Nghi Kim (TP.Vinh): Người dân phải mua nước sạch giá cao
(Baonghean) - Giá nước sinh hoạt cao gấp 2, thậm chí có lúc cao gấp 3 lần so với khu vực nội thành; người dân liên tục kêu ca, phản ánh nhưng chính quyền địa phương và đơn vị liên quan vẫn chưa có giải pháp khắc phục. Đó là thực trạng đã và đang diễn ra trong việc sử dụng nước sinh hoạt ở xã Nghi Kim, thành phố Vinh.
(Baonghean) - Giá nước sinh hoạt cao gấp 2, thậm chí có lúc cao gấp 3 lần so với khu vực nội thành; người dân liên tục kêu ca, phản ánh nhưng chính quyền địa phương và đơn vị liên quan vẫn chưa có giải pháp khắc phục. Đó là thực trạng đã và đang diễn ra trong việc sử dụng nước sinh hoạt ở xã Nghi Kim, thành phố Vinh.
Bà Nguyễn Thị Phương, người dân xóm 3, xã Nghi Kim bức xúc cho biết, xóm 3 và xóm 6 chỉ cách nhau đúng một con đường liên thôn, trong khi người dân xóm 6 chỉ phải nộp hơn 6000 đồng cho 1 m3 nước sinh hoạt thì dân xóm phải nộp 11.500 đồng. Nói rồi bà Phương dẫn chúng tôi về nhà, mở vòi nước máy cho mọi người xem. “Đấy các anh xem, nước chảy có mạnh gì đâu vậy mà chúng tôi phải chịu giá tiền cao gấp đôi những nơi khác”. Cũng tâm trạng tương tự, ông Nguyễn Đức Trị, người dân xóm 3 nói rằng, mỗi tháng gia đình ông sử dụng hết trên dưới 10m3 nước, có những tháng giá nước lên đến 14.000/m3. Nhưng đây chưa phải là mức giá cao nhất mà các hộ dân xã Nghi Kim phải chịu. Theo phản ánh của các hộ dân xóm 5, có những thời điểm, giá nước lên đến 16.000 - 17.000 đồng/m3. Nhưng ở xóm 5, nếu như khu vực xóm trong (phía nam) chỉ chịu mức giá trên 10.000/m3 thì khu vực xóm ngoài (phía bắc) thường xuyên phải chịu mức giá cao ngất ngưởng.
Cuốn sổ ghi chép chỉ số công tơ sử dụng nước của ông Đặng Văn Thân. |
Ông Đặng Văn Thân kiểm tra đồng hồ nước của 38 hộ dân khu vực xóm ngoài. Ảnh: Hồ Quý |
Ông Đặng Văn Thân - xóm phó xóm 5, người phụ trách thu tiền nước ở khu vực xóm ngoài cho biết, xóm 5 khu vực ngoài có 38 hộ dân. Các hộ được sử dụng nước sạch đã 4 năm nay. Khi lắp đặt hệ thống đường ống, mỗi hộ dân đóng 1,5 triệu đồng. Lâu nay giá nước tăng cao là do nhiều nguyên nhân. Trước hết là do thất thoát đường ống, ý thức người sử dụng nước còn hạn chế, đội ngũ phụ trách kỹ thuật không có chuyên môn. Đặc biệt, phần lớn các hộ đều sử dụng nước theo kiểu mở vòi chảy nhỏ giọt. Vậy nên công tơ nước mỗi gia đình không chạy nhưng công tơ tổng của cụm dân cư thì vẫn hoạt động. Đây là lý do khiến tình trạng hao hụt nước ở đường ống rất cao, nhưng không biết làm thế nào. Ông Đặng Văn Thân cũng cho hay, hiện nay UBND xã tính tiền nước bán cho dân tại đồng hồ tổng là 8.300 đồng/m3. Tuy nhiên vì lý do thất thoát, vì dân sử dụng nước không đúng cách nên giá nước thường xuyên bị đẩy lên cao. Theo đó, cách tính tiền được áp dụng theo phương thức: mỗi gia đình sau khi chịu mức giá theo quy định của xã sẽ phải chịu thêm chi phí hao hụt của toàn bộ hệ thống căn cứ tại đồng hồ tổng. Vấn đề ở đây là khối lượng nước tính trên đồng hồ mỗi hộ dân có thể thấp nhưng tại đồng hồ tổng luôn ở mức cao do hao hụt, thất thoát.
Hệ thống nước sinh hoạt của xã Nghi Kim được đầu tư, lắp đặt từ năm 2007 với tổng mức đầu tư 10 tỷ 165 triệu đồng. Trong đó, ngân sách của tỉnh là 3 tỷ 325 triệu đồng; ngân sách thành phố là 3 tỷ 137 triệu đồng; ngân sách xã và nhân dân đóng góp là 3 tỷ 707 triệu đồng. Công trình nước sinh hoạt ở Nghi Kim do chính UBND xã làm chủ đầu tư, khác với các phường, xã nội thành TP. Vinh (Công ty TNHH Một thành viên cấp nước Nghệ An làm chủ đầu tư). Xã Nghi Kim cũng chủ động thuê các đơn vị tư vấn, thiết kế độc lập. Chính vì vậy mọi việc liên quan đến hệ thống nước sinh hoạt, như kỹ thuật, sửa chữa, thu gom tiền nước hằng tháng đều do xã chủ động. Ông Nguyễn Đình Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Kim cho biết, lâu nay Công ty TNHH Một thành viên cấp nước Nghệ An bán nước máy cho xã qua đồng hồ tổng. Mức giá được áp dụng là 5.500 đồng/m3 (bao gồm đã hỗ trợ 10% khối lượng). Trong khi đó, xã bán lại cho các hộ dân tại đồng hồ cụm là 8.300 đồng, số tiền này chưa bao gồm tỷ lệ thất thoát và giá nước thực tế cuối cùng người sử dụng phải trả. Về điều này ông Nguyễn Đình Tuấn cho rằng sở dĩ có sự chênh lệch về giá nước là do phải trích từ nguồn này để trả lương cho 3 thành viên trong Ban quản lý nước của xã, mỗi người được trả 2,5 triệu đồng/tháng. Những người này có nhiệm vụ kiểm tra, duy trì, sửa chữa hệ thống nước của xã. Ngoài ra, số tiền thu được cũng trích để trả cho những tổ trưởng, cụm trưởng phụ trách nước sinh hoạt tại các địa bàn dân cư.
Hiện nay 16/16 xóm của xã Nghi Kim đã được sử dụng nước máy, với tỷ lệ 95% dân cư được sử dụng. Trong đó các xóm 4, 6, 11 được nhà nước hỗ trợ lắp đặt hệ thống đường ống 100%. Nguyên do là các xóm này trước đây nằm trong diện bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bãi rác Hưng Đông. Một số xóm khác được hỗ trợ một phần như xóm 1, 5, 7... Chính vì vậy mới xảy ra tình trạng cùng trong một địa bàn nhưng xóm nào được Thành phố Vinh hỗ trợ lắp đặt hệ thống, “ăn” nước trực tiếp của Công ty TNHH Một thành viên cấp nước Nghệ An thì giá thấp, số còn lại phải mua nước giá cao. Ông Nguyễn Đình Tuấn cho biết, xã đã nhiều lần có công văn đề nghị Công ty TNHH Một thành viên cấp nước Nghệ An tiếp nhận hệ thống mạng lưới cấp nước của xã Nghi Kim nhưng đến nay chưa được chấp nhận. Hoặc cũng có thể mạng lưới cấp nước ở Nghi Kim tỷ lệ hao hụt quá cao nên công ty không tiếp quản, nhận bàn giao mà chỉ bán tại đồng hồ tổng mà thôi.
Ông Trịnh Văn Thắng - Trưởng Phòng Kỹ thuật - Công ty TNHH Một thành viên cấp nước Nghệ An cho rằng, việc thất thoát nước rất có thể là do khâu thiết kế có vấn đề; đường ống nước nhỏ quá nên áp lực không đủ mạnh, đồng hồ nước lắp không đúng vị trí, chất lượng đồng hồ không đảm bảo... Nhưng thực tế này nằm ngoài tầm xử lý của Công ty cấp nước vì xã Nghi Kim là đơn vị chủ đầu tư. Ông Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên cấp nước Nghệ An khẳng định, vấn đề cấp nước trên địa bàn TP. Vinh thuộc trách nhiệm của Công ty cấp nước. Tuy nhiên nếu trường hợp Công ty là chủ đầu tư, công ty sẽ làm việc trực tiếp với các hộ khách hàng. Còn đối với đơn vị chủ đầu tư khác như phường, xã hay các đơn vị, doanh nghiệp thì công ty chịu trách nhiệm bán nước máy qua đồng hồ tổng. Xã Nghi Kim cũng không nằm ngoài ngoại lệ đó. “Xã Nghi Kim là chủ đầu tư và đã thuê các đơn vị thiết kế, tư vấn, giám sát khác thì đó là trách nhiệm của chủ đầu tư. Công ty sẵn sàng tiếp nhận, quản lý hệ thống mạng lưới nước sinh hoạt ở Nghi Kim, giải quyết những vấn đề xảy ra lâu nay, nhưng muốn vậy, xã Nghi Kim cần có văn bản đề nghị và phải có sự thống nhất của UBND Thành phố Vinh. Trên cơ sở đó, Công ty sẽ tiến hành khảo sát, kiểm tra lại mạng lưới, đưa ra giải pháp đầu tư cải tạo, sửa chữa để cấp nước với giá cả hợp lý cho các hộ dân. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay chưa hề nhận được văn bản đề nghị nào của xã Nghi Kim”, ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.
Việc giá nước sinh hoạt ở xã Nghi Kim quá cao là một thực tế diễn ra nhiều năm nay. Các đoàn kiểm tra, thanh tra các cấp cũng đã nhiều lần về Nghi Kim để thẩm định. Nhưng tại sao đến nay tình trạng thất thoát và giá nước tăng cao tại đây vẫn chưa được khắc phục? Phải chăng xã Nghi Kim chưa làm hết trách nhiệm đối với người dân?
Đào Tuấn