Nghị lực một người lính
(Baonghean) - Dù là nơi chiến trường ác liệt hay trước những sóng gió cuộc đời, ông vẫn luôn giữ vững và phát huy tinh thần đấu tranh vượt khó của người lính Cụ Hồ. Chưa bao giờ ông thôi trăn trở và luôn tin tưởng vào tương lai…
Xuôi theo đường ven sông Lam, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ nằm trong một ngõ nhỏ ở xóm Phong Hảo, xã Hưng Hòa (TP. Vinh) gặp ông Chu Văn Mày, CCB 48 tuổi đảng. Ông Mày bùi ngùi kể lại những ngày tháng chiến đấu gian khổ mà hào hùng. Sinh năm 1940, trong một gia đình nghèo, sớm mồ côi cha, 5 mẹ con ông rau cháo nuôi nhau qua ngày. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, tháng 2/1965, Chu Văn Mày nhập ngũ vào Sư đoàn 324 đóng tại Đô Lương. Người thanh niên yêu nước theo binh đoàn hành quân tiếp vào chiến trường B5 và tham gia chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên... rồi trở thành chứng nhân trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ông tự nhận mình là một trong những người may mắn còn sống sót giữa mưa bom, bão đạn của chiến tranh. Như bao người lính khác, cảnh màn trời, chiếu đất, đói ăn, thiếu mặc đối với ông là chuyện bình thường.
Có lúc bị địch chặn không thể tiếp tế được, cả đội phải ăn cháo loãng, rau rừng cầm hơi. Nhưng với ông, khó khăn lớn nhất phải đối diện là sau mỗi trận đánh, là đi tìm thi thể đồng đội. Cả tháng trời địch chốt, quân ta không thể tiếp cận nên khi mang được về thì nhiều thi thể đã bị phân hủy. Chúng đặt mìn, nên nhiều chiến sỹ khi đi tìm đồng đội bị hy sinh. Chiến tranh để lại nhiều thương tích trên cơ thể ông. Nhưng ông bảo những vết thương của ông chẳng đáng là gì so với những đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường. Ông nhớ nhất là lần bị thương trong một cuộc chiến ác liệt ở chiến trường Quảng Trị. Những năm 71- 72, Quảng Trị trở thành mặt trận vô cùng khốc liệt. Bom đạn Mỹ như cày nát cả vùng đất cằn cỗi nắng gió này. Chu Văn Mày cũng bị thương rất nặng, nếu không được cứu chữa kịp thời thì hẳn ông cũng nằm lại nơi chiến trận cùng đồng đội. Trong giây phút sinh tử ấy, ông chưa bao giờ quên lúc người đồng đội thân thiết đắp lên người ông mảnh dù cùng cái nắm tay cổ vũ và hứa hẹn. Vết thương bình phục, người chiến sỹ lại tiếp tục hành quân vào Nam chiến đấu.
Ông Chu Văn Mày. |
Sau 14 năm tại ngũ, cuối năm 1979, ông trở về quê. Niềm vui đoàn tụ với gia đình chưa trọn vẹn thì nỗi lo “cơm áo gạo tiền” đã lại đeo đẳng cuộc sống của ông. Xin vào làm cán bộ hợp tác xã nhưng đồng lương ít ỏi. Tiền trợ cấp theo chế độ bệnh binh cũng không nhiều nên ông phải gắng sức làm thêm việc cho gia đình. Sẵn nhà có mấy sào ruộng, ông lại “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cày cuốc. Mấy năm sau, vợ ông qua đời, đôi gánh trên vai ông lại thêm nặng. Trên có mẹ già, dưới là đàn con thơ dại thiếu hơi ấm của mẹ, ông quyết chí phải làm trọn nghĩa vụ của mình.
Nuôi con lớn đã khó, thấy con càng học giỏi càng chăm ngoan ông lại càng trăn trở nghĩ suy. Ông bảo: “Làm cha chộ con học giỏi thì mừng nhưng cũng lo lắm, sợ không có tiền cho hắn ăn học thì tội hắn”. Nhà có 3 đứa con, cho chúng được ăn học đầy đủ là một vấn đề nan giải. Ông không có đủ tiền cho các con ăn học. Nhưng cũng thật may mắn là em trai ông, đang công tác ở Hà Nội đã giúp đỡ, hỗ trợ anh mình để nuôi cháu ăn học nên người… Ông ngậm ngùi nhớ lại ngày con trai đầu có cơ hội đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, một nửa kinh phí được Nhà nước hỗ trợ, nửa còn lại gia đình phải tự lo. Dù biết là dịp tốt cho con phát triển công danh, sự nghiệp nhưng ông đành chấp nhận để con ở nhà vì không kiếm đâu ra số tiền lớn như thế. Hạnh phúc lớn nhất là các con ông đều đã trưởng thành và có việc làm ổn định. Đặc biệt là cậu con trai đầu giờ là Thạc sỹ, đang làm việc ở Viện Cơ khí nông nghiệp tại Hà Nội. Nhắc đến con trai, ông vui và tự hào lắm!
Bị ảnh hưởng vết thương chiến tranh, mỗi khi trái gió trở trời, ông lại chịu đựng những cơn đau dai dẳng. Đến năm 2008, vết thương âm ỉ bao năm ở chân trở nặng, không còn lựa chọn nào ngoài biện pháp cưa chân. Mất chân phải, ông không lao động được nữa mà ở chỉ quanh quẩn ở nhà. Vốn chịu khó nên dù không thể làm việc nặng, ông lại cuốc đất trồng rau ở mảnh vườn trước nhà. Như để chứng minh lời mình, ông mang ghế ra vườn, ngồi lên rồi vừa cuốc đất vừa dịch chuyển ghế theo từng luống rau. Theo từng nhát cuốc chầm chậm của ông, từng luống đất gọn ghẽ tơi xốp, sẵn sàng để gieo hạt trồng rau. Sống tình cảm, chan hòa nên ông được mọi người quý mến. Chính bà con chòm xóm xung quanh là những người luôn sẵn lòng giúp đỡ, bao bọc ông những lúc ông cần hay khi “tối lửa tắt đèn” trong cuộc sống.
Dù trong những lúc khó khăn nhất thì tinh thần người lính, niềm tin vào tương lai vẫn giúp ông vượt qua tất cả. Chống nạng tiễn chúng tôi ra cửa, ông cười móm mém bảo cuộc sống thế là được rồi. Niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai vẫn thắp sáng ở một CCB can trường!
Hà An