Nghi Xá: Chuyển đổi nghề cho nông dân sau thu hồi đất
(Baonghean) - Hơn 10 năm thực hiện công tác bồi thường giải phóng mắt bằng đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Nam Cấm, nhân dân xã Nghi Xá (Nghi Lộc) đã bàn giao lại cho Nhà nước 200 ha đất sản xuất nông nghiệp. Vấn đề giải quyết việc làm cho nông dân sau thu hồi đất được quan tâm… Theo đó, Đảng ủy xã Nghi Xá đã ra Nghị quyết chuyên đề về công tác đào tạo nghề giải quyết việc làm cho nông dân bị thu hồi đất; UBND xã có kế hoạch liên hệ với các công ty để giới thiệu cung cấp nguồn nhân lực. Mỗi khi có nhà máy mới xây dựng và đi vào hoạt động, UBND xã Nghi Xá trực tiếp gặp chủ công ty vận động họ tuyển dụng lao động là con em địa phương.
Đến nay, toàn xã Nghi Xá có gần 500 lao động trẻ có việc làm thường xuyên, ổn định tại các nhà máy ở Khu công nghiệp Nam Cấm với thu nhập từ 3,5 đến 5,5 triệu đồng/người/tháng. Đối với các lao động nhiều tuổi, không đủ điều kiện vào làm việc tại các nhà máy, xã có định hướng cho họ tham gia thành lập các tổ như: xây dựng, cơ khí hoặc tạo điều kiện để họ tiếp cận với các nguồn vốn vay ủy thác, mở các ngành, nghề dịch vụ, buôn bán nhỏ. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhu cầu nhà trọ cho công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Nam Cấm tăng nhanh, nhân dân các xóm 8, 9, 11 tiếp giáp với khu công nghiệp đã đầu tư xây dựng phòng trọ cho thuê và các dịch vụ khác phục vụ công nhân. Hiện trên địa bàn xã có 300 hộ triển khai mô hình này, cho thu nhập khá ổn định. Chị Nguyễn Thị Hoa ở xóm 9, xã Nghi Xá chia sẻ: "Ở gần khu công nghiệp, nên gia đình tôi đã sử dụng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng và vay mượn thêm để xây 10 phòng trọ. Nay thu nhập mỗi tháng trên dưới 10 triệu đồng, thu nhập ổn định và cao hơn nhiều so với làm ruộng trước đây".
Với nỗ lực chuyển đổi nghề cho nông dân sau thu hồi đất, đến nay, 1.800 lao động ở xã Nghi Xá có việc làm ổn định tại các nhà máy, tại hộ gia đình, ở các vùng, miền trong và ngoài tỉnh, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xuất phát là xã thuần nông, nay sản xuất nông nghiệp chỉ còn dưới 30%; Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng lên 34%, dịch vụ, thương mại chiếm trên 36%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5%, đạt tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn ổn định; các tệ nạn xã hội giảm nhiều so với trước.
Trong điều kiện thiếu đất sản xuất nông nghiệp, cấp ủy, chính quyền xã Nghi Xá chủ trương tiếp tục khai thác lợi thế của địa phương, vận động người dân chuyển đổi nghề phù hợp điều kiện hoàn cảnh từng người. Phấn đấu thời gian tới, có trên 1.000 lao động độ tuổi còn trẻ trên địa bàn được vào làm việc tại các công ty, nhà máy; số khác tìm việc làm phù hợp trong và ngoài địa phương, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Nhật Tuấn
Đài TT-TH Nghi Lộc