Nghiêm túc thực hiện “5 không” trong phòng chống dịch cúm gia cầm
(Baonghean) - Hiện nay, Nghệ An còn 8 ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày tại 3 huyện là Quỳnh Lưu, Nghi Lộc và TP Vinh. Theo cảnh báo của cơ quan thú y, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, và hiện đang là thời điểm dịch dễ bùng phát thành các điểm tập trung do điều kiện về thời tiết.
Từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại Yên Thành, Diễn Châu và hiện tại, ngoài “điểm nóng” Quỳnh Lưu, dịch cũng đã xảy ra tại Nghi Lộc, Hưng Nguyên và TP Vinh. Tổng số gia cầm mắc bệnh buộc phải tiêu hủy đã lên đến trên 18 nghìn con, trong đó, trên 15 nghìn con vịt, hơn 2 nghìn con gà, còn lại là ngan. Theo nhận định của ngành Thú y, dịch xảy ra do nhiều nguyên nhân. Tập quán nuôi gối đàn tại các hộ gia đình, không có thời gian nghỉ giữa các đợt nuôi làm cho chuồng trại, bãi chăn thả luôn tồn tại mầm bệnh. Trong khi đó, theo kết quả giám sát của cơ quan Thú y vùng III, tỷ lệ mang trùng ở vịt lên tới 8,15%, nghĩa là 100 con vịt thì có tới trên 8 con mang sẵn mầm bệnh, chỉ chờ gặp điều kiện thuận lợi như thời tiết diễn biến phức tạp, sức đề kháng của gia cầm giảm là bùng phát. Số lượng gia cầm trên một đàn lớn (chủ yếu trên 500 con/hộ), mật độ nuôi dày, khu vực ao nuôi lại liền kề, chung dòng nước lấy từ kênh thủy lợi N13 chảy qua địa bàn Yên Thành và Quỳnh Lưu, nguồn nước lưu thông rộng, dễ lây lan mầm bệnh. Trong khi đó, nguy hiểm là nguồn con giống được người dân mua về thường không báo qua chính quyền, cơ quan chuyên môn mà tự mua trôi nổi, không có nguồn gốc trên thị trường, rất khó để kiểm soát dịch bệnh, dễ mang mầm bệnh vào và phát triển thành dịch.
Phun khử trùng tiêu độc vùng dịch ở Quỳnh Lưu
Theo ông Đặng Văn Minh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, thì năm nay, công tác phòng, chống dịch được triển khai hiệu quả hơn. Nhờ được tuyên truyền mạnh, người dân đã dần chuyển sang nuôi tập trung trong ao, hồ của gia đình, công tác giám sát và báo báo dịch tốt nên khi dịch xảy ra đã được khoanh vùng kịp thời, cùng sự vào cuộc nhanh chóng của chính quyền địa phương, công tác tiêu hủy những đàn vịt ốm chết được thực hiện nhanh chóng. Nhờ vậy, tuy số lượng gia cầm ốm chết bị tiêu huỷ là khá lớn nhưng hầu như dịch chỉ xảy ra ở quy mô hộ chứ chưa bùng phát, lây lan ra diện rộng. Ngoài Quỳnh Lưu là địa phương có diễn biến phức tạp với 18 hộ ở 6 xã có gia cầm bị dịch, thì các huyện Nghi Lộc và TP Vinh mỗi địa phương chỉ có 1 hộ để xảy ra dịch cúm gia cầm. Đến nay, tỉnh ta đã xin Trung ương hỗ trợ 1 triệu liều văc xin H5N1 để tiêm khẩn cấp vùng dịch, vùng nguy cơ cao và đã cấp cho Quỳnh Lưu 300 nghìn liều, Diễn Châu 200 nghìn liều, Nghi Lộc 150 nghìn liều, Hưng Nguyên 10 nghìn liều và TP Vinh 1.000 liều. Ngoài ra, Chi cục thú y tỉnh cũng đã cấp cho Quỳnh Lưu 200 lít, Diễn Châu 100 lít, Nghi Lộc 150 lít hóa chất bencocid để phun khử trùng tiêu độc, vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, hiện công tác phòng chống dịch cúm gia cầm gặp rất nhiều khó khăn. Do vi rút cúm gia cầm đã biến đổi gen, nên đến nay, Bộ NN&PTNT vẫn chưa có chủ trương cho tiêm phòng vac xin loại dịch bệnh nguy hiểm này, chỉ khi có dịch xảy ra mới được cấp văc xin tiêm vùng dịch và vùng xung quanh. Bởi vậy, khả năng miễn dịch của đàn gia cầm không có, đặc biệt, trong điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay, sức đề kháng của đàn vật nuôi bị giảm, nguy cơ bị dịch bệnh xâm nhập và lây lan ra diện rộng là rất cao. Để có thể hạn chế dịch bệnh, giảm đến mức thấp nhất tổn thất trong chăn nuôi, người dân nên chuyển từ chăn nuôi thả rông, chạy đồng sang chăn nuôi có giám sát, chăm sóc nuôi dưỡng tốt nhằm tăng sức đề kháng cho đàn gia cầm, trong đó cần áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học từ thức ăn, nước uống đến chuồng trại. Con giống mua về phải có nguồn gốc rõ ràng, báo cáo đầy đủ với chính quyền địa phương để được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cần thiết. Đồng thời, cần tăng cường công tác tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên, nuôi có khoảng cách về thời gian để có thời gian khử trùng tiêu độc môi trường, hạn chế dịch bệnh. Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, khi có dịch phải báo ngay cho cán bộ thú y và chính quyền địa phương, nghiêm túc thực hiện “5 không” (không dấu dịch, không bán chạy, không mua, không vận chuyển, vứt xác gia cầm bị chết bừa bãi) trong phòng chống dịch.
Phú Hương