Nghi ngờ tiêu cực hay là cuộc khủng hoảng niềm tin?
Đối đầu trong bóng đá ở thể thức lượt đi, lượt về có lẽ là một trong những điểm hấp dẫn nhất của môn thể thao Vua. Nó mang nhiều ý nghĩa, từ sự rửa hận cho tới biến chuyển tình thế sau mỗi bàn thắng được ghi, từ tính bất ngờ cho tới thước đo thể hiện bản lĩnh cuộc chơi dài hơi của mỗi đội bóng. Và điểm hấp dẫn nhất chính là những cuộc lội ngược dòng của những kẻ tưởng như đã ‘đứt bóng đến nơi’ cho tới cú vấp ngã của những kẻ cứ ngỡ mình đã nắm chắc phần lấn lướt.
Tất cả những hấp dẫn ấy đã hội tụ trong trận lượt về giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Malaysia dù chất lượng chuyên môn của trận cầu đó chẳng hấp dẫn chút nào.
Lượt đi và lượt về, nó khiến chúng ta có thể hình dung rộng ra hơn về cái gọi là đầu vào và đầu ra. Trận lượt đi có thể là một đợt sát hạch đầu vào và trận lượt về chính là cuộc vượt vũ môn ở đầu ra đầy khốc liệt.
Dẫn trước 2-1 sau trận lượt đi là một lợi thế lớn nhưng đội tuyển Việt Nam đã không bảo đảm được thành quả
Đội tuyển Việt Nam đã có một kỳ thi sát hạch đầu vào tuyệt vời, như thể một cậu tú tài trở thành thủ khoa của một kỳ thi tuyển sinh đại học.
Nhưng sau đó đội tuyển của chúng ta lại không có được kết quả tốt nghiệp tốt nhất, hay nói đúng hơn là không thể tốt nghiệp đại học để cầm tấm bằng bước vào đời. Cậu tân sinh viên thủ khoa ngày nào, ngất ngây với cái danh hão của một khoảnh khắc đầu vào đã bỏ rơi điều quan trọng nhất: ‘Trang bị đủ bản lĩnh và kiến thức để tốt nghiệp đại học loại ưu’.
Và tất nhiên, cũng như những gia đình kỳ vọng nhiều vào đứa con thủ khoa của mình sau đó biến đổi thái độ sang thái cực đối diện hẳn khi nó không thể ra khỏi trường đại học mà bước vào đời, thái độ phổ biến của rất nhiều người trong số chúng ta đối với đội tuyển là ‘nghi ngờ họ đã bán độ’.
Tôi không muốn dùng từ tiêu cực mà thẳng thắn dùng từ bán độ, như cách nhiều người chúng ta đã thốt ra sau khi xem trận đấu đó. Tiêu cực chung chung lắm. Nhiều khi tâm lý không tốt, thi đấu uể oải dưới sức mình cũng là tiêu cực. Và tiêu cực không phải là một tội quy định trong bộ luật hình sự. Bán độ mới là tội trong quy chiếu của luật dưới cái tên ‘đánh bạc và tổ chức đánh bạc’. Thế nên, dùng từ tiêu cực nhiều khi trở thành cái gông vô hình quy chụp lên những cầu thủ mà mới đây thôi, ta tôn vinh họ như người hùng.
Nói thẳng ra, tôi không tin là đội tuyển Việt Nam có một vài thành viên nào đó bán độ ở trận bán kết lượt về AFF Suzuki Cup 2014. Như tôi từng nhiều lần bình luận trên sóng truyền hình rằng “Đã nghi ngờ thì đừng xem. Đã xem thì đừng nghi ngờ”. Tuy nhiên, tôi không có quyền ngăn cản người khác nghi ngờ bởi nhiều khi, nghi ngờ cũng là một trong những yếu tố cấu thành những phản biện. Mà xã hội dân chủ thì vô cùng cần những phản biện đa chiều.
Và tôi càng không đồng tình với ai phán xét ngay rằng họ đã bán độ. Đó là sự hạ thấp nhân phẩm một cách đầy ác ý. Chưa có phán quyến của cơ quan điều tra, của toà án thì người ta vẫn là một công dân đầy đủ mọi quyền lợi và nghĩa vụ chứ không phải là tội phạm.
Nhưng chắc hẳn, sẽ có bạn đọc thách thức quan điểm của tôi với luận cứ rằng “không bán độ thì tại sao thua 4 bàn dễ dàng đến thế?”.
Vâng, đúng, đội tuyển Việt Nam đã để thua 4 bàn một cách quá dễ dàng. Nhưng chúng ta đã bao giờ thử nghĩ một cách kỹ lưỡng rằng hàng thủ của đội tuyển Việt Nam ở kỳ AFF Cup này có chất lượng ở mức nào hay chưa?
Thực chất, hàng phòng ngự là mối lo lớn của đội tuyển Việt Nam hiện nay. Và chính hai chiến thắng trước Phillipines, Malaysia (lượt đi) đã khiến chúng ta quên đi rằng đội tuyển Việt Nam có một hàng thủ kém thế nào. Theo thống kê từ đầu AFF Suzuki Cup 2014 đến nay, đội tuyển Việt Nam chỉ duy nhất một lần không để thủng lưới (là trận gặp Lào). Còn trước các đối thủ mạnh, từ Indonesia đến Phillipines, Malaysia, chúng ta đều để thua và thậm chí còn để thua bàn sớm.
Ông Miura từng tâm sự rằng “khi mới sang Việt Nam, đi xem V-League, ông hơi lo lắng bởi không biết sẽ xây dựng một đội bóng ra sao khi không tìm thấy một trung phong giỏi nào. Nhưng đến khi tập trung đội tuyển, ông mới hoảng hốt hơn khi nhận ra rằng, các trung vệ giỏi càng hiếm hoi hơn”.
Hàng phòng ngự liên tiếp mắc sai lầm nhưng chưa thể khẳng định đó là bán độ. Ảnh: V.S.I
Ai cũng phải mắc sai lầm, thậm chí là các sai lầm ngu ngốc nhưng không thể vội vã quy chụp một sai lầm ngu ngốc là hành vi phạm pháp được. Đặc biệt là trong bóng đá, môn chơi mà tâm lý trên sân có thể biến chuyển nhanh chóng theo tình thế giữa mình và đối phương. Nhiều khi, sau một sai lầm xảy ra, con người ta càng mất tập trung, càng chơi càng rối, càng chơi càng cuống.
Và những sai lầm của hàng thủ đội tuyển Việt Nam ở Mỹ Đình lại càng dễ trở thành chuỗi sai lầm khi những khán giả đến sân đã trở lại đúng với tâm lý ‘phù thịnh chứ không phù suy’. Họ không phải là những ủng hộ viên nhiệt thành nữa mà đã thành những khán giả vãng lai thông thường, vui thì đến, chán thì đi. Đội tuyển Việt Nam có thể chơi tốt ở khảo sát đầu ra hay không, giữa một môi trường thay đổi chóng mặt như thế.
Xã hội nào thì bóng đá nấy. Một xã hội mà việc thi sát hạch đầu vào vẫn được coi trọng, bỏ mặc cho đầu ra muốn ra sao thì ra với đầy rẫy các tấm bằng đại học, thạc sỹ, tiến sỹ được mua bán một cách dễ dàng thì khó có thể có được một nền văn hoá, thể thao lành mạnh được.
Mọi tích cực đã được dồn hết cho đầu vào, dồn đến mức như vắt kiệt năng lương. Để rồi ở đầu ra, cuộc chơi thể hiện ngay bộ mặt thật của xã hội Việt Nam bây giờ. Đó là bộ mặt của những con người “Chẳng tin vào bất kỳ điều gì”.
Thực tế, thua ở bán kết của một giải đấu khu vực chẳng có gì ghê gớm như một bi kịch, hay một cuộc khủng hoảng cả. Nhưng nó đã thể hiện rõ ràng rằng ở Việt Nam, niềm tin đang khủng hoảng mạnh mẽ. Và giải pháp cho một vết thương bé tí teo ấy là gì? Là phải tìm ra rõ trách nhiệm thuộc về ai và người gánh trách nhiệm ấy cần phải làm gì để cải thiện tình hình, để nhìn xa trông rộng hơn thay vì cứ ngấp nghé ngó quanh khu vực Đông Nam Á này.
Trách nhiệm không thuộc về lực lượng an ninh, những người được mời vào điều tra một thứ nghi ngờ mơ hồ.
Trách nhiệm đầu tiên, thuộc về các cầu thủ. Họ đá không tốt, họ phải cải thiện nếu muốn ở lại với màu áo quốc gia.
Theo TTVH