Nghi Lộc: Đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới

21/02/2015 08:13

(Baonghean) - Với sự năng động của lãnh đạo huyện, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Nghi Lộc bước đầu đạt kết quả rõ nét; bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đến nay toàn huyện đã có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7 xã đạt từ 15 tiêu chí trở lên...

Lãnh đạo tỉnh trao Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới cho xã Nghi Xuân. Ảnh: Đ.C
Lãnh đạo tỉnh trao Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới cho xã Nghi Xuân. Ảnh: Đ.C

Xác định xây dựng nông thôn mới là chương trình lớn, tổng thể, toàn diện nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, trong quá trình triển khai thực hiện, Nghi Lộc đã đánh giá đúng thực trạng nông thôn từng xã, tìm ra tiềm năng lợi thế, chọn những giải pháp mang lại hiệu quả cao và phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương để xây dựng lộ trình phù hợp. Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban chỉ đạo nông thôn mới của huyện đã trực tiếp làm việc để nghe và cho ý kiến về công tác xây dựng nông mới tại các xã điểm. Qua đó định hướng kế hoạch, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Tập trung đôn đốc, kiểm tra định kỳ hàng tháng, hàng quý để lãnh đạo, chỉ đạo.

Nhằm tạo sự đồng thuận và khí thế thi đua giữa các địa phương, Nghi Lộc đã làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, huy động các đoàn thể cùng vào cuộc, xây dựng chuyên mục "Khởi sắc xây dựng nông thôn mới" tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh các xã với thời lượng tối thiểu 15 phút/tuần, có nhiều bài viết biểu dương các phong trào tiêu biểu, gương điển hình trong xây dựng nông thôn mới ở các xã; có các bản tin hoạt động, bài viết tuyên truyền về nông thôn mới trên hệ thống truyền thanh và nhiều bài viết, phóng sự về xây dựng NTM đăng trên Báo Nghệ An và Đài PT-TH tỉnh. Ủy ban MTTQ,, Ban dân vận huyện đã tập trung chỉ đạo cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, công tác huy động các nguồn lực, chỉ đạo giám sát cộng đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Các tổ chức đoàn thể chịu trách nhiệm vận động hội viên gương mẫu đi đầu trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt năng suất chất lượng cao, hướng tới sản xuất hàng hóa. Triển khai thực hiện chương trình vệ sinh đường làng, công tác xoá đói giảm nghèo, quản lý bảo vệ tốt tuyến đường hội tự quản… Thông qua công tác vận động, tuyên truyền, đã tạo được sự chuyển biến nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về nội dung, ý nghĩa của chương trình, vai trò chủ thể của người dân nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều phong trào xây dựng nông thôn mới được lan tỏa ở các xã như: Phong trào hiến đất làm đường giao thông, phong trào chuyển đổi ruộng đất theo Chỉ thị 08/CT.TU... Nhiều xã những năm trước khó khăn về tạo phong trào quần chúng xây dựng nông thôn mới, năm 2014 đã có nhiều tiến bộ như: Nghi Công Nam, Nghi Tiến, Nghi Hưng, Nghi Phong,... dân chủ cơ sở được phát huy, các nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới ở Nghi Lộc được giao cho nhân dân bàn bạc, thảo luận và quyết định trên cơ sở định hướng của nhà nước. Vì thế, các phong trào hiến đất, làm đường giao thông thực sự hiệu quả. Từng bước đơn giản hóa thủ tục đầu tư, lồng ghép các nguồn vốn để nông dân chủ động thực hiện.

Chỉ tính riêng năm 2014, nhân dân trong huyện tiếp tục hiến 6.000m2 đất vườn làm đường giao thông nông thôn, tháo dỡ hơn 6.500m bờ bao, huy động hơn 65.000 ngày công để xây dựng nông thôn mới. Các xã phát động phong trào tốt như: Nghi Văn, Nghi Lâm, Nghi Long, Nghi Phong, Nghi Hoa, Nghi Kiều, Nghi Đồng, Nghi Mỹ, Nghi Thạch, Nghi Thái,... Nhân dân toàn huyện đã hiến 51 ha đất ruộng, huy động hơn 1000 ca máy và 45.000 ngày công làm giao thông, thủy lợi nội đồng, phục vụ công tác dồn điền đổi thửa, đào đắp hàng vạn mét khối đất để bình chỉnh đồng ruộng, đắp bờ vùng bờ thửa, kênh tưới tiêu. Nhiều xã làm tốt công tác dồn điền đổi thửa như: Nghi Mỹ, Nghi Vạn. Đến nay, các xã Nghi Lâm, Nghi Trung, Nghi Kiều, Nghi Hoa, Nghi Văn, Nghi Quang,... đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi ruộng đất; triển khai nhựa hóa, cứng hóa được 40 km đường giao thông nông thôn; tích cực lồng ghép các dự án và vận động nhân dân đóng góp kiên cố hóa được 8 km kênh mương, nâng cấp 4 hồ đập, cơ bản đáp ứng được năng lực thiết kế, yêu cầu phục vụ dân sinh. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2014 ước đạt 1.544,1 tỷ đồng.

Năm 2014, Nghi Lộc cũng đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từng bước áp dụng tiến bộ KHKT sau chuyển đổi, như: Mở rộng diện tích lúa thuần chất lượng cao, từng bước giảm dần diện tích lúa lai, gắn với việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung bền vững. Xây dựng 4 mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa tại Nghi Kiều, Nghi Lâm, Nghi Văn và Nghi Diên, 3 mô hình phục tráng giống lạc L14 để phục vụ giống có độ thuần cao cho sản xuất lạc trong những năm tiếp theo. Với kết quả đó huyện đã nâng tổng sản lượng lương thực cả năm lên trên 94.000 tấn, đạt 109,79% kế hoạch.

Chế biến thức ăn tại trại bò Úc ở xã Nghi Lâm (Nghi Lộc). Ảnh: Công Sáng
Chế biến thức ăn tại trại bò Úc ở xã Nghi Lâm (Nghi Lộc). Ảnh: Công Sáng

Ngoài ra, để nâng cao thu nhập cho người dân, khai thác lao động nhàn rỗi ở địa phương, Nghi Lộc cũng tập trung phát triển các làng nghề truyền thống: đóng tàu, mây tre đan... Tiêu biểu như ở xã Nghi Thái hiện có 10/11 làng nghề mây tre đan đã được công nhận làng nghề và huyện đang tập trung chỉ đạo năm 2015 xây dựng thành công xã nghề.

Với sự đồng thuận của người dân, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo huyện, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị, đoàn thể trên địa bàn toàn huyện, đến nay, Nghi Lộc đã có 2 xã Nghi Thái và Nghi Xuân hoàn thành 19/19 tiêu chí và đã đón bằng đạt chuẩn nông thôn mới, 7 xã đạt từ 15 tiêu chí trở lên gồm: Phúc Thọ (17 tiêu chí), Nghi Long (17 tiêu chí), Nghi Trung (17 tiêu chí), Nghi Lâm (16 tiêu chí), Nghi Hoa (16 tiêu chí), Nghi Thịnh (15 tiêu chí) và Nghi Hợp (15 tiêu chí)...

Phát huy những thành tích đã đạt được, trong năm 2015, Nghi Lộc tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, phương pháp lập kế hoạch, tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc của huyện và các ngành đối với cơ sở về nhiệm vụ xây dựng NTM; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM; tập trung nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư, cơ chế chính sách hỗ trợ đã ban hành để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhất là đối với các địa phương phấn đấu đạt xã NTM trong năm 2015. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch đã ban hành gắn với nhiệm vụ xây dựng NTM. Củng cố nâng cao trách nhiệm, chất lượng chỉ đạo điều hành của các cấp ủy, chính quyền, trách nhiệm các đoàn thể trong triển khai thực hiện chương trình NTM. Quyết tâm hoàn thành tốt chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ khóa XXVII đã đề ra, tối thiểu có 20% số xã đạt NTM trong năm 2015. Cụ thể, phấn đấu năm 2015 các xã: Nghi Trung, Phúc Thọ, Nghi Lâm, Nghi Hoa, Nghi Long, Nghi Mỹ đạt xã nông thôn mới (trong đó các xã Nghi Lâm, Phúc Thọ, Nghi Trung phải về đích trước tháng 6/2015. Các xã còn lại mỗi xã phải hoàn thành thêm được 2 - 3 tiêu chí, đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt.

Lê Văn Khang

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc

Mới nhất
x
Nghi Lộc: Đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO