Nghi Phong: Hiệu quả từ phát triển nghề mây tre đan xuất khẩu
(Baonghean) - Với những vùng đất cát bạc màu, sản xuất nông nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, nếu Nghi Lộc chỉ dựa vào canh tác thì cuộc sống người dân rất vất vả. Những năm gần đây, phát triển nghề mây tre đan xuất khẩu được xác định là hướng thoát nghèo của nhiều địa phương, đặc biệt ở Nghi Phong (Nghi Lộc).
Gia đình bà Hải (xóm Phong Cảnh) có hai sào đất nông nghiệp vốn chuyên trồng vừng. Là vùng đất cằn, hệ thống thủy lợi tiêu thoát nước còn nhiều hạn chế nên năng suất thường chỉ đạt mức 4-5 kg/sào, đời sống rất khó khăn. Từ khi có nghề mây tre đan, nếu làm chăm chỉ, ba lao động trong gia đình thường xuyên có thu nhập bình quân 50- 60 nghìn đồng/người/ngày.
Nghề mây tre đan giải quyết nhiều việc làm cho bà con ở Nghi Phong.
Phó chủ tịch UBND xã Nghi Phong - ông Nguyễn Trọng Hiếu cho biết: Do nghề mây tre đan là một nghề truyền thống của địa phương, nên Nghi Phong có lợi thế là có nhiều nghệ nhân rất giỏi nghề. Hàng năm, xã đều xây dựng kế hoạch đào tạo mới từ 1-2 lớp với 50-60 lao động, đồng thời tổ chức đào tạo lại và đào tạo nâng cao nhằm nâng cao số lượng và chất lượng của lao động, nhờ đó đến nay trên địa bàn xã đã có hơn 1.000 lao động thạo nghề và số làng nghề được UBND tỉnh công nhận đã lên đến 4 làng, trong đó có làng giấy gió xóm Phong Phú, đồng thời mở rộng thêm 5 làng có nghề để tiếp tục xây dựng làng nghề.
Nhờ phát triển nghề mây tre đan, đời sống nhân dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới. Năm 2001, giá trị sản xuất ngành nghề xây dựng chỉ chiếm dưới 10% trong tổng giá trị sản xuất thì đến năm 2010, con số đó đã là 30,6%, trong đó giá trị sản xuất từ các làng nghề và làng có nghề chiếm 30% trong ngành sản xuất CN, TTCN và xây dựng. Mỗi năm, các làng nghề của Nghi Phong sản xuất từ 50- 60 nghìn sản phẩm xuất khẩu, thu nhập bình quân từ 1,3- 1,5 triệu đồng/người/tháng, lao động lành nghề ở các doanh nghiệp đạt 1,5- 2 triệu đồng/người/tháng.
Những sản phẩm ngày càng tinh xảo, được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Việc xây dựng và phát triển làng nghề ngoài việc tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho bà con, tăng thu nhập cho người dân và xã hội, còn từng bước tạo việc làm cho người dân với phương châm “ly nông bất ly hương”. Cơ sở vật chất phục vụ đời sống kinh tế, văn hóa cũng ngày càng được đầu tư xây dựng khang trang hơn. Những năm qua, từ nguồn vốn đầu tư của nhà nước và sự huy động sức dân, Nghi Phong đã xây dựng được thêm hai tuyến đường giao thông đi qua các làng nghề, đưa tổng số chiều dài đường nhựa nông thôn của xã lên gần 30 km. Ngoài ra, xã xây dựng thêm trạm biến áp và hệ thống điện hạ thế tại làng nghề, phục vụ sản xuất, sinh hoạt của bà con nhân dân trong xã./.
Phú Hương