Ngư dân chờ vay vốn đóng tàu vươn khơi

26/06/2014 10:00

(Baongehan) - Đóng tàu công suất lớn vươn khơi là ước mơ cháy bỏng của nhiều ngư dân miền biển Nghệ An. Mới đây, Chính phủ đưa ra dự thảo nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản và được các thành viên Chính phủ thống nhất quan điểm giúp ngư dân được vay vốn ưu đãi để đóng tàu vỏ sắt, tháo gỡ “nút thắt” thiếu vốn cho bà con ngư dân trong việc hiện đại hóa đội tàu đánh cá, nâng hiệu quả đánh bắt cá xa bờ cũng như thực hiện quyền chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đang là niềm kỳ vọng lớn của nhiều ngư dân.

Khó tiếp cận nguồn vốn

Thực tế diễn ra tại các huyện ven biển như Quỳnh Lưu, Diễn Châu… cho thấy, hoạt động sản xuất của ngư dân đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về nguồn vốn tín dụng. Lâu nay ngư dân chủ yếu sử dụng tàu vỏ gỗ, đánh bắt xa bờ ít, công nghệ bảo quản sau thu hoạch chưa bảo đảm nên tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch còn cao (trên 20%). Bên cạnh đó, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo các ngân hàng cho vay vốn nhưng vẫn có tới 80% ngư dân không tiếp cận được, phải vay vốn ở bên ngoài với lãi suất cao, sản phẩm làm ra không đủ để trừ nợ. Ngư dân Trần Trà ở Diễn Bích – Diễn Châu chia sẻ: Cách đây 2 năm tôi đóng con tàu công suất 110 CV trị giá trên 800 triệu đồng, ngoài số tiền hỗ trợ của Nhà nước theo Quyết định 09 với số tiền 36 triệu đồng, chúng tôi chủ yếu phải vay mượn thêm bạn bè chứ vay ngân hàng rất khó tiếp cận vì họ sợ “rủi ro”.

 Tàu cá công suất 800 CV trị giá 5,5 tỷ đồng của anh Hải ở xã Sơn Hải – Quỳnh Lưu.
Tàu cá công suất 800 CV trị giá 5,5 tỷ đồng của anh Hải ở xã Sơn Hải – Quỳnh Lưu.

Còn ngư dân Lê Huy sắp hạ thủy con tàu tại xưởng đóng tàu Diễn Bích cho hay: Phải gần 10 người hùn nhau vốn nhưng vẫn chưa đủ tiền để đóng nổi con tàu 150 CV có trị giá 1,1 tỷ đồng. Chúng tôi đành vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng, nhưng với hình thức vay để kinh doanh ngành nghề khác chứ nếu vay để đóng tàu thì xem ra rất khó. Tại Diễn Ngọc, Diễn Bích xuất hiện tình trạng nhiều ngư dân phải vay nóng bên ngoài với lãi suất cao. Không ít trường hợp vay từ các “trùm” thu mua hải sản, mỗi chuyến biển về ngư dân vay nợ nóng phải chịu “thiệt đơn thiệt kép” do chỉ được bán sản phẩm cho trùm “đầu nậu”, đơn giá sản phẩm do đầu nậu quyết định nên giá hải sản rẻ.

Được biết toàn xã Diễn Bích có 190 tàu thuyền, trong đó có 62 tàu công suất 90 CV - 350 CV, thực tế thuyền to, máy lớn được phép đánh bắt ở vùng cá chung đạt thấp, chỉ có 6 tàu. Ông Thạch Đình Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Bích cho biết thêm: Mặc dù Diễn Bích được đánh giá là xã có số lượng tàu thuyền đánh bắt vươn khơi lớn nhất huyện Diễn Châu, nhưng do thiếu vốn, các tàu đều trang bị sơ sài, thiếu nhiều thiết bị. Hiện có trên 40 tàu công suất nhỏ đã xuống cấp cần được thay thế, cải hoán. Một chủ đóng tàu ở Diễn Bích lý giải: Xưởng của tôi đóng tàu lớn từ 110 CV - 380 CV, hầu hết các con tàu sắp được hạ thủy. Để đảm bảo thường thì phải lắp các “dòng” máy Nhật Bản nhưng do thiếu vốn nên hầu hết đều lắp máy “Tàu” kém chất lượng, khi ra khơi hay bị hỏng hóc, khó bảo dưỡng.

Theo bà Ngô Thị Thảo - Phó Giám đốc NHNN Diễn Châu: Từ năm 2010 đến nay ngân hàng đã cho 189 hộ ngư dân vay 8 tỷ đồng đóng mới tàu, mua sắm ngư cụ. Theo bà Thảo thì nhu cầu vay vốn của ngư dân là rất nhiều, nhưng qua kiểm tra, thủ tục thật chặt chẽ chúng tôi mới dám cho vay, vì nghề biển rủi ro khó lường, nên doanh số cho ngư dân vay luôn đạt thấp.

Chúng tôi về xã Sơn Hải tiếp cận được con tàu lớn nhất nhì của huyện Quỳnh Lưu mang số hiệu NA 98888 TS công suất trên 800 CV của anh Nguyễn Văn Hải. Anh Hải trao đổi: Hỗ trợ theo Quyết định 09 chỉ được 36 triệu đồng, vay ngân hàng chỉ được hơn 200 triệu đồng, trong khi trị giá con tàu 5,5 tỷ đồng. Chúng tôi phải chung nhau cộng với việc vay mượn anh em họ hàng mới đủ.

Toàn huyện Quỳnh Lưu có trên 1.171 tàu, thuyền, trong đó tàu từ 90 CV trở lên có 610 tàu. Do khó khăn nguồn vốn, tỉnh đang còn nợ tiền hưởng chính sách hỗ trợ của huyện trên 4 tỷ đồng. Trang, thiết bị tàu cá địa bàn huyện Quỳnh Lưu chưa đồng bộ, như trang bị bộ đàm mới chỉ được 20%, máy định vị trên 30%, máy dò cá được hơn 10 chiếc…

Ông Trần Xuân Nhuệ - Trưởng phòng quản lý và cơ sở hậu cần nghề cá, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết: Để hỗ trợ ngư dân đóng tàu mới vươn khơi bám biển, từ năm 2010 đến năm 2011 ngư dân được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo Quyết định 10/2010/QĐ-UBND là 106 tàu có công suất 90 CV trở lên. Tương ứng với tổng kinh phí hỗ trợ trên 6 tỷ đồng, tuy nhiên kinh phí vẫn còn thiếu gần 4 tỷ đồng. Từ năm 2012 đến năm 2013 các ngư dân đóng mới tàu được hỗ trợ theo Quyết định 09/2012/QĐ-UBND tương đương 102 chiếc, kinh phí hỗ trợ còn thiếu trên 3,6 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2014 toàn tỉnh sẽ đóng mới 95 tàu có công suất 90 CV trở lên, tương đương tổng kinh phí hỗ trợ hơn 4,6 tỷ đồng theo Quyết định 09. Trước thực trạng thiếu kinh phí hỗ trợ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có các tờ trình đề nghị bổ sung kinh phí hỗ trợ lãi suất đóng tàu mới gửi các ban, ngành liên quan, nhưng đến nay do khó khăn nguồn vốn nên vẫn chưa được bổ sung kinh phí để chi trả cho ngư dân đóng mới tàu thuyền.

Háo hức chờ chính sách mới

Với ngư dân, việc được sở hữu chiếc tàu có vỏ sắt công suất lớn, trang bị đầy đủ các phương tiện đi biển hiện đại như thông tin liên lạc, máy tầm ngư, máy định vị, thiết bị sơ chế bảo quản sản phẩm… để vươn khơi bám biển dài ngày luôn là ước mơ cháy bỏng. Chính vì thế, ngư dân Nghệ An nói riêng, cả nước nói chung rất vui mừng nhận được thông tin: Đa số đại biểu Quốc hội đồng ý thông qua Nghị quyết về cân đối ngân sách 2013, trong đó có phương án chi 16.000 tỷ đồng hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ. Khi nắm bắt được thông tin trên, ngư dân Nguyễn Quốc Trọng (SN 1968) ở xóm Tân Lập 1 - Nghi Quang, Nghi Lộc đã đăng ký với ngành chức năng xin được đóng con tàu vỏ sắt.

Anh Nguyễn Quốc Trọng tâm sự: Từ bao đời nay, Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường truyền thống của các thế hệ ngư dân. Để khai thác có hiệu quả ở ngư trường này, chúng tôi cần phải có tàu cá có công suất lớn gắn với các trang thiết bị đi biển hiện đại. Nhưng do không có vốn, gia đình tôi chỉ sử dụng chiếc thuyền bằng gỗ được đóng từ năm 2006 với công suất 50 CV chủ yếu khai thác vùng lộng gần bờ, năng suất đánh bắt thấp. Vì vậy, tôi đã làm đơn với nguyện vọng đóng tàu vỏ sắt để khai thác ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa vừa tăng hiệu quả đánh bắt, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Được biết, nguyện vọng của anh Trọng đã được phía Công ty CP kỹ thuật đóng tàu Việt Nam chấp nhận. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nguyên tắc của việc đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân là phải bảo đảm an toàn, có hiệu quả kinh tế, do vậy, biện pháp thực hiện phải bảo đảm vững chắc; thiết kế, lựa chọn mẫu tàu vỏ sắt phải phù hợp với nhu cầu của ngư dân. Vì vậy, công ty và anh Trọng đã họp bàn và bước đầu thống nhất đóng loại thuyền vỏ sắt chiều dài 26m, chiều rộng 6.8m, hành trình đi biển trên 30 ngày. Tàu được thiết kế hiện đại phù hợp vừa đánh bắt cá và câu mực trên biển, có tới 3 máy phát điện dùng cho tời, câu mực, đèn chụp mực… Ngoài các hệ thống điện đàm, định vị máy còn được trang bị máy dò ngang (máy dò cá). Tổng trị giá con tàu trên 7 tỷ đồng. Ông Trần Xuân Nhuệ -Trưởng phòng quản lý và cơ sở hậu cần nghề cá cho biết: Mặc dù chưa có nghị định chính thức nhưng sau khi ký kết hợp đồng đóng tàu, phía Công ty CP kỹ thuật đóng tàu Việt Nam sẽ bỏ chi phí đóng tàu trước, sau đó họ sẽ lấy tiền sau.

Về xã Sơn Hải gặp ngư dân Trần Hai vừa đi biển về phấn khởi tâm sự: Lâu nay tôi chạy tàu công suất 70 CV, nay tàu đã xuống cấp, tôi sẽ xin đăng ký đóng thêm một tàu vỏ sắt để làm dịch vụ hậu cần cho ngư dân. Có tàu vỏ sắt, tính mạng của ngư dân trong mỗi chuyến ra khơi được đảm bảo an toàn hơn, chúng tôi có thể bám biển dài ngày. Tuy nhiên, ngư dân có thói quen đi tàu gỗ, việc bảo dưỡng đơn giản, trong khi tàu sắt bảo dưỡng khó khăn, phức tạp, rất cần được các nhà chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn. Ông Nguyễn Xuân Dinh – Trưởng phòng Nông nghiệp Quỳnh Lưu cho biết: Tàu thuyền công suất nhỏ và lạc hậu ở Quỳnh Lưu đang khá nhiều, các ngư dân ở Quỳnh Lưu đang chờ ban hành nghị định chính thức sẽ đăng ký đóng tàu vỏ sắt. Dự kiến, Quỳnh Lưu sẽ đăng ký đóng trên 200 tàu vỏ sắt, còn lại mong muốn của ngư dân được vay vốn ưu đãi cải hoán tàu vỏ gỗ. .

Thiết nghĩ, khi đã sở hữu những con tàu hiện đại, ngư dân cũng phải thay đổi cách làm ăn, chuyển từ đánh bắt đơn lẻ sang tập thể. Từ những năm 1994, Nhà nước đã có cơ chế hỗ trợ cho ngư dân vay vốn đóng tàu, tuy nhiên dự án này đã thất bại khi mà sự quản lý vốn không chặt chẽ, dẫn đến hiện tượng ngư dân không có trách nhiệm với đồng vốn vay, cố tình không trả nợ. Như tại 2 xã Diễn Ngọc, Diễn Bích – Diễn Châu từ năm 1995 đến nay trên 200 hộ còn nợ trên 2 tỷ đồng chưa trả cho Nhà nước. Vì vậy, sau khi ban hành nghị định của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản hỗ trợ đóng tàu thuyền, ngư dân cần có ý thức trách nhiệm trong việc trả nợ và các ban, ngành liên quan phải có giải pháp quản lý đồng vốn vay hiệu quả khi đến tay ngư dân. Bên cạnh đó, Công ty CP kỹ thuật đóng tàu Việt Nam cần bàn bạc, thống nhất với ngư dân để thiết kế mẫu tàu cá vỏ thép phù hợp với từng ngành nghề đánh bắt khác nhau, phù hợp với tập quán và ngành nghề khai thác hải sản từng vùng, để bà con có thêm nhiều sự lựa chọn khi đóng tàu vỏ sắt.

Bài, ảnh: Văn Trường

Bộ Tài chính đang trình Chính phủ ban hành Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản theo đó:

- Ngư dân vay vốn đóng mới tàu vỏ sắt, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy từ 400 CV đến dưới 800 CV được vay vốn ngân hàng tối đa 90% giá trị tàu, với lãi suất 5%/ năm. Chủ tàu phải trả 2%/ năm, ngân sách nhà nước cấp bù 3%/năm.

- Ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ sắt, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy từ 800 CV trở lên được vay tối đa 95% tổng giá trị tàu, lãi suất 5%/năm, chủ tàu phải trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.

- Đối với nâng cấp tàu vỏ gỗ tổng công suất máy dưới 400 CV thành tàu có tổng công suất máy trên 400 CV được vay tối đa không quá 85% tổng giá trị nâng cấp, lãi suất 5%/ năm, chủ tàu trả 2%/ năm, ngân sách nhà nước cấp bù 3%/năm.

- Thời gian vay 11 năm, năm đầu tiên miễn trả lãi và chưa phải trả nợ gốc.

Mới nhất

x
Ngư dân chờ vay vốn đóng tàu vươn khơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO