu đều thấm đẫm nỗi buồn và tình yêu, kết thành một dòng chảy êm ái, sâu lắng, từ từ đi vào tâm thức người nghe.

Nguyễn Trọng Tạo sinh tại Diễn Châu (Nghệ An), là nhà thơ, nhà báo, họa sỹ và trên hết, với phần đông người mến mộ, ông là một nhạc sỹ tài năng. Ông sáng tác không nhiều ca khúc, nhưng có nhiều tác phẩm đoạt được giải thưởng của Hội Nhạc sỹ Việt Nam như: “Mặt trời trong thành phố” (1983), “Đường về Thạch Nham” (1984), “Con dế buồn” (1997), “Đồng Lộc thông ru” (1998), “Khúc hát sông quê” (2005). Nhưng trên hết mọi giải thưởng, “Khúc hát sông quê” được tất cả những ai quan tâm tới âm nhạc biết đến và không ít người, từ các ca sĩ nổi tiếng cho đến những người nông dân quê mùa, nhiều lần ngân nga hát.

Hoàng hôn. Ảnh: Thùy Vinh
Hoàng hôn. Ảnh: Thùy Vinh

Được phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của Lê Huy Mậu, “Khúc hát sông quê” trở thành món quà tinh thần cho biết bao người yêu nhạc. Có lẽ, hai người con xứ Nghệ đã tìm được sự đồng điệu để rồi như không thể khác, như không thể hài hòa và hoàn mỹ hơn, nhạc phẩm ra đời và neo vào lòng người nghe, khiến họ rưng rưng xúc động.

Bài thơ của Lê Huy Mậu khá dài, giàu cảm xúc, ý tứ thanh thoát, ngôn từ giản dị mà có sức lay động, thể thơ tự do câu ngắn câu dài nối tiếp nhau dặt dìu…, tất cả những điều ấy đã cấu trúc nên một giai điệu nhịp nhàng cho bài thơ. Về phía mình, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo đã chọn được những ngôn từ chắt lọc nhất, ám ảnh nhất để làm nền ca từ cho nhạc phẩm. Đó là những hình ảnh dễ đi vào lòng người, dễ khiến mọi người rơi nước mắt – những ai từng xa quê, từng thổn thức mỗi lần quay trở lại: “Sông còn nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ, vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng… Con cá dưới sông, cây trồng trên bãi, lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm. Cùng một bến sông, con trâu đằm sóng dưới, bầy trẻ thơ tắm mát dưới thượng nguồn…”.

Người ta ngân lên giai điệu của Nguyễn Trọng Tạo mà tưởng như đang bắt gặp chính mình trong một cuộc hành hương trở về với nguồn cội. Có gì đó nghèn nghẹn dâng lên trong cuống họng, có gì đó nhức nhối trong tim. Âm nhạc đã len lỏi vào trong từng ngõ ngách xúc cảm của con người, để trở thành chính ký ức và hơi thở của họ. Có phải không, ai trong chúng ta không từng có một tuổi thơ như vậy để hoài nhớ: một dòng sông thao thiết chảy cùng ước mơ thuyền giấy, ước mơ vẫy vùng? Nỗi ngóng mẹ về với niềm vui òa vỡ trên tay một món quà từ chợ huyện? Cái mùi thơm rơm rạ xôn xao từ cánh đồng tảo tần dáng mẹ, dáng bà? Những con trâu thủng thẳng bước về trong hoàng hôn màu mận chín?

Không chỉ đơn giản là gợi nhớ về hình ảnh, gợi nhớ về ký ức, ca từ bài hát mà bắt nguồn từ những dòng thơ của Lê Huy Mậu sâu sắc hơn nhiều, ân tình hơn nhiều khi chỉ vài ba chữ thôi đã nói được phẩm chất một quê hương: lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm..., cùng một bến sông con trâu đằm sóng dưới/ bầy trẻ thơ tắm mát dưới thượng nguồn. Để rồi, dòng trong mát lành ấy mãi mãi là dòng nước mát lành thanh lọc cho con người ta những cằn cỗi, lo toan, những khổ đau, bụi bặm. Con sông hay chính lòng mẹ vỗ về, chính lòng mẹ nâng niu, chính lòng mẹ đang mở ra đón đợi?

TIN LIÊN QUAN

“Ơi con sông quê, con sông quê…”. Điệp khúc ấy dội vào lòng người như nhắc nhở, thôi thúc. Sau cao trào lại là một giai điệu trầm lắng, chậm rãi hồi tưởng về quá khứ với một miền quê nghèo đến xác xơ nhưng đẹp đẽ vô cùng. Kết thúc bài hát là hình ảnh “một dòng xanh trong chảy mãi đến vô cùng”. Từ “vô cùng” được ngắt riêng ra và kéo dài trường độ, khiến người nghe có cảm giác như cả một dòng thời gian đằng đẵng đang hiển hiện trên đó. Dòng sông đã trở thành một giá trị vĩnh viễn của tình yêu thương, không bị phai mờ bởi thời gian, không bị giới hạn bởi không gian. Nó trở nên ảo mờ, siêu thực, nhưng mặt khác, nó vẫn là con sông ấy, vẫn rất cụ thể, thân thuộc với con người, vẫn ở đó để chờ đợi con người trở về dẫu cho họ đã dành cả cuộc đời mình trên những bước đường phiêu dạt… Sông Bùng, sông Lam hay dòng sông nào của xứ Nghệ đã êm đềm yêu thương đến vậy trong ca khúc của Nguyễn Trọng Tạo? Phải chăng đó cũng là dòng sông của mọi miền quê, là dòng sông của tất cả chúng ta?

Bố tôi cũng là một người tha hương, ông dành gần cả cuộc đời mình để sống ở những nơi thuận tiện cho công việc và gia đình. Đến giờ thì tôi hiểu vì sao ông cứ nghe đi nghe lại bài hát ấy. Có lẽ, ông tìm được gì đó gần gũi với lòng mình, như một ngọn sóng tìm được dòng để hòa chung nhịp, như một con sông lặng thầm đổ về biển rồi tan vào cái mênh mang ấy trong một nỗi hân hoan.

Quỳnh Lâm

Mới nhất
x
Nghẹn ngào cùng "Khúc hát sông quê"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO