Ngôi đình cổ mang tầm quốc gia bị san phẳng

12/09/2012 06:52


Mục đích ban đầu chỉ là tu sửa, nhưng vì nhiều lý do, ngôi đình cổ Ngu Nhuế ở Hưng Yên gần như bị xóa sổ.

Vùng quê “nổi sóng”
Không quá để khẳng định như vậy, vì thực tế những ngày này ở thôn Vĩnh An, xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất và cũng gây bức xúc nhất, chính là việc ngôi đình được xếp hạng di tích Quốc gia đã “phân thân”. Bởi lẽ, phần lớn ngôi đình, đặc biệt là gian Đại Bái đã bị phá dỡ, chỉ còn trơ trọi hậu cung già nua “trơ gan cùng tuế nguyệt” hơn 1 năm nay.
Câu chuyện kể ra thì dài, song điều trước tiên có thể khẳng định là sự quản lý di sản yếu kém đã khiến một di tích cấp quốc gia đứng trước nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn. Đáng nói hơn, cách xử lý không mấy hợp lý của người có trách nhiệm đang khiến chính những người dân trong thôn nhìn nhau với ánh mắt chẳng mấy thiện cảm do sự khác biệt về quan điểm về cách xử lý di tích chung.


Đình Ngu Nhuế cổ kính ngày nào...

Đình Ngu Nhuế (thôn Vĩnh An, xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) được khởi dựng từ thế kỷ XI, thờ đô đốc tướng quân Lê Bá Đại. Tương truyền, đây là vị tướng quân theo Thái úy Lý Thường Kiệt đánh trận trên sông Như Nguyệt. Năm 1989, Đình Ngu Nhuế được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Đình Ngu Nhuế thờ Đại Đô tướng công hầu Lê Bá Đại và được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia năm 1989. Đình gồm 5 gian 2 chái, dài 18,4m, rộng 10,4m, mái kiểu tầu đao lá mái

Theo thời gian, di tích xuống cấp và cần được tu bổ, bảo vệ. Năm 2011, Sở VHTTDL Hưng Yên cấp kinh phí trùng tu cho đình Ngu Nhuế 100 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi dự toán, số tiền trên không đủ để tiến hành tu sửa, xã cũng chẳng có kinh phí để hỗ trợ. Sau khi bàn bạc, người dân trong thôn nhất trí kêu gọi công đức, đóng góp và thống nhất phương án tu sửa khoảng 230 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Năng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khúc cho biết, sau khi nhận được 100 triệu đồng, xã đã tiến hành các bước về đầu tư xây dựng cơ bản, lập dự toán thiết kế, thành lập ban dự toán công trình. Dự toán thiết kế đề nghị lên Phòng Công thương thẩm định. Sau đó, UBND xã đã tiến hành ký hợp đồng với công ty TNHH Thành Đông (do Sở VH-TT-LD giới thiệu) và tiến hành tu sửa nâng cấp từ tháng 7/2011.

Theo ông Nguyễn Văn Năng, hợp đồng ký kết nêu rõ việc trùng tu đình Ngu Nhuế bao gồm: hạ giải toàn bộ mái ngói, thay những rui mái cùng một số hoành và cấu kiện nâng đỡ mái bị hư hỏng... trên nguyên tắc bảo tồn tối đa hiện trạng của di tích.

Với tư cách chủ đầu tư, UBND xã Vĩnh Khúc đã lập Ban quản lý xây dựng công trình do Phó Chủ tịch xã Đào Thị Điệp đứng đầu. Ngoài ra, một ban kiến thiết (12 người) cũng được người dân bầu ra để tham gia quản lý quá trình trùng tu.

Mọi việc trở nên phức tạp khi trong quá trình hạ giải mái ngói, Ban kiến thiết cùng nhà thầu tự ý dỡ toàn bộ Đại bái của đình do… thấy hư hỏng. Nghiêm trọng hơn, một kế hoạch di chuyển đình được đưa ra và thực hiện ngay sau đó, khiến một ti tích quốc gia rơi vào tình trạng nửa mới nửa cũ, Đại bái ra đi, hậu cung ở lại…

Quan điểm hoàn nguyên trạng đình ở vị trí cũ hay đưa toàn bộ về vị trí mới của một bộ phận người dân trong thôn cũng khác nhau, dẫn đến đình Ngu Nhuế hơn một năm nay phải đắp bạt chờ hạ hồi phân giải…

Làng mất hội, đình bỏ hoang

Không ai không thấy xót xa khi chứng kiến cảnh tượng thê lương của ngôi đình Ngu Nhuế hiện giờ. Trên nền di tích cổ chỉ còn phần hậu cung đang được người dân mua bạt phủ tạm tránh nắng mưa. Tòa Đại bái chỉ còn trơ nền với ngổn ngang những cây cột, cấu kiện gỗ và cả những tấm gỗ khắc chữ Hán cùng đôi nghê đá trắng xây trên bệ gạch đỏ ngồi bơ vơ. Những mảng tường bao quanh còn sót lại khung cửa sổ với cánh cửa cũ kỹ mang dấu ấn thời gian…

Cũng trong khuôn viên di tích, cách ngôi đình cũ 18m, hình hài một ngôi đình gần như mới toanh đã mọc lên với đầy đủ 5 gian Đại bái và hậu cung. Rất ít một số cột gỗ, cấu khiện và họa tiết của ngôi đình cũ được đưa vào.


Phần hậu cung của ngôi đình cổ được người dân mua bạt che tạm

Chỉ cần nhìn lướt qua, người ta cũng dễ dàng nhận thấy sự khiên cưỡng ở “ngôi đình mới”: Các khớp nối không ăn khớp được với nhau do kích thước khác nhau, độ rộng dài thay đổi theo thiết kế không chuẩn. Người dân nơi đây cho biết, có 8 mắt rồng bằng chất liệu không phải gỗ gắn ở các cấu kiện gỗ đã bị mất; thậm chí, để lắp được các đầu rồng vào đầu cột mới to hơn cột cũ, thợ thi công đã… cắt bớt râu rồng!
“Đình làm dang dở, làng mất hội. Ngày rằm, ngày lễ muốn ra thắp hương cũng không còn chỗ”, một người dân thôn Vĩnh An buồn rầu.

Những lý do.. trời ơi!

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khúc Nguyễn Văn Năng cho biết có nhiều nguyên nhân khiến đình được di chuyển về vị trí mới.
Theo đó, quá trình hạ giải thì thấy di tích xuống cấp rất nặng. Bên cạnh đó, huyện Văn Giang đầu tư nâng cấp đổ bê tông tuyến đường 180 theo quy hoạch rộng 32m, chạy qua cửa đình. Và theo quy hoạch, hầu hết sân đình sẽ bị mất nên ban kiến thiết đã họp dân và có văn bản đề nghị di chuyển đình.

“Biên bản họp dân do ban kiến thiết trình xã có nói, do di tích gần sát đường, mỗi khi có hội phải cấm đường, gây khó khăn cho giao thông đi lại. Hơn nữa, nền đường làm cao hơn sân đình, thu hẹp diện tích sân đình. Ở gần đường khi tổ chức lễ thì xe ô tô chạy gây ồn ào, thậm chí xe lớn chạy có thể gây rung xô ngói. Do đó ban kiến thiết có đơn đề nghị lui đình vào phía trong khuôn viên, theo đúng hướng và cấu kiện”, ông Năng khẳng định.


Ngôi đình mới được dựng lên cách vị trí cũ 18m

Trên cơ sở biên bản họp dân (chỉ có 60/66 người có mặt đồng ý trong tổng số hơn 1000 dân trong thôn) diễn ra vào đúng ngày mùng 6 Tết Nhâm Thìn, UBND xã đã nhiều lần lập Tờ trình gửi các cấp có thẩm quyền đề nghị cho phép di chuyển đình Ngu Nhuế nhưng không được chấp nhận.
Theo Chủ tịch UBND xã Vinh Khúc, do “người dân muốn nhanh chóng hoàn thành để có nơi thờ cúng”, và “để lâu các cấu kiện hư hỏng” nên ban kiến thiết đã quyết tự ý cho di chuyển. Và từ đây, các đơn khiếu kiện của “một bộ phận người dân không đồng tình phương án di chuyển” được gửi đến cơ quan chức năng.

Ngôi đình bị phá dỡ, Sở VH-TT-DL Hưng Yên vội vàng có công văn gửi UBND tỉnh Hưng Yên và ngày 8/5/2012, UBND tỉnh Hưng Yên mới có công văn gửi Bộ VH-TT-DL đề nghị cho di chuyển đình Ngu Nhuế để “tránh ảnh hưởng đến qui hoạch và thuận lợi cho các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân”.
Nhưng chỉ hai ngày sau, Thanh tra Bộ VH-TT-DL khẳng định việc di chuyển sang vị trí mới chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền là vi phạm Luật Di sản văn hóa, nên đã yêu cầu dừng ngay việc thi công, giữ nguyên hiện trạng đình Ngu Nhuế từ ngày 9/5/2012.

Văn bản do Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Lê Khánh Hải ký gần 3 tháng sau đó trả lời UBND tỉnh Hưng Yên cũng nêu rõ: Kỹ thuật thi công đình ở vị trí mới không đảm bảo, nhiều cấu kiện lắp dựng không đúng theo kiến trúc đình cũ. Việc hạ giải toàn bộ cấu kiện, tự dịch chuyển vị trí di tích mà không lập dự án, xin ý kiến thỏa thuận của Bộ là vi phạm Luật Di sản văn hóa.

Bộ đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng ở địa phương và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm chỉnh việc tu bổ di tích theo quy định của pháp luật.


Theo(vov)-T.N

Mới nhất

x
Ngôi đình cổ mang tầm quốc gia bị san phẳng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO