Nghĩa tình làng quê biển với đồng chí Cay-xỏn Phômvihản
Xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu, Nghệ An) là một làng quê biển bình thường như bao làng biển khác, cũng từng trải qua những năm tháng ác liệt của chiến tranh, cũng kiên cường, bền gan chống giặc, giữ từng con lạch, từng rặng phi lao, từng bãi cát… Nhưng trong khoảng thời gian kháng chiến chống Pháp, người dân nơi đây lại may mắn có được những kỷ niệm đẹp đẽ, quý giá về vị lãnh tụ cao nhất của Đảng và nhân dân nước bạn Lào – đồng chí Cay-xỏn Phômvihản. Vào năm 1952, đồng chí Cay-xỏn đã về làng Phú Sơn (Tiến Thủy ngày nay) nghỉ dưỡng bệnh và sống trong sự yêu thương, bảo vệ, chăm sóc tận tình của nhân dân làng biển.
(Baonghean) Xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu, Nghệ An) là một làng quê biển bình thường như bao làng biển khác, cũng từng trải qua những năm tháng ác liệt của chiến tranh, cũng kiên cường, bền gan chống giặc, giữ từng con lạch, từng rặng phi lao, từng bãi cát… Nhưng trong khoảng thời gian kháng chiến chống Pháp, người dân nơi đây lại may mắn có được những kỷ niệm đẹp đẽ, quý giá về vị lãnh tụ cao nhất của Đảng và nhân dân nước bạn Lào – đồng chí Cay-xỏn Phômvihản. Vào năm 1952, đồng chí Cay-xỏn đã về làng Phú Sơn (Tiến Thủy ngày nay) nghỉ dưỡng bệnh và sống trong sự yêu thương, bảo vệ, chăm sóc tận tình của nhân dân làng biển.
Đó là những kỷ niệm đặc biệt và hiếm có đối với một vùng quê biển. Cho đến bây giờ, đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày đồng chí Cay-xỏn Phômvihản - vị lãnh tụ cao nhất của Đảng nhân dân Cách mạng Lào về Tiến Thủy, vùng quê ngày ấy đã nhiều thay đổi, trù phú hơn, phát triển hơn với tàu thuyền đánh cá nhộn nhịp. Thế nhưng, những kỷ niệm về đồng chí Cayxỏn vẫn luôn được lưu giữ như một phần truyền thống đáng quý của làng.
Khi được hỏi về chuyện trước kia từng có vị lãnh tụ của Đảng nhân dân Cách mạng Lào về đây dưỡng bệnh, dân làng ai cũng biết, nhưng sợ rằng những gì mình nói còn ít quá, chưa đầy đủ, họ chỉ vào nhà ông Chính: “Cô cứ vào đấy mà hỏi, chỉ có ông là biết rõ nhất chuyện ông Cay-xỏn, chuyện… Lào, chúng tôi không biết bằng ông ấy đâu”!
Thì ra, người thông thạo chuyện Lào nhất làng đó là ông Bùi Công Chính (86 tuổi) - Chi hội trưởng Hội Hữu nghị Việt – Lào ở xã Tiến Thủy. Ông Chính cho biết: “Thật tiếc là những người ngày xưa từng được gặp và nói chuyện với đồng chí Cay-xỏn, những người để đồng chí sống trong nhà mình, cưu mang, chăm sóc nay đều đã mất cả. Thế nên tôi chỉ có thể kể lại những gì tôi đã được nghe, gom nhặt đem ghi chép, và lưu giữ lại thôi”.
Ông Bùi Công Chính (trái) giới thiệu chiếc ghế đồng chí Cay-xỏn Phômvihản thường dùng.
Theo lời ông Chính kể lại, Tiến Thủy (tên cổ là làng Hàu, Phú Nghĩa, Phú Sơn) là nơi núi sông hữu tình, có bãi biển, có cửa lạch, sông Mai Giang uốn khúc, ngọn núi Rồng hùng vĩ. Thời kỳ chống Pháp cũng như nhiều địa phương khác của Thanh - Nghệ - Tĩnh, nơi đây là hậu phương vững chắc của các mặt trận Bình Trị Thiên, Bắc Bộ và cả nước bạn Lào. Thế nhưng, việc vị lãnh tụ kính mến của nhân dân Lào về đây dưỡng bệnh lại bắt nguồn từ một mối thâm tình giữa 2 vị lãnh đạo, hai người đồng chí, người anh em: đồng chí Cayxỏn Phoomvihản và đồng chí Hồ Hữu Lợi.
Đồng chí Hồ Hữu Lợi là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An được điều sang công tác miền Tây giúp bạn Lào. Năm 1952, đang là chính ủy Bộ Tư lệnh Quân sự Tây Lào, đồng chí Lợi đã có dịp làm việc với đồng chí Cay-xỏn. Vợ đồng chí Lợi là Hồ Thị Hoàng Én cũng được điều sang giúp bạn, và đã giúp đỡ vợ đồng chí Cay-xỏn là bí thư Đoàn thanh niên Lào trong công tác. Quan hệ hai gia đình từ trong nhiệm vụ công tác dần dần trở nên rất thân thiết. Khi đồng chí Cay-xỏn báo tin được Đảng và Chính phủ ta mời sang Việt Nam nghỉ an dưỡng, vợ chồng đồng chí Lợi mời đồng chí Cay-xỏn sang nghỉ ở nhà mình, thăm quê hương Quỳnh Lưu. Lời mời chân thành ấy đã được đồng chí Cay-xỏn đón nhận.
Ngôi nhà đồng chí Cay-xỏn từng ở năm 1952.
Đồng chí Hồ Hữu Lợi đưa đồng chí Cay-xỏn cùng hai người của bạn, một người làm bảo vệ, một người cần vụ về ở nhà người chú mình là Hồ Cầu, vốn là đảng viên Đảng Cộng sản từ những năm 1930-1931. Nhà ông Hồ Cầu ở Tiến Thủy, nhà cửa rộng rãi, kín đáo, sát biển, một thời gian sau đó thì chuyển đến ở nhà bà Trương Thị Yến. Dù là một chuyến đi nghỉ dưỡng bệnh, nhưng đồng chí Cay-xỏn là người có vị trí đặc biệt quan trọng nên trong thời gian lưu lại ở nơi đây, đồng chí Hồ Hữu Lợi đã nhờ chị dâu giúp thêm việc nấu nướng, canh gác, liên lạc. Dân địa phương chỉ biết có 3 cán bộ trên về nghỉ, 2 người ít nói vì không thạo tiếng Việt, còn 1 người vui tính hay chuyện trò với mọi người. Dù thế, họ đã đón nhận 3 cán bộ ấy như những người con xa quê trở về, với tất cả những thương yêu, chở che, đùm bọc. Người dân đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm với 3 cán bộ ở trên về ấy bằng sự chân thành, tự nhiên như bản chất của người miền biển.
Ông Chính dẫn tôi sang thăm nhà bà Trương Thị Yến. Người già nhất còn sống trong ngôi nhà là cháu dâu của bà Yến, ngày đồng chí Cay-xỏn về đây ở bà vẫn còn chưa về làm dâu. Trong nhà vẫn còn giữ nguyên chiếc ghế ngày xưa đồng chí Cay-xỏn vẫn ngồi để làm việc và trò chuyện với mọi người. Ngày về đây, sống trong ngôi nhà này, đồng chí Cay-xỏn thích hỏi han, trò chuyện với mọi người, chia sẻ tình cảm với người lao động, say mê xem cảnh ngư dân chài lưới, làm nước mắm, phụ nữ dệt vải, thợ đóng thuyền… Đồng chí đã từng lên ngồi khung thử dệt vải, thử cùng kéo lưới với ngư dân, có lần đồng chí còn tha thiết xin theo thuyền ra khơi, nhưng người dân không ai dám cho đi cả.
Chủ nhà là ở đây là người hiểu biết nhiều, là Đảng viên từ những năm Đảng Cộng sản Việt Nam sơ khai ra đời, nên trò chuyện với đồng chí Cay-xỏn rất tâm đắc.
Đồng chí rất quan tâm tìm hiểu kinh nghiệm tổ chức dân quân, bố phòng, kinh nghiệm cuộc chiến đấu chống càn của giặc Pháp cách đó 2 năm mà quân dân ở đây cùng nhiều xã của huyện Quỳnh Lưu đã chiến đấu rất cũng cảm.
Những đêm trăng sáng, đồng chí cùng nắm tay các em hát múa, dạy các em múa lăm vông, như những người bạn, người anh em thân thiết… Bài hát mà đồng chí Cay-xỏn dạy cho các em mang tên “Kháng chiến” đã được Chi hội Hữu nghị Việt – Lào ở Tiến Thủy hát lại tại ngày vui tết Bun Pi May năm 2009, tiếng hát vang lên khiến các vị lãnh đạo người Lào cùng những bạn sinh viên Lào có mặt hôm ấy vô cùng xúc động.
Những người già trong làng còn nhắc đến những câu chuyện về tác phong ăn uống, sinh hoạt rất giản dị của đồng chí Cay-xỏn mà ngày trước ông bà, bố mẹ đã kể cho nghe. Đồng chí rất thích ăn các món địa phương, nhất là cá tươi luộc, nấu dấm, cá nướng… Dù khác lạ về khẩu vị, cách nấu, nhưng đồng chí không hề đòi hỏi gì, vẫn ăn uống như một người trong nhà và đặc biệt, rất thích vị đặm đà, mùi hương mặn mòi của nước mắm Phú Sơn. Gia đình biết thế nên khi chia tay đã dành tặng mấy chai nước mắm cốt khiến đồng chí rất cảm động.
Suốt khoảng thời gian gần 1 tháng ở lại làng biển Tiến Thủy, đồng chí Cay-xỏn Phômvihản đã có những phút giây được nghỉ ngơi, cùng sống vui vẻ, chan hòa, và để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân. Khi sức khỏe đã bình phục, cuộc kháng chiến chống Pháp còn nhiều nhiệm vụ cần phải giải quyết, đồng chí chia tay dân làng, trở lại với công việc của mình. Mãi về sau, người dân Tiến Thủy xem báo, nghe đài mới ngỡ ngàng nhận ra, cái người tính tình dễ mến đã về nghỉ làng mình năm xưa ấy chính là đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và nhân dân nước bạn Lào…
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, xã Tiến Thủy đã có hàng nghìn người con tham gia tình nguyện giúp nước bạn Lào, từ trực tiếp tham gia chiến đấu, dân công hỏa tuyến, hậu phương… Cố Chủ tịch nước CHDCND Lào Nuhắc Phômxavắc những ngày còn hoạt động cách mạng cũng từng được ông Tạ Quang Châu là người Tiến Thủy cứu giúp và nhận làm con nuôi.
Hồ Lài