Nghĩ về câu 'Nghệ An – Xô Viết vẫn là Nghệ An'

12/09/2017 11:24

(Baonghean.vn)- Mỗi lần đi ra tỉnh khác, nghe tiếng nói trọ trẹ, hỏi người ở đâu, nói "em ở Nghệ An" là kiểu gì cũng nhận được câu trả lời: "À, quê Bác", hoặc "À, Nghệ An - Xô Viết".

Như vậy, Bác Hồ và Xô Viết như là đặc điểm riêng trên "chứng minh nhân dân", trên "thẻ căn cước" để nhận dạng Nghệ An (dù rằng Xô Viết Nghệ - Tĩnh diễn ra cả ở Nghệ An và Hà Tĩnh, và dĩ nhiên, Bác Hồ còn là đại diện của dân tộc, là hình ảnh biểu tượng cao đẹp của người Việt Nam).

Bên cạnh đó, nếu ở mức thân quen hơn, còn có thể được "tặng" thêm một câu: "Nghệ An - Xô Viết vẫn là Nghệ An". Câu này có xuất xứ là ca từ trong bài hát Tiếng hò trên đất Nghệ An của nhạc sĩ Tân Huyền, được sáng tác sau chuyến ông đi thực tế Nghệ An do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức năm 1964, bài hát quen thuộc đến mức có thể coi là "Tỉnh ca", và nền nhạc của bài này cũng được lấy làm nhạc hiệu của đài tỉnh, đương nhiên bài hát này cũng được nhà đài trung ương đưa vào chương trình Những bài ca đi cùng năm tháng.

Sông Lam đoạn chảy qua làng Khả Lãm, xã Nam Thượng (Nam Đàn). Ảnh: Công Khang
Sông Lam đoạn chảy qua làng Khả Lãm, xã Nam Thượng (Nam Đàn). Ảnh tư liệu

Với người Nghệ An, quả thực bài ca đó đã đi cùng năm tháng, còn câu ca "Nghệ An - Xô Viết vẫn là Nghệ An" thì hình như đã đi lạc ra ngoài đời sống, đã “xuất ngoại” và tồn tại khá riêng rẽ và độc lập như một thành ngữ, quán ngữ, với khá nhiều hàm ý, hàm nghĩa, nói thẳng ra là có ý khen và có ý chê.

Mạo muội diễn giải rằng ý khen ở đây là khen người Nghệ An dù qua bao thăng trầm, bao dâu bể, bao biến thiên của đời sống và lịch sử, vẫn giữ được cốt cách, phẩm chất kiên trung, thẳng thắn, tinh thần sẵn sàng xả thân và dám chịu trách nhiệm đến cùng. Kể cả khi chuyển từ thời chiến sang thời bình, từ thời bao cấp sang kinh tế thị trường, thiên hạ người ta chạy theo lợi nhuận, sống theo lợi ích, thiên về thụ hưởng, thì người Nghệ An vẫn cứ trọng tình, trọng nghĩa, trọng người có trách nhiệm, thủy chung sau trước…

Còn ý chê, hay là ý trào lộng, có lẽ muốn nói đến sự bảo thủ, chậm thay đổi, khả năng thích nghi kém! Chung là vậy, còn trong từng trường hợp sử dụng câu nói cụ thể thì có thể còn có nhiều dụng ý sâu xa khác.

Có lần ra Hà Nội, tôi được gặp nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ khi ông đi thăm một người mà tôi cũng có quen biết. Được nghe các ca khúc nổi tiếng của ông như “Xa khơi”, “Mơ quê”, “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó”…, nay mới được gặp người thật của ông ngoài đời, tôi bày tỏ sự mến mộ và tự hào vì mẹ tôi cùng quê Thanh Văn (Thanh Chương) với nhạc sĩ, và cảm thấy ngạc nhiên khi nhạc sĩ nổi tiếng như ông mà lại rất giản dị, bình dị. Ông nói, mình đi khắp nơi, sống ở Hà Nội, nhưng vẫn thế, “Nghệ An Xô Viết vẫn là Nghệ An” thôi cháu ơi!

Một lần khác, tôi được “hóng chuyện” các bác đồng hương người Nghệ An, là lãnh đạo cấp bộ. Một bác hỏi, “kỳ tới công việc có gì thay đổi không?” (chắc là muốn hỏi có lên chức, phát triển gì thêm không). Bác kia đáp, "vẫn thế thôi, sức mình chỉ đến vậy, hơn nữa, Nghệ An –Xô Viết vẫn là Nghệ An thôi ông ơi”. Nói rồi hai ông cùng cười, tỏ ra tâm đắc với điều vừa nói.

Như vậy, cái hay của câu "Nghệ An - Xô Viết vẫn là Nghệ An" là dù có ý chê, nhưng không chỉ người tỉnh khác, nơi khác, “chê” người Nghệ An, mà ngay cả người Nghệ An khi đi xa, đi ra, quay lại nói về chính người Nghệ An, thậm chí nói về chính mình, vẫn cứ thỉnh thoảng thuận mồm "Nghệ An - Xô Viết vẫn là Nghệ An”! Đó là lối tự trào không dễ gì có được.

Phải đến một độ nào đó, về bản lĩnh, về trí tuệ, về khả năng nhận thức và tự nhận thức, mới có lối tự trào như vậy. Có thể hiểu là người tự trào đã tự nhận ra hạn chế, nhận ra giới hạn của mình, nhất là khi chưa hoặc không đạt được điều gì đó.

Trong xu thế phát triển hiện nay, các tỉnh, các địa phương ở xa trung tâm kinh tế - chính trị, xa các cực tăng trưởng, luôn đứng trước áp lực phải nhận diện hạn chế để thay đổi, áp lực phải chỉ ra được những khuyết điểm, yếu kém, những mặt tiêu cực, để đẩy lùi, khắc phục. Trong đó, khó thay đổi nhất vẫn thường là những khuyết điểm xuất phát từ mặt trái trong những nét tính cách đặc trưng của địa phương. Trong xu thế này, Nghệ An chắc hẳn không phải là ngoại lệ.

Do đó, khi người ngoài tỉnh nói với người Nghệ An hay chính người Nghệ An nói với nhau rằng “Nghệ An – Xô Viết vẫn là Nghệ An”, thì còn có thể hiểu là câu nói này được nói với động cơ tốt, với mục đích xây dựng. Rằng phải thẳng thắn thừa nhận những hạn chế của mình để mà khắc phục, mà thay đổi, cũng phải “ăn ở theo thuở theo thời”, phải biết mình biết ta, trong nhiều trạng huống không phải cứ nhất nhất khư khư bảo thủ, cứ theo lề lối địa phương, nghĩ sao làm vậy, mà phải “ở bầu thì tròn ở ống thì dài”.

Trong thời hội nhập, giữ bản sắc là cần thiết, nhưng luôn phải đáp ứng các yêu cầu của hội nhập và phát triển. Phải sòng phẳng, bình đẳng trên một “thế giới phẳng”. Chứ không thể tự cho mình thuộc diện ưu tiên và được cộng điểm ưu tiên, cũng không thể để những sơ suất thiếu sót sơ đẳng như cậu học trò ứng thí dính phải “điểm liệt”, để đến mức phải “xôi hỏng bỏng không”.

Tôi từng nghe một số người có uy tín kể rằng trong quá khứ có những thời kỳ có một số người “mắc” phải tính “công thần”, luôn nghĩ rằng Nghệ An là tỉnh lớn, là quê hương của vĩ nhân và nhiều danh nhân, nghiễm nhiên các tỉnh khác phải coi trọng, thậm chí các bộ ngành trung ương “phải quan tâm”. Đây chính là một trong những biểu hiện của lực cản đến từ nhận thức sai lệch.

May rằng, đó chỉ là “chuyện đời trước”, được những người cao tuổi kể lại cho vui và cũng có thể coi như là ngụ ý nhắc nhở sâu xa. Giai đoạn gần đây, vị thế Nghệ An đã thay đổi, hình ảnh Nghệ An cũng cải thiện đáng kể, có được điều này là sự nỗ lực của toàn Đảng bộ và toàn dân, nhưng không thể phủ nhận sự đóng góp quan trọng trong sự thay đổi tư duy của đội ngũ lãnh đạo tỉnh.

Thời gian càng ngày càng làm cho sự kiện Xô Viết – Nghệ Tĩnh – đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930-1931 được nhìn nhận với tầm vóc lịch sử to lớn và vĩ đại. Ánh sáng của Xô Viết Nghệ Tĩnh soi sáng trong mọi chặng đường phát triển của Nghệ An và cách mạng Việt Nam. Trong đó, nói đến Xô Viết – Nghệ Tĩnh là nói đến tinh thần quật khởi, nói đến sức mạnh vô địch của nhân dân khi có đường lối lãnh đạo đúng đắn và phương pháp lãnh đạo phù hợp.

Đó cũng là bài học luôn nóng hổi và có tính thời sự. Ai mà chẳng mong người Nghệ An phát huy được tinh thần quật khởi, quật cường trong lao động, học tập, sản xuất, kinh doanh, để xây dựng quê hương thực sự giàu đẹp, để “Nghệ An Xô Viết vẫn là Nghệ An” chỉ được nói đến với hàm ý khen ngợi, phải không?

Ngô Kiên

TIN LIÊN QUAN

Nghĩ về câu 'Nghệ An – Xô Viết vẫn là Nghệ An'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO