Nghĩ từ bài thơ "Tâm sự đảng viên"

03/02/2013 17:04

(Baonghean) - Cách đây đúng nửa thế kỷ (năm 1963), nhà thơ Việt Phương làm bài thơ "Tâm sự đảng viên" (in trong tập Cửa mở - NXB Văn học, 1970) có 4 câu như sau:

Cứ đêm đêm, ta lại xét kết nạp ta vào Đảng,
Thời gian nâng đòi hỏi mãi cao thêm.
Đến trọn đời, từng giờ là cộng sản,
Những nỗi đau ta cũng sáng búa liềm.

Nửa thế kỷ trôi qua, hoàn cảnh xã hội cũng như đời sống văn học đã có nhiều đổi mới, nhưng ai thực sự có tấm lòng với Đảng khi đọc bài thơ này đều rất cảm động. Bằng 4 câu thơ giản dị tuy hình tượng thơ có phần đơn giản, nhưng nhà thơ đã thể hiện rất chân thật nỗi niềm của một người cộng sản chân chính. Tâm sự của một đảng viên thốt lên tự đáy lòng: "Cứ đêm đêm, ta lại xét kết nạp ta vào Đảng". Đời người cộng sản chỉ được xét kết nạp Đảng một lần, để rồi suốt đời vinh dự làm đảng viên nếu không vi phạm kỷ luật của Đảng. Tại sao nhà thơ cứ phải đêm đêm "lại xét kết nạp ta vào Đảng"? Từ đáy lòng chân thật, nhà thơ muốn soát xét lại một ngày qua mình đã sống và làm việc như thế nào, có điều gì chưa xứng đáng với Đảng, có còn đủ tư cách làm người đảng viên. Đêm đêm tự xét kết nạp mình vào Đảng là để nhắc nhở mình từng ngày phải rèn luyện phấn đấu để làm tròn trách nhiệm với Đảng. Nhà thơ hiểu rằng, khi đã đứng trong hàng ngũ của Đảng thì con đường phấn đấu cho lý tưởng cách mạng không có điểm dừng và yêu cầu ngày càng cao hơn: "Thời gian nâng đòi hỏi mãi cao thêm". Để rồi tự đáy lòng, nhà thơ lại thốt lên:"Đến trọn đời, từng giờ là cộng sản". Phút giây thiêng được đứng trong hàng ngũ của Đảng, ai cũng giơ tay thề suốt đời phấn đấu hy sinh cho lý tưởng cách mạng. Dẫu trọn cuộc đời hy sinh cho Đảng thì vẫn không tránh khỏi có những tháng, những ngày do cuộc sống riêng tư mà sao nhãng lý tưởng. Bởi vậy, làm người cộng sản đến trọn đời đã khó, làm người cộng sản đến từng giờ lại càng khó hơn. Người đảng viên giác ngộ lý tưởng, cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng thì đến nỗi đau cũng thuộc về Đảng: "Những nỗi đau ta cũng sáng búa liềm". Trong nỗi đau của bao người cộng sản, từng sáng lên ánh sáng lý tưởng từ lá cờ đỏ búa liềm rực rỡ. Đó là nỗi đau của những chiến sỹ cộng sản trong tù bị địch tra tấn dã man, đến chết vẫn không hé răng để giữ bí mật cho đồng chí mình hoạt động. Đó là nỗi đau của những người cộng sản khi ngã xuống trước họng súng quân thù vẫn tin tưởng vào ngày mai chiến thắng. Đó còn là nỗi đau của người cộng sản trước những mất mát lớn lao của toàn dân tộc. 6 năm sau kể từ ngày viết bài thơ "Tâm sự đảng viên", nhà thơ Việt Phương lại có dịp viết về nỗi đau của người cộng sản. Đó là vào năm 1969, Bác Hồ của chúng ta đi vào cõi vĩnh hằng để lại cho toàn Đảng, toàn dân một nỗi đau tột cùng, một mất mát lớn lao không gì bù đắp được. Trong giờ phút đau thương ấy, nhà thơ đã viết bài thơ "Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương" (đã in trong tập Cửa mở) là bài thơ cảm động trong hàng nghìn bài thơ vĩnh biệt Bác Hồ. Trong thời khắc lịch sử ấy, nhà thơ như nghẹn ngào nấc lên khi gọi Bác Hồ là "đồng chí":

Sau bao năm đồng chí với Người, con gọi Người: Đồng chí
Là khi con vĩnh biệt Người, Đồng chí, Bác Hồ ơi!

Phút đau thương vĩnh biệt Bác Hồ, từ nỗi đau tận cùng đã thốt lên hai tiếng "đồng chí" rất đỗi thiêng liêng đối với những người cộng sản. Là Thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Tổng Bí thư Lê Duẩn nên nhà thơ Việt Phương được gần gũi làm việc với Bác Hồ, được Bác chỉ bảo ân cần. Bởi vậy, trong bài thơ vĩnh biệt Bác Hồ, nhà thơ nhắc lại kỷ niệm Bác uốn nắn cách dùng từ để nói lên tính nhân văn cao cả của người cộng sản:

Bác không bằng lòng gọi trận đánh chết nhiều người là "đánh đẹp"
Con xóa chữ "đẹp" đi như xóa sự cạn hẹp trong lòng con
Thêm hiểu lòng Người đối với quân thù như sắt thép
Mà tình thương mênh mông ôm hết mọi linh hồn

"Tâm sự đảng viên" ra đời cách đây nửa thế kỷ, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Đây là tiếng lòng chung thủy của một người cộng sản chân chính gửi cho nhiều thế hệ để nhắc nhở về sự rèn luyện tu dưỡng hàng ngày của mỗi đảng viên. Từ tiếng lòng thủy chung ấy, chúng ta hãy suy nghĩ về sự tu dưỡng phấn đấu của đảng viên hôm nay. Trước thực trạng "một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống" chúng ta thử đặt câu hỏi: Có bao nhiêu đảng viên đêm đêm tự xét kết nạp mình vào Đảng? Có bao nhiêu đảng viên biết yêu cầu của Đảng là "mãi cao thêm"? Có bao nhiêu đảng viên biết sống "đến trọn đời từng giờ là cộng sản"? Kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đảng quang vinh, đọc lại bài thơ "Tâm sự đảng viên", thấy có bao điều để chúng ta suy ngẫm!


Trần Hồng Cơ

Mới nhất
x
Nghĩ từ bài thơ "Tâm sự đảng viên"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO