Nghiêm túc kiểm điểm, tự kiểm điểm trong Đảng
Tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tiến hành kiểm điểm trong 4 ngày; Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm điểm tự phê bình và phê bình cá nhân trong 12 ngày.
Ngày 13/8, tại Hà Nội, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc hướng dẫn việc tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị. Hội nghị này được tổ chức nhằm chuẩn bị triển khai kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị cán bộ toàn quốc
Tại Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nêu bật những nội dung và công việc đã làm trong công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư với các nội dung: tổ chức Bộ phận Thường trực ở Trung ương chỉ đạo thực hiện Nghị quyết do Tổng Bí thư đứng đầu và Tổ giúp việc Bộ phận Thường trực; tổ chức lấy ý kiến góp ý để chuẩn bị kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư; chuẩn bị Báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tự kiểm điểm cá nhân của các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các tài liệu phục vụ kiểm điểm được chuẩn bị kỹ lưỡng với khối lượng rất lớn.
Tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tiến hành kiểm điểm trong 4 ngày; Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm điểm tự phê bình và phê bình cá nhân trong 12 ngày. Qua kiểm điểm đã làm rõ hơn, sâu hơn ưu điểm, khuyết điểm và hạn chế của tập thể và các cá nhân trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng như trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các vụ việc ở Vinashin, Vinalines; về thiếu sót, khuyết điểm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XI và công tác cán bộ; về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; về một số dư luận bức xúc liên quan đến cá nhân, gia đình, vợ con…
Kiểm điểm Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực sự là một cuộc sinh hoạt chính trị, trong quá trình chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thực sự cầu thị, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý của các tổ chức đảng, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Có những sự việc kết luận được thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định ngay; có những việc cần phải có thời gian để kiểm tra, xác minh thì giao cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng làm rõ…
Toàn cảnh Hội nghị cán bộ toàn quốc
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ ý nghĩa đặc biệt quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số nội dung cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó có việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình là bước đầu, "chúng ta sẽ vừa làm, vừa rút kinh nghiệm". Đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức đảng vào kiểm điểm của tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng đây là một việc làm mới, chưa từng có, là một kênh tham khảo quan trọng. Các ý kiến phát biểu tại kiểm điểm rất sâu sắc. Trong quá trình kiểm điểm, tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có phần giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp. Có những kiểm điểm được viết lại 3 lần- 4 lần, thể hiện tinh thần nghiêm túc, tự giác và đặc biệt là việc tự điều chỉnh của từng cá nhân đồng chí. Đây là những tài liệu quý cho công tác xây dựng Đảng không chỉ khóa này mà còn cả các khóa sau.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ lần này kiểm điểm tập thể làm cơ sở cho kiểm điểm cá nhân và kiểm điểm cá nhân lại đặt trong mối quan hệ kiểm điểm tập thể, sau kiểm điểm cá nhân lại quay lại kiểm điểm tập thể để bổ sung cho kiểm điểm tập thể. Sau kiểm điểm sẽ phải có kết luận rõ ràng bằng văn bản với từng cá nhân, từng tập thể. Tổng Bí thư cũng nêu những kinh nghiệm trong điều hành, chỉ đạo thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở Trung ương trong đó có việc thành lập Bộ phận Thường trực, Tổ giúp việc, làm việc đúng quy chế, giữ nghiêm kỷ luật. Trong điều hành tạo không khí dân chủ, cởi mở, thẳng thắn tin cập nhau, tập trung vào những vấn đề mấu chốt từ đó thảo luận để có được kết luận.
Tổng Bí thư cũng nhắc nhở việc cần kết hợp tự phê bình và phê bình với việc sửa chữa ngay những khuyết điểm, thực hiện ngay những kết luận nếu đã chín muồi. Đồng thời vẫn phải đảm bảo lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những công tác thường xuyên, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị; không để kẻ xấu, các thế lực thù địch lợi dụng gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ Đảng.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và các Nghị quyết của Đảng nói chung, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình nói riêng là công việc rất thiêng liêng, hệ trọng, đòi hỏi quyết tâm rất cao, niềm tin vào thắng lợi và có biện pháp chỉ đạo chặt chẽ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng việc thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong Đảng sẽ thành công, làm tăng thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, Nhà nước./.
Theo (VOV) - L.T