Nghị lực của học sinh khuyết tật

23/02/2012 17:55

(Baonghean)- Hằng ngày, người dân ở vùng quê xã Thanh Giang vẫn thấy hình ảnh một cậu bé với chiếc xe lăn cũ kỹ, miệt mài nặng nhọc đến trường, không quản trời mưa hay nắng. Hình ảnh quen thuộc ấy đã in dấu trong lòng thầy cô, bạn bè và người dân nơi đây về một tinh thần hiếu học, một nghị lực sống, một quyết tâm vượt lên số phận...

(Baonghean)- Hằng ngày, người dân ở vùng quê xã Thanh Giang vẫn thấy hình ảnh một cậu bé với chiếc xe lăn cũ kỹ, miệt mài nặng nhọc đến trường, không quản trời mưa hay nắng. Hình ảnh quen thuộc ấy đã in dấu trong lòng thầy cô, bạn bè và người dân nơi đây về một tinh thần hiếu học, một nghị lực sống, một quyết tâm vượt lên số phận...

Đó là em Trần Trọng Phúc, 18 tuổi, học sinh Trường THCS xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương. 18 tuổi nhưng thân hình Phúc nhỏ bé hơn tuổi của cậu rất nhiều, bàn chân teo nhỏ, hai tay co quắp, miệng méo.


Mẹ Phúc nhớ lại, khi mang thai Phúc, vì hoàn cảnh quá khó khăn, chị Bùi Thị Oanh không có đủ điều kiện để đi khám, siêu âm. Đến ngày sinh, chị được đưa đến trạm y tế xã và bàng hoàng khi các bác sỹ cho biết chị mang thai đôi và một thai đã bị chết lưu cách đó 3 tháng. Chị phải chuyển xuống bệnh viện tỉnh cấp cứu nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. May thay, đứa con còn lại của anh chị được cứu sống. Nhưng cậu bé Phúc ra đời trong tình trạng người tím đen, bé xíu. Một thời gian, Phúc có biểu hiện chậm lớn, chân tay khó hoạt động và có hiện tượng co giật. Vợ chồng chị đưa con đi khám thì được bác sỹ cho hay Phúc bị bại liệt bẩm sinh.



Trần Trọng Phúc bên góc học tập

Anh Trần Trọng Thắng, bố Phúc cho biết: "Vợ chồng tui đã vay mượn của anh em, bà con được ít tiền cộng với số tiền ít ỏi hai vợ chồng dành dụm được quyết đưa con đi chữa nhưng bệnh tình không giảm mà ngày càng nặng thêm, phải phẫu thuật nhưng chi phí quá lớn nên đành phải đưa con về nhà tự chăm sóc".


Dù tật nguyền không thể đi lại được nhưng Phúc rất thích đi học. Hằng ngày, Phúc vẫn trên chiếc xe lăn cũ kỹ cùng người em gái là Trà My đến lớp đều đặn. Nhưng chiếc xe lăn cũng chỉ đi được đến sân trường, khi lên các bậc tam cấp và đi vào lớp, Phúc phải đi bằng tay. Còn trong lớp, mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ vào em gái và các bạn giúp đỡ.


Những hôm trời mưa, gió rét, hai anh em Phúc vẫn đến trường, hình ảnh đó đã làm cho thầy cô và các bạn cảm động rơi nước mắt, nhưng cũng chỉ biết thương em và cố gắng giúp đỡ em trong học tập - thầy giáo Nguyễn Văn Quang, giáo viên của Phúc cho biết.


Với Phúc, vào lớp được đã khó, để theo học được cùng các bạn lại khó hơn rất nhiều, bởi tay em co quắp, khó cầm bút, miệng khó phát âm. Nhưng bằng quyết tâm cố gắng vượt lên, Phúc lại là một trong số học sinh học Toán rất khá, được công nhận là học sinh tiên tiến vào năm lớp 1, 2.


Thầy Quang cho biết thêm: "Biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình em nên nhà trường cũng đã cố gắng cắt giảm các chi phí để khuyến khích em đi học. Những ngày lễ, tết nhà trường tặng quà cho em như sách vở, cặp sách...".


Gia đình Phúc thuộc hộ nghèo của xã. May mắn thay, mới đây Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức giúp đỡ những trẻ em tật nguyền, và Phúc đã được trao tặng chiếc xe lăn mới. Em cũng được trợ cấp mỗi tháng 260 ngàn đồng.


Khi được hỏi về ước mơ sau này, Phúc ấm ớ một hồi rồi bảo "E..m m..uốn...học...về điện tử, thông tin". Như Phúc nói là để em có thể giảm bớt khó khăn cho bố mẹ. Bà nội Phúc cũng cho chúng tôi biết: "Cháu nó cũng rất hay mày mò sửa điện, nghịch vô mấy đồ điện tử trong nhà. Gia đình cũng mong cháu sau ni học được cái nghề phù hợp với cháu, để tương lai cháu đỡ vất vả hơn...".


Nghị lực của em Trần Trọng Phúc quả thật khiến nhiều người cảm động và khâm phục. Mong em có thêm nhiều nghị lực hơn nữa để vượt qua khó khăn, theo đuổi ước mơ giản dị ấy.


Nguyễn Thị Dinh

Nghị lực của học sinh khuyết tật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO