Ngoại trưởng Đức đi Nga: Chuyến đi nhiều mục đích
(Baonghean) - Trong bối cảnh bạo lực ở miền Đông Ukraina đang leo thang trở lại, Ngoại trưởng Đức Frank - Walter Steinmeier đã có chuyến thăm Nga trong 2 ngày (18 và 19/11). Động thái ngoại giao này của Đức không chỉ cho thấy sự mềm dẻo của châu Âu - với vai trò đầu tầu của Đức - trong việc làm giảm những căng thẳng chưa có hồi kết về cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Ngoại trưởng Đức Frank- Walter Steinmeier (trái) gặp Ngoại trưởng Nga Russia’s Sergey Lavrov. |
Khẳng định về mục đích chuyến thăm đầu tiên của quan chức cấp cao Chính phủ Đức kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng nổ hồi đầu năm nay, Ngoại trưởng Đức Frank - Walter Steinmeier cho biết, Đức mong muốn các cuộc tiếp xúc giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với các nhà lãnh đạo thế giới, tại Hội nghị thượng G-20 tại Australia vừa qua, sẽ đem đến một bầu không khí thuận lợi hơn để các bên đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn lâu dài ở miền Đông Ukraine”. Mục đích là vậy, song những phản ứng từ phía Nga trước chuyến thăm dường như lại không mang đến một tín hiệu lạc quan nào đáp lại thịnh tình của Đức. Trước thềm chuyến thăm Moscow của người đồng cấp Đức, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, đây là một chuyến công tác thông thường và các bên không nên trông chờ có sự đột phá về việc dàn xếp cuộc khủng hoảng Ukraine.
Dường như những phản ứng của phía Nga từ trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Đức đã ít nhiều cho thấy được kết quả của chuyến đi này. Phát biểu trong cuộc họp báo sau khi hội đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov hôm 18/11, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier mặc dù tuyên bố vấn đề phân tách các bên tham chiến ở miền Đông Ukraine sắp tìm được một giải pháp song cũng nhấn mạnh thêm rằng, hai bên vẫn cần thảo luận nhiều hơn.
Có thể thấy rằng, phản ứng của Nga là điều hoàn toàn nằm trong dự đoán của dư luận. Song lý do tại sao chuyến đi này vẫn thu hút được sự quan tâm bất chấp kết quả đã được dự đoán? Nhiều nhà phân tích cho rằng, thái độ của Nga trong thời gian gần đây rất có thể là đáp án cho câu hỏi này. Minh chứng cho quan điểm cứng rắn của Nga được thể hiện rõ nhất bằng hành động “bỏ về sớm” của Tổng thống Nga Putin tại Hội nghị G20 vừa diễn ra tại Brisbane Australlia. Hành động này thậm chí đã được giới phân tích cảnh báo chiều hướng không thuận lợi trong quan hệ giữa Nga - phương Tây, thời gian tới. Chưa hết, trước đó cũng đã xuất hiện những “tổn thương” rõ rệt nhất trong mối quan hệ ngoại giao Nga với phương Tây.
Ngày 17/11, Nga trục xuất nhiều nhà ngoại giao Ba Lan, liên quan tới những hành động được cho là “thiếu thiện chí”, “không hữu nghị” hay “vô căn cứ” mà Ba Lan đối xử với Nga trong thời gian qua. Trước đó, Ba Lan đã từng trục xuất một số nhà ngoại giao Nga với cáo buộc “gián điệp”. Tình trạng trục xuất các nhà ngoại giao cũng diễn ra giữa Nga với Đức. Ngày 16/11, Bộ Ngoại giao Đức thông báo một nhà ngoại giao của nước này cũng bị Nga trục xuất. Từ những sự kiện này có thể thấy rằng, thái độ cũng như những lệnh trừng phạt của các nước phương Tây với Nga đang không chỉ không giúp “hạ nhiệt” xung đột Ukraine mà còn đẩy căng thẳng ngoại giao lên cao khó kiểm soát. Việc này cũng khiến giới phân tích nghi ngại về khả năng sẽ có một cuộc chiến tranh lạnh trở lại châu Âu.
Cũng có lẽ vì vậy mà Đức – vốn được xem có vai trò quan trọng trong việc hòa giải giữa Nga và phương Tây đang nỗ lực phát huy vai trò của mình. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu. Khi cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa châu Âu với Nga nói chung, giữa Đức và Nga nói riêng ngày càng sâu sắc, đương nhiên, cơ hội đàm phán sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Nếu không có những động thái mềm dẻo, rất có thể Đức sẽ khó khăn hơn rất nhiều trong việc đảm nhiệm vai trò tiên phong trong kế hoạch của phương Tây nhằm xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine. Và điều này cũng có nghĩa là không chỉ quan hệ Nga – phương Tây mà quan hệ Nga – Đức cũng đi xuống.
Nhìn vào mối quan hệ Nga - Đức có thể thấy rằng, quan hệ giữa hai quốc gia khá mật thiết. Trong nhiều năm qua, Đức luôn nỗ lực thiết lập quan hệ đối tác an ninh bền vững với Nga, ủng hộ hợp tác kinh tế, tài chính và văn hóa với Nga trên bình diện song phương cũng như đa phương. Thủ tướng Merkel có mối quan hệ cá nhân khá mật thiết với Tổng thống Putin. Nhìn cụ thể hơn ở khía cạnh kinh tế, việc căng thẳng gia tăng giữa Nga với EU cũng sẽ gây thiệt hại tới cả nền kinh tế đầu tầu là Đức. Trong một tuyên bố mới, Tổng thống Nga Putin đã cảnh báo Đức rằng, 300.000 việc làm tại nước này sẽ đối mặt với rủi ro nếu không có các hợp đồng với Nga. Chính vì vậy, có thể hiểu tại sao Đức luôn nỗ lực khẳng định vai trò của mình trong việc hòa giải với phương Tây cũng như Nga.
Trong bối cảnh quan hệ Nga - phương Tây nói chung, Nga và Đức nói riêng tiếp tục căng thẳng, đặc biệt là sau vụ Nga trục xuất nhân viên ngoại giao Đức, chuyến đi này đã phần nào cho thấy “sự mềm dẻo” trong chính sách của Đức đối với Nga. Theo giới phân tích, chuyến đi này dù kết quả như thế nào cũng đã thể hiện được những mục đích chung và riêng của nước Đức.
Thanh Hiền