Ngoại trưởng Mỹ John Kerry: Liệu có làm "tan băng" quan hệ Mỹ - Iran?

27/03/2015 07:32

(Baonghean) - Ngoại trưởng Mỹ vừa rời Washington hôm 25/3 để lên đường đến TP. Lausanne, Thụy Sĩ đàm phán nhằm tìm kiếm một thỏa thuận khung giữa Iran và nhóm P5+1 trước hạn chót ngày 31/3 và hướng tới một thỏa thuận cuối cùng vào tháng Sáu.

Mang theo áp lực cả về thời gian và lưỡng viện Quốc hội quá lớn đến với vòng đàm phán cuối cùng này, liệu với kinh nghiệm và sự khéo léo của mình, ông John Kerry có làm “tan băng” mối quan hệ ngoại giao vốn đã đoạn tuyệt sau vụ người biểu tình Iran chiếm giữ đại sứ quán Mỹ tại Tehran năm 1979?

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif bên lề một cuộc đàm phán. Ảnh internet
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif bên lề một cuộc đàm phán. Ảnh internet

John Kerry sinh ngày 11/12/1943 tại Bệnh viện quân đội Fitzsimmons ở Aurora, bang Colorado. Ông từng theo học trường nội trú tại Massachusetts và New Hampshire, sau đó học ngành Khoa học chính trị tại Đại học Yale khóa 1966. Ông đã nhập ngũ Trù bị Hải quân năm 1966, giai đoạn 1968 - 1969 làm sỹ quan thường trực trong 4 tháng của một tàu tuần tra PCF ở Việt Nam. Trở về Mỹ, John Kerry gia nhập tổ chức Cựu chiến binh Việt Nam chống chiến tranh trong vai trò là phát ngôn viên được công nhận toàn quốc ở Hoa Kỳ. Ông đã xuất hiện trước Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Hoa Kỳ - nơi ông coi chính sách Hoa Kỳ ở Việt Nam là nguyên nhân của "các tội ác chiến tranh".

Sau khi tốt nghiệp Trường Luật Boston, Kerry làm Trợ lý Chưởng lý khu vực và đồng sáng lập một hãng tư nhân. Ông làm Phó thống đốc Massachusetts dưới thời Michael Dukakis từ năm 1983 đến 1985. Từ tháng 5/2012, ông Kerry cũng là 1 trong 5 Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ lên tiếng quan ngại về tình trạng tự do hàng hải đang bị đe dọa khi Trung Quốc – ASEAN không tìm được kênh giao tiếp hiệu quả và nhấn mạnh tính hệ trọng của UNCLOS đối với việc giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Ngày 29/1/2013, Thượng viện Hoa Kỳ chấp thuận ông vào chức vụ Ngoại trưởng Hoa Kỳ với 94 phiếu thuận và 3 phiếu chống sau khi được Tổng thống Barack Obama chọn thay bà Hillary Clinton. Ông nhậm chức vào ngày 1/2/2013. Từ ngày nhậm chức đến nay, hình ảnh quen thuộc mà ông để lại là một vị Ngoại trưởng với khuôn mặt hiền từ, hằn sự khắc khổ. Ông thường xuất hiện tại mọi điểm nóng cả về quân sự lẫn ngoại giao trên toàn thế giới và những tuyên bố phần nhiều mang tính xây dựng.

Quan hệ giữa Mỹ và Iran đã đóng băng từ vụ việc năm 1979 do một nhóm sinh viên Iran tiến hành ngày 4/11. Các sinh viên khi đó là những người đi đầu giúp lật đổ nhà vua được Mỹ ủng hộ là Mohammad Reza Pahlavi trong cuộc cách mạng Hồi giáo. Lúc đó nhà vua ốm nặng và đã tìm cách ra nước ngoài tị nạn. Giáo sỹ lưu vong Ayatollah Ruhollah Khomeini trở về Iran trong chiến thắng của cuộc cách mạng Hồi giáo, với đường lối chống Mỹ cứng rắn thể hiện qua câu “thần chú” là “Đả đảo Mỹ”. Những nhà hoạt động là sinh viên phối hợp với các giáo sỹ cấp tiến xông vào sứ quán Mỹ, bắt cóc 90 con tin. 52 người đã bị bắt giữ trong 444 ngày với yêu cầu dẫn độ nhà vua bị lật đổ từ Mỹ về Iran. Vụ bắt giữ buộc Tổng thống Mỹ Jimmy Carter khi đó đóng băng tài sản của Iran và cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao với Tehran. Các con tin chỉ được thả khi Ronald Reagan nhậm chức Tổng thống thay ông Jimmy Carter. Từ đó trở đi, mối quan hệ giữa 2 quốc gia này ngày càng xấu đi do quyết tâm Iran theo đuổi và đạt được rất nhiều thành tựu về hạt nhân cả về dân sự cũng như quốc phòng.

Trở lại vấn đề đàm phán hạt nhân giữa Iran với nhóm P5 + 1 (5 nước thường trực bảo an Liên Hợp quốc và Đức), cho tới trước vòng đàm phán cuối cùng nhằm tìm kiếm một thỏa thuận khung trước hạn chót 31/12 tới đây để hướng tới một thỏa thuận cuối cùng vào tháng Sáu. Từ khi John Kerry đại diện cho Mỹ và cũng là quốc gia có tiếng nói quan trọng nhất trên bàn nghị sự của mọi cuộc đàm phán, các bên đã đạt được những kết quả rất tích cực và mang tính xây dựng nhiều hơn là đối đầu. Đặc biệt tại vòng đàm phán đã bị tạm hoãn vào ngày 20/3 do phái đoàn của Iran phải trở về nước để tham dự lễ tang mẹ Tổng thống Hassan Rowhani. Tuy phải dừng lại giữa chừng, nhưng sau 6 ngày đêm đàm phán ráo riết, Iran và nhóm P5+1 cùng với Đức đã sơ bộ nhất trí về việc cho phép Iran giữ lại 6.000 trong hơn 10.000 thanh nhiên liệu hạt nhân hiện có, thay vì 6.500 như dự định trước đây.

Các thanh nhiên liệu này sẽ được tinh chế lại để giảm bớt hàm lượng urani tới mức không thể chế tạo được bom hạt nhân. Đây được xem là sự đột phá trong tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran. Bởi trước đây, Mỹ nhất quyết yêu cầu Iran chỉ được giữ lại 500 - 1.500 hoặc tối đa là 4.000 thanh nhiên liệu hạt nhân; số thanh nhiên liệu còn lại sẽ được chuyển ra nước ngoài. Đổi lại, Iran phải tạm ngừng toàn bộ các hoạt động hạt nhân, các quan chức Mỹ cho biết tối thiểu là 10 năm, nhưng có thể kéo dài 15, thậm chí 20 năm. Ngoài ra, Mỹ và các nước cũng sẽ sớm từng bước bãi bỏ các biện pháp bao vây phong tỏa kinh tế Iran. Trong quyền hạn của mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama không cần phải thông qua Quốc hội, có thể tự quyết định nới lỏng một số biện pháp trừng phạt kinh tế. Liên Hợp quốc cũng sẽ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí thông thường đối với Iran.

Cơ sở hạt nhân Iran. Ảnh: UN
Cơ sở hạt nhân Iran. Ảnh: UN

Theo đánh giá của các chuyên gia, những kết quả trên giữa Iran và nhóm P5+1 được đánh giá là sẽ mở ra hy vọng cho các bên đạt được một thỏa thuận khung vào trước cuối tháng 3 và thỏa thuận chi tiết toàn diện trước cuối tháng 6 tới. Bà Cameli Entekhabifard, một chuyên gia phân tích sự kiện quốc tế nói: “Các kết quả đạt được sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế Iran, giảm áp lực cho Chính phủ Iran. Qua đó, Iran có cơ hội để giải quyết các vấn đề khác của khu vực như Syria và Iraq. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đánh giá cao về kết quả của 6 ngày đàm phán: “Chúng tôi đã có các cuộc đàm phán tích cực, mang tính định hướng. Chúng tôi đã đạt được những tiến triển tích cực. Chúng tôi sẽ quay trở lại đây vào tuần tới”.

Như vậy trên bàn nghị sự các bên đều đã tỏ ra đầy thiện chí và mang tính xây dựng trước vòng đàm phán mới. Nhưng chuyến đi của Ngoại trưởng John Kerry lần này, ngoài áp lực về mặt thời gian, còn diễn ra trong bối cảnh Quốc hội Mỹ, cả Hạ viện và Thượng viện, đều đã có những bức thư ngỏ đòi Nhà Trắng cho các nhà lập pháp có tiếng nói lớn hơn trong mọi thỏa thuận với Iran. Một áp lực nữa đối với ông Kerry là cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ đều đã có các kế hoạch bỏ phiếu về một dự luật mới liên quan tới Iran. Đây rõ ràng là cuộc chiến giữa Đảng Dân chủ cầm quyền và lưỡng việc quốc hội do phe Cộng hòa kiểm soát.

Vì thế, các chuyên gia nhận định rằng nếu đạt được thỏa thuận toàn diện cuối cùng về chương trình hạt nhân của Iran vào hạn chót ngày 31/6, sẽ trở thành một dấu ấn quan trọng nhất về đối ngoại trong 2 năm cầm quyền còn lại của Tổng thống Barack Obama. Qua đó cũng phần nào đem lại lợi thế cho Đảng dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tiếp theo khi ông Obama rời khỏi Nhà Trắng, bởi phần lớn cử tri Mỹ cũng đã quá mệt mỏi với sự đối đầu và can dự quá “nhiệt tình” của Mỹ vào những việc ngoài lãnh thổ quốc gia. Nó cũng sẽ trở thành một “chiến thắng” đối với nhà chính trị, ngoại giao kỳ cựu John Kerry. Qua đó cũng mở ra chương mới trong quan hệ ngoại giao vốn đã đóng băng từ năm 1979 giữa 2 cường quốc hạt nhân này.

Cảnh Nam

Mới nhất

x
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry: Liệu có làm "tan băng" quan hệ Mỹ - Iran?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO