Nghị lực phi thường của cựu binh còn 5% sự sống ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Ngọn lửa quả bom na-pan trùm lên khắp cơ thể khiến bỏng toàn thân, chiến sĩ Nguyễn Xuân Mậu thành người tàn phế. Nhưng với nghị lực phi thường, tình yêu thương của người vợ hiền, người lính ấy đã vượt lên đau đớn và mặc cảm để lao động, sản xuất và xây đắp mái ấm hạnh phúc.
Ký ức bom na-pan
Mấy ngày nay, những cơn gió lạnh khiến thương binh Nguyễn Xuân Mậu ở xóm Hoàng Chùa, xã Thanh Tiên (Thanh Chương) thêm nhức buốt, thi thoảng những cơn đau lại cuộn khắp cơ thể như đợt sóng trào. Ông vẫn cố gắng gượng dậy bế cháu nội vừa hơn 1 tuổi vừa để con dâu rảnh tay làm việc, vừa giúp ông quên bớt những cơn đau do thời tiết ẩm ương.
Thương binh Nguyễn Xuân Mậu kể về cuộc đời mình. Ảnh: Công Kiên |
Vừa vỗ về cháu nhỏ, ông Mậu vừa tâm sự: “Tuy thân hình tàn phế, khuôn mặt dị dạng nhưng được trở về quê hương, có một gia đình để lo toan, có cháu nhỏ để bế bồng với tôi là điều vô cùng may mắn. Vì biết bao đồng đội đã nằm lại ở chiến hào và nơi bìa rừng, vách núi, vĩnh viễn không được gặp những người thân yêu…”.
Năm 1968, vừa tròn 18 tuổi, Nguyễn Xuân Mậu - chàng thanh niên khỏe mạnh, tuấn tú của xóm Hoàng Chùa lên đường nhập ngũ, trở thành chiến sĩ Trung đoàn 27 của Nghệ An. Vừa được huấn luyện xong, người lính trẻ cùng đơn vị vượt sông Bến Hải vào chiến đấu ở địa bàn huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, nơi chiến sự thường xuyên diễn ra với mức độ khốc liệt, khiến cả hai bên đều gánh chịu nhiều tổn thất.
Đến nay, những trận đánh ác liệt năm xưa vẫn thường xuyên đi về trong giấc mơ đêm đêm của cựu binh Nguyễn Xuân Mậu, nó như một sự ám ảnh đeo bám suốt cuộc đời ông. Cảnh tượng bom rơi, đạn nổ, lửa khói mịt mù và bao đồng đội ngã xuống khiến ông có lúc hoảng loạn, bỗng dưng bật dậy mới biết mình đang mơ, mới biết điều ấy đã diễn ra hơn 50 năm trước...
Và tất nhiên, người lính từng 4 năm vào sinh ra tử ở “đất lửa” Quảng Trị không thể nào quên một ngày tháng 4/1972, ngày nhiều vinh quang nhưng cũng không ít phần đau thương, uất hận. Hôm ấy, đại đội của ông Mậu chiến đấu và tiêu diệt gần trọn 3 đại đội của địch, nhưng chưa kịp rút lui an toàn thì chúng gọi hàng chục chiếc máy bay ném bom đến chi viện.
Tỷ lệ thương tật của ông Nguyễn Xuân Mậu là 95%. Ảnh: Công Kiên |
Từ chiến hào ngước lên, người lính trận thấy một vật to như thùng phuy đang rơi xuống gần vị trí của mình, lát sau khói lửa mù mịt, toàn thân rát bỏng rồi lịm đi lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy, ông Mậu kinh hoàng vì khắp người bị bỏng nặng, vết thương đau nhức và đang được điều trị ở Viện Quân y 108, sau chuyển Viện Quân y 103.
Điều trị hơn 1 năm trời, vết thương của chiến sĩ Nguyễn Xuân Mậu mới bắt đầu ổn định. Các bác sĩ kết luận ông bị bỏng toàn thân, tỉ lệ thương tật 95%, khuôn mặt dị dạng, một mắt bị hỏng, mắt còn lại thị lực chỉ còn 3/10, răng bị hỏng phải thay mới hoàn toàn, đôi tay biến dạng, một số mảnh đạn còn găm trong cơ thể…
“Món quà” của số phận
Quả bom na-pan của Mỹ đã biến một chiến sĩ khỏe mạnh, điển trai trở nên tàn phế, dị dạng, đến nỗi gia đình đến thăm cũng không thể nhận ra. Khi thấy khuôn mặt cháy sém, chỉ còn một con mắt mờ nhòe, ông Nguyễn Xuân Mậu không tránh khỏi nỗi thất vọng, chán chường, có lúc như rơi vào bế tắc khi nghĩ về tương lai. Vết thương ổn định, được chuyển về Trại Điều dưỡng thương binh Nghệ An, một thời gian sau ông Mậu xin chuyển về quê nhà để được gần gũi bên gia đình, người thân và bà con lối xóm.
Thương anh thương binh hiền lành, gia cảnh vất vả, một người trong họ đã mai mối cho cô gái xã bên là Đinh Thị Hiền, người xã Thanh Lĩnh. Cô gái ấy ít hơn ông Mậu 2 tuổi, khỏe mạnh, là con út trong gia đình có 3 chị em gái, bố là cán bộ địa phương.
Ban đầu, cô gái trẻ một mực từ chối vì lý do chưa hết quen biết, hơn nữa bạn bè khuyên bảo không nên gắn kết cuộc đời với một người thương binh nặng, bởi những gian nan, khổ cực đang đón chờ. Nhưng gia đình, nhất là người bố đã kiên trì khuyên bảo, rằng ông Mậu từng là người khỏe mạnh, khôi ngô tuấn tú, chiến đấu vì đất nước, nhân dân mới phải gánh chịu sự tàn bạo của kẻ thù.
“Mưa dầm thấm lâu”, cuối cùng cô gái Đinh Thị Hiền cũng thuận tình làm vợ anh thương binh nặng Nguyễn Xuân Mậu. Đám cưới được tổ chức vào năm 1980, lễ thành hôn người đến dự chật ních, ai cũng cầu mong đôi tân hôn có đủ nghị lực và sức mạnh để vượt qua thử thách phía trước.
Thương binh Nguyễn Xuân Mậu được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về công tác đền ơn đáp nghĩa. Ảnh: Công Kiên |
Như dự kiến ban đầu, sau ngày cưới là chặng đường gian nan, vất vả của bà Đinh Thị Hiền. Bởi chồng gần như không còn sức lao động, tiền phụ cấp thương tật còn ít ỏi, mẹ chồng già yếu, mù lòa, nhà cửa dột trên, nát dưới. Rồi liên tiếp sinh 3 đứa con (năm 1982, 1983 và 1985) cuộc sống vốn đã khó khăn càng thêm phần chật vật, thiếu thốn.
Bà Hiền suốt ngày quần quật với ruộng vườn, đồng bãi để kiếm từng bông lúa, bông ngô, củ khoai cho cả nhà. Rồi những đêm trái gió trở trời, ông Mậu đau nhức toàn thân, bà Hiền thức trắng đêm để xoa bóp cho chồng. Thương vợ tảo tần khó nhọc, ông Mậu dành thời gian chăm sóc, dạy bảo các con và phụ giúp vợ nuôi gà, vịt, trồng rau để cải thiện cuộc sống.
Các con dần khôn lớn, trưởng thành, gánh nặng đã vơi dần, nhất là nay 3 đứa con đều có gia đình riêng với 6 cháu nội, ngoại, kinh tế ngày càng ổn định. Bà Hiền chia sẻ: “Về làm vợ, sống cùng ông ấy, tôi mới bắt đầu có tình thương, rồi tình yêu lớn dần cùng những gian nan, vất vả. Chính điều đó đã giúp tôi có đủ sức mạnh để đi bên cạnh ông ấy trên chặng đường rất đỗi nhọc nhằn và thiếu thốn để có được cuộc sống hôm nay”.
Vợ chồng thương binh Nguyễn Xuân Mậu. Ảnh: Công Kiên |
Còn ông Mậu không ngần ngại khi tôn vinh vợ mình là “món quà” mà số phận đã ưu ái dành cho bản thân sau khi phải gánh chịu những đau thương, bất hạnh. “Nếu số phận không ban tặng cho tôi người vợ hiền như bà ấy, không biết cuộc đời tôi giờ sẽ thế nào. Có được cuộc sống gia đình hôm nay, công lớn là của bà ấy”, ông Mậu nói.
Ông Nguyễn Hoàng Hưng – Chủ tịch UBND xã Thanh Tiên cho biết: “Ông Nguyễn Xuân Mậu và các thành viên trong gia đình đều là những công dân tiêu biểu trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gương mẫu và hòa thuận với xóm làng. Nhờ đó, nhiều năm liền được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa, mới đây ông Mậu được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về công tác đền ơn đáp nghĩa”.