Nghị Lực của người lính Trường Sơn

04/06/2014 16:36

(Baonghean) - Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, thế nhưng ký ức một thời “hoa lửa” vẫn còn sống mãi trong tâm khảm của cựu binh Lê Thanh Hải (xóm Hồng Lĩnh, Vân Diên, Nam Đàn). Ông là người lính lái xe Trường Sơn năm xưa, sống và chiến đấu trong cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam hào hùng của dân tộc. Trở về sau chiến tranh, người lính của một thời mưa bom bão đạn, vẫn phát huy được phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, trở thành gương sáng sản xuất kinh doanh giỏi ở làng quê.

Thời “hoa lửa”

“Không có kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật bom rung kính vỡ mất rồi/ Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng….”, ấy là nhiệm vụ của những người lính lái xe Trường Sơn chúng tôi ngày ấy, đi trong mưa bom, bão đạn nhưng lòng vẫn luôn tràn đầy quyết tâm. Bởi phía sau chúng tôi là vũ khí, đạn dược, lương thực đang chờ để cung cấp cho anh em chiến sỹ trên chiến trường. Và như chạm vào vùng ký ức đầy kỷ niệm, cảm xúc trong ông chợt tuôn trào… khi kể về những năm tháng đi qua chiến tranh.

Cựu binh Lê Thanh Hải (ngoài cùng bên phải).
Cựu binh Lê Thanh Hải (ngoài cùng bên phải).

Đầu những năm 1972, khi đó Lê Thanh Hải mới 18 tuổi. Để được lên đường nhập ngũ, vào chiến trường miền Nam theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Nhờ vóc dáng to cao, ông được nhận vào Binh đoàn 559, một binh đoàn lừng lẫy giữa đại ngàn Trường Sơn những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Sau một thời gian được rèn luyện với nhiệm vụ lái xe vận chuyển, tiếp viện cho chiến trường, năm 1973, ông được điều chuyển sang Tiểu đoàn 80, Trung đoàn 50, Cục Hậu cần miền Đông Nam Bộ để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thời kỳ đó, tiểu đoàn của ông nhận nhiệm vụ chở hàng tiếp viện từ Trường Sơn, Lào, Campuchia cho chiến trường miền đông Nam Bộ. Có những chuyến hàng từ Quảng Bình, hay từ ngã ba Đông Dương về chiến trường miền Nam, đoàn hành quân hàng tháng trời. “Đoàn xe chúng tôi đi giữa bạt ngàn rừng núi và trong đêm tối, ban ngày thường nghỉ tránh máy bay. Nhớ nhất là những lần anh em trong tiểu đội dựng trại tạm để nấu cơm, vừa nấu vừa phải canh chừng máy bay. Rồi những đêm đoàn xe chúng tôi vượt “ngầm bạc”, anh em trong đoàn đều căng mắt tập trung đường, tâm trí dồn vào chiếc vô lăng, để điều khiển xe theo sự chỉ dẫn của bộ đội.

Thế nhưng, vẫn có những trận đánh, chúng tôi không thoát khỏi chiếc máy bay VO10 của địch truy quét. Đó là năm 1973, khi chúng tôi hành quân qua binh trạm 15, giờ nghỉ trưa, anh em lái xe chui xuống gầm xe nghỉ, lấy sức để chạy tiếp. Bị máy bay địch phát hiện, một xe chở vũ khí trong đoàn bị bắn trúng và xe bốc cháy rừng rực. Đồng đội tôi hy sinh. Những chiếc xe khác bị đất vùi lấp, chúng tôi ngất lịm đi vì bị sức ép của bom. Thế nhưng, lúc anh em tỉnh dậy, chỉ nghỉ một lát lại cùng nhau lên đường”. Giọng ông bỗng chùng xuống khi nhắc đến những người đồng đội mình đã nằm lại. Có những cuộc hành quân, đoàn xe 10 chiếc, nhưng chỉ có 5 xe quay về. Có những chuyến xe không chỉ chở vũ khí, lương thực mà còn làm cả nhiệm vụ chở chiến sỹ bị thương, những đồng đội đã hy sinh. Vẫn biết, trong thời kỳ đạn lửa sự sống và cái chết chỉ gần nhau trong gang tấc. Thế nhưng, mỗi lần chứng kiến đồng đội hy sinh như nỗi day dứt; để rồi hun đúc thành quyết tâm chiến đấu trong người lính lái xe Trường Sơn.

Năm 1974, tiểu đoàn xe của ông nhận nhiệm vụ chi viện cho các trận đánh trọng điểm: Đồng Xoài, Tây Ninh, Lộc Ninh. “Năm đó, liên tiếp nhận được tin chiến thắng từ chiến trường, đoàn xe chúng tôi như háo hức hơn, lăn bánh nhanh hơn. Cuộc hành quân tháng 3/1975, giải phóng Xuân Lộc, đơn vị tôi hi sinh nhiều. Nhưng chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ chi viện vũ khí, lương thực kịp thời cho bộ đội ta; góp phần làm nên chiến thắng. Và thời khắc không thể nào quên là vào 10h ngày 30/4/1975, lúc đó, tiểu đoàn chúng tôi được lệnh hành quân tiến vào Sài Gòn. Miền Nam hoàn toàn được giải phóng sau bao nhiêu năm chờ đợi. Anh em chiến sỹ vui mừng hò reo, cười nói và ôm nhau khóc trong niềm hạnh phúc vỡ òa. Thời khắc lịch sử ấy còn in đậm trong ký ức của tôi”.

Con ong thợ cần mẫn

Trở về sau chiến tranh, sức khỏe bị ảnh hưởng (là bệnh binh 2/3), ông bắt đầu cuộc sống một nắng hai sương với ruộng đồng. Nặng gánh cơm áo với 6 đứa con nhỏ, nên ông phải làm đủ các nghề để lo cho gia đình. Ngoài 7 - 8 sào ruộng ông còn chạy vạy thêm nghề xay xát, chăn nuôi. Có những vụ chăn nuôi mất trắng, ông vẫn không nản lòng. Ông chuyển hướng sang buôn bán phân bón, thu mua nông sản với vốn liếng ban đầu là chiếc xe máy cũ bán được hơn chục triệu đồng. Nhờ uy tín nên cửa hàng của ông trở thành địa chỉ tin cậy của bà con nông dân địa phương. Nhanh nhẹn và nhạy bén nên ông dần mở rộng thị trường.

Tại mỗi thời điểm, ông lại nhanh nhạy nắm bắt thời cơ để kinh doanh các mặt hàng khác nhau. Từ bán phân bón, thu mua nông sản, ông chuyển sang kinh doanh đồ nội thất, vật liệu xây dựng. Ông gom góp mở rộng sản xuất, đầu tư mua xe tải, đến năm 2012, ông đã thành lập được HTX vận tải Lan Hải. Hiện HTX chuyên cung cấp vật liệu xây dựng của gia đình ông đang tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức lương 2,5 – 3 triệu đồng/người/ tháng. Từ những ngày đầu vất vả tự tìm kiếm đầu mối giao hàng, đến nay HTX Lan Hải trở thành đầu mối cung cấp cho các công trình giao thông nông thôn trong huyện; và vươn ra các huyện bạn như Đô Lương, Thanh Chương… Nhờ vậy mà HTX do ông làm chủ đã thu lãi gần 150 triệu đồng/tháng.

Với ông, có được thành công ngày hôm nay, ông luôn biết ơn những năm tháng rèn luyện gian khổ trong chiến trường. “Thời chiến tranh, chúng tôi tự làm mọi việc từ nấu cơm mà không có khói, tránh kẻ thù; dựng lán, trại chỉ bằng một con dao nhỏ; rồi điều khiển xe qua “ngầm bạc” trong đêm tối… Tôi học được rằng, luôn phải bản lĩnh, độc lập để vượt qua mọi khó khăn và không có gì là không thể, chỉ cần luôn nỗ lực và quyết tâm”.

Và những phẩm chất người lính vẫn còn vẹn nguyên trong ông đã được ông chỉ dạy, rèn luyện các con mình nên người. Giờ đây, 6 người con của ông đều đã trưởng thành: Hai người con của ông làm việc ở Sở Tư pháp Đà Nẵng; một người là giảng viên Đại học Y Dược Thành phố HCM; một người là cán bộ đội xe chuyên phục vụ các sân bay miền Trung; hai người còn lại đang làm việc cho ông tại HTX vận tải. Người cựu binh già giờ đã mỉm cười mãn nguyện khi ước mơ lo cho các con ăn học nên người đã được chu toàn.

Trong phòng làm việc nhỏ của ông ở HTX vận tải Lan Hải, những tấm huân, huy chương kháng chiến vẫn được treo trang trọng trên trường. Ông chỉ cho tôi xem tấm Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến sỹ giải phóng, Huy chương Vẻ vang được Nhà nước trao tặng cho những chiến công kháng chiến với giọng đầy tự hào. Bởi một thời ông đã cống hiến tuổi xuân của mình cho đất nước và may mắn bởi ông còn được trở về với gia đình, quê hương.

Cũng bởi những đồng cảm đó, mà cựu binh Lê Thanh Hải luôn dành những tình cảm yêu thương đặc biệt với những đồng đội của mình và với người thân của những đồng đội đã không may nằm lại nơi chiến trường. Ông thường chia sẻ, ủng hộ cho hội chiến binh các thôn xóm trong xã vào những dịp lễ, kỷ niệm. Mới đây, ông hỗ trợ 20 triệu đồng để xây dựng Nhà văn hóa xã Vân Diên… Và với ông: “Nếu còn sức để làm việc thì còn dành những khoản tiền tham gia các hoạt động từ thiện”. Bởi một ý niệm “trong chiến tranh, người lính chúng tôi luôn chiến đấu và hy sinh vì đất nước; thì nay được sống trong hòa bình, tôi cảm thấy may mắn khi được góp sức mình để dựng xây đất nước”.

Đinh Nguyệt

Mới nhất
x
Nghị Lực của người lính Trường Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO