Nghị lực của một thương binh nặng
(Baonghean.vn) - Một phần thân thể gửi lại nơi chiến trường và nỗi ám ảnh di chứng chiến tranh vẫn hàng ngày hiện diện, nhưng với bản lĩnh, ý chí của người lính Cụ Hồ, ông đã vượt qua tất cả, sống có ích để làm điểm tựa vững vàng cho con cháu. Đó là tấm gương của thương binh 1/4 Đinh Trần Chương, ở xóm 9 xã Nghi Long, Nghi Lộc.
Tháng 12/1967, chàng thanh niên Đinh Trần Chương vừa tròn 20 tuổi, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, xung phong lên đường nhập ngũ. Được giao nhiệm vụ làm liên lạc trinh sát pháo cối 82 cho Đại đội 4, tiểu đoàn 2, Trung đoàn 27 (mặt trận B5 - Quảng Trị).
Đêm 26/3/1969, mặt trận diễn ra ác liệt, trong khi tham gia vây ráp đánh cao điểm 544 và chống càn ở cánh đồng Tân Lâm, trung đội của ông Chương nhiều người hy sinh và thương vong, chỉ còn lại 7 chiến sỹ. Lúc này, ông được cấp trên chỉ định làm Trung đội trưởng để chỉ huy thay cho đồng chí vừa hy sinh.
Sau một ngày chiến đấu, trung đội của ông đã đẩy lùi được sự tấn công của quân địch. Vào cuối chiều hôm ấy, trong lúc chỉ huy hai khẩu đội chiến đấu, ông bị pháo từ xe tăng địch bắn trúng đầu gối vỡ bánh chè, chân phải bị đứt gần lìa, phải lấy giây giun bó lại để chống mất máu, khi ngất xỉu, ngã xuống, ông vẫn ôm chặt trong tay khẩu AK sẵn sàng chiến đấu.
Tỉnh dậy, ông thấy mình đã nằm ở bờ Bắc, tại Trạm phẫu thuật của Trung đoàn. Sau nhiều ngày điều trị, chân phải của ông đã bị hoại tử phải cắt cụt gần hết, ông được chuyển ra Viện Quân y 5 đóng tại Kim Bảng - Ninh Bình để điều trị tiếp. Khi vết thương đã lành ông được về an dưỡng tại Trại Thương binh nặng.
Ông Chương (thứ 2, bên phải) chụp ảnh cùng đồng đội và giao liên ở rừng Hồ Khê (Quảng Trị) |
Đầu năm 1970, ông được điều về dạy văn hóa cho thương binh tại Đại đội an dưỡng ở Hà Nam. Tại đây, ông đã gặp gỡ và nảy nở tình yêu với cô thôn nữ Bùi Thị Mừng. Đầu năm 1971, gia đình bên ngoại ở xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) và đại đội đứng ra tổ chức lễ cưới cho vợ chồng ông. Sau đó, ông được điều về Ty Thương binh xã hội Nghệ An dạy học cho thương bình An Ngãi đóng ở Hòa Sơn (Đô Lương).
Sau khi học trường đảng, ông được giao phụ trách tuyên huấn của Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ Tĩnh. Năm 1985,ông được nghỉ mất sức do sức khỏe yếu. Về quê, ông được xã ưu tiên cấp cho mảnh đất trên 900 m2 để tạo dựng cuộc sống.
Năm 1995, hưởng ứng phong trào đảng viên làm kinh tế của huyện, ông tiên phong trong dự án nuôi trồng thủy sản ở khu vực Nam Cấm. Các con đang tuổi ăn, tuổi học, vợ phải chăm lo ruộng khoán để có gạo ăn, ông quyết định vay tiền ngân hàng thuê người đào ao thả cá, hàng ngày đi về trên chiếc xe đạp cà tàng với đôi nạng buộc phía sau. Khi thả mẻ cá giống đầu tiên, ông phải làm lều ăn ngủ tại đó, theo dõi và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật.
Trời không phụ công người, ao cá rộng 1.500 m2 với những mẻ cá thu nhập ổn định giúp cho ông có tiền trả hết nợ ngân hàng, có tiền lo cho các con ăn học và kinh phí để chữa bệnh cho các cháu. Nhìn ngôi nhà khang trang của gia đình ông Chương mới thấy được bản lĩnh, ý chí vượt qua khó khăn của một thương binh, bị mất một chân trong chiến đấu nhưng vẫn vững vàng trong trận tuyến đổi mới kinh tế.
Cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa... |
Với tỷ lệ thương tật 81% và chỉ còn một chân, mỗi khi trái gió trở trời nỗi đau bệnh tật hành hạ, nhưng ông Chương day dứt nhất bởi hàng ngày phải chứng kiến nỗi đau của 2 cháu nội bị bệnh nặng.
Cháu đầu Đinh Hoàng Trần Hiếu (sinh năm 2000) bị viêm não Nhật Bản bại liệt nửa người, cháu gái Đinh Hoàng Quỳnh Anh bị ung thư máu. Dằn vặt và thương hai đứa cháu bị di chứng chiến tranh, ông dành nhiều thời gian để chăm lo cho các cháu. Hàng ngày, ông hỗ trợ, luyện tập cho các cháu Hiếu.
Ông Chương luôn tâm niệm mình là người may mắn được trở về, cần phải sống có ích cho gia đình và xã hội. |
Nay ở tuổi 70, có trên 40 năm tuổi đảng, dù sức khỏe đã yếu nhưng ông vẫn tham gia Ban chấp hành Hội người cao tuổi xã, Chi hội trưởng chi hội xóm 9, tham gia chủ bút biên soạn lịch sử cho xã, say sưa sáng tác thơ, viết kịch, dân ca… Tham gia các hoạt động của CCB Trung đoàn 27 (tiền thân là Trung đoàn Đỏ Nghệ An anh hùng được thành lập ở xã Nam Anh (Nam Đàn).
Ông Chương luôn tâm niệm rằng mình là người may mắn được sống và trở về với gia đình, dẫu có mất đi một phần thân thể, vì vậy phải sống có ích với gia đình, xã hội và nhớ về đồng đội với tấm lòng biết ơn...
Đạm Phương
TIN LIÊN QUAN |
---|