Ngư dân đóng tàu lớn vươn khơi
(Baonghean) - Trước diễn biến phức tạp ở biển Đông, tàu Trung Quốc đâm chìm một số tàu cá ngư dân Việt Nam, liên tục uy hiếp các tàu cá khác nhưng ngư dân ở Nghệ An vẫn không hề nao núng. Các con tàu vẫn đồng loạt ra khơi, ngư dân còn vay mượn tiền gấp rút đóng tàu công suất lớn để vươn khơi bám biển.
![]() |
Tàu cá 250 CV của ngư dân Nguyễn Văn Hải ở Diễn Bích - Diễn Châu chuẩn bị hạ thủy. |
Chúng tôi tìm về xưởng đóng tàu Đông Mến, xã Diễn Bích - Diễn Châu. Trời nắng như đổ lửa, nhưng những người thợ đóng tàu ở đây vẫn đang hối hả hoàn thiện để sớm đưa những con tàu hạ thủy. Anh Nguyễn Đức Đông, chủ xưởng đóng tàu áo thấm đẫm mồ hôi kể: Do các chủ tàu hối quá nên ngày nào tôi cũng phải đốc thúc anh em làm căng sức để tàu hạ thủy kịp thời gian. Dù tình hình Biển Đông đang diễn biến căng thẳng nhưng từ đầu năm 2013 đến nay xưởng đã đóng được 3 con tàu lớn loại 250 CV trở lên, sắp tới sẽ hạ thủy 2 con tàu công suất lớn nữa.
Anh Nguyễn Văn Hải sắp là chủ nhân của con tàu mới công suất 250 CV đang kiểm tra phần thân vỏ con tàu đang trong quá trình hoàn thiện chia sẻ: Trước đây chúng tôi chạy bằng thuyền nhỏ công suất 48 CV, đi dài ngày nhất là 2 - 3 ngày, chỉ với vài người đi, ngư cụ lạc hậu, không có trang thiết bị an toàn, nên phải đi gần bờ nên không hiệu quả. Thấy được lợi thế từ “tàu to, máy lớn” ngoài việc vươn khơi bám biển nhanh chóng làm giàu còn góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc nên chúng tôi đã vay mượn tiền của, quyết tâm đóng mới con tàu gần 1 tỷ đồng.
Men theo Lạch Vạn, gió lồng lộng thổi từ cửa biển về, tàu thuyền ken kín lạch vạn, cờ đỏ sao vàng trên nóc tàu tung bay rợp trời. Sau khi cập bến cảng Lạch Vạn, tàu cá mang số hiệu NA 90335 TS 250 CV do anh Trần Văn Sơn là chủ tàu đã mở khoang để bốc cá, mực lên bờ bán cho thương lái. Theo anh Sơn thì vụ cá nam năm nay khá được mùa, thời tiết thuận lợi, chuyến đi với hơn 10 lao động lênh đênh trên biển 15 ngày đã mang về lượng cá với giá trị khoảng gần 200 triệu đồng, trừ chi phí mỗi thuyền viên được từ 5-8 triệu đồng. Anh Sơn chia sẻ thêm: Đợt này ra khơi lại bị tàu cá Trung Quốc rượt đuổi, nhưng nhờ đội quân toàn “thuyền to, máy lớn” cỡ 250 CV đến 350 CV hợp lực đối phó nên tàu cá Trung Quốc phải chùn bước.
Ông Phạm Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Diễn Bích cho biết: Toàn xã có 190 tàu thuyền, trong đó có 62 tàu công suất 90 CV - 350 CV, trong đó có 6 tàu được phép đánh bắt ở vùng cá chung. Các tàu cá công suất lớn của ngư dân Diễn Bích cơ bản đều được sắm trang, thiết bị hiện đại như máy định vị, bộ đàm… Nhờ máy định vị mà ngư dân điều khiển tàu cá được an toàn, như tránh được đá ngầm, biết được khoảng cách từ nơi xuất phát về bến cá… Đối với máy bộ đàm lại càng vô cùng quan trọng, khi tàu cá Trung Quốc có biểu hiện gây hấn, rượt đuổi thì chính nhờ máy bộ đàm để các tàu nhanh chóng kết nối thông tin với nhau và với tàu kiểm ngư để có biện pháp kịp thời đối phó.
Chiều muộn, chúng tôi về xã Quỳnh Long thấy những tàu cá đầy khoang đang về cửa lạch. Nguyễn Minh, chủ một tàu cá tâm sự: Trước đây tôi cũng sử dụng tàu công suất 90 CV, nhưng so với yêu cầu đánh bắt xa khơi tàu này không thể đi nổi trên 20 ngày và chưa chịu được sóng gió cấp 5. Cứ mỗi lần nghe đài báo áp thấp nhiệt đới là phải thu lưới để tìm nơi ẩn náu, chưa kể là thuyền nhỏ thì cứ ra tới ngư trường là bị tàu Trung Quốc bắt nạt. Cũng vì thế mà tôi quyết định bán tàu nhỏ, đầu tư tàu trên 600 CV, thời gian đi biển trên 1 tháng và chống chọi được sóng gió cấp 7-8. Tàu có từ 12-14 lao động, bình quân 5 tháng đầu năm đạt 94 triệu đồng/người. Không chỉ tàu cá của anh Minh mà nhiều tàu các khác trúng đậm, như tàu của anh Trần Thành có công suất 380 CV đạt mỗi chuyến đi biển trên 20 tấn. Nhiều ngư dân có tàu to ở Quỳnh Long rất phấn khởi tâm sự rằng: Ra khơi với hàng loạt tàu to thì ngư dân rất yên tâm đánh bắt. Khi gặp phải tàu cá Trung Quốc, chúng thấy mình tàu to, đi theo tổ, đội thì chúng cũng bớt hung hăng hơn. Nếu bị chúng rượt đuổi mà công suất tàu mình lớn thì cũng dễ dàng xoay xở.
Quỳnh Long có 177 tàu, thuyền, trong đó loại từ 90 CV đến 760 CV là 106 chiếc. Thời gian qua, nhiều tàu cá của ngư dân Quỳnh Long bị các tàu Trung Quốc xua đuổi, lấy ngư cụ... gây không ít khó khăn cho ngư dân. Thế nhưng, trong những chuyến biển của vụ cá nam này nhiều tàu cá ở địa phương đã bắt được lượng lớn hải sản, thu lãi hàng trăm triệu đồng. Để có được thắng lợi đó chính là nhờ ngư dân can trường bám biển. Những chuyến đi biển, cá đầy khoang đã làm cho ngư dân khí thế hừng hực tiến ra Biển Đông. Hầu hết đội quân tàu lớn này mỗi năm bám biển 10-11 tháng, thời gian ở đất liền chủ yếu là xuất bán cá, rồi tiếp tế vật tư để đi chuyến biển tiếp theo.
Ông Nguyễn Chí Lương - Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết thêm: Địa bàn tỉnh Nghệ An có 4.070 tàu thuyền, trong đó tàu có công suất từ 90 CV trở lên 1.201 chiếc (chủ yếu tập trung khai thác xa bờ). Hiện nay nhiều ngư dân đang có nhu cầu đóng mới tàu thuyền để vươn khơi bám biển nhưng dựa vào sức của họ thì không thể đủ. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kịp thời để ngư dân đóng được tàu lớn ra khơi thay đổi công nghệ khai thác.
Có thể nói về công suất tàu cá xa bờ, ngày một tăng, đến nay số tàu cá có công suất trên 250 CV trở lên ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, các tàu cá trang bị máy lớn, hoạt động ở các vùng biển cách bờ hàng trăm hải lý nhưng chủ yếu đóng theo phương pháp truyền thống ít có sự tính toán về kết cấu và ổn định. Cơ sở hậu cần phục vụ nghề cá tuy đã được cải thiện nhiều, song chưa theo kịp với mức độ phát triển của tàu cá. Cụ thể như tại các bến cá chật chội, lạch Quèn, lạch Thơi bị bồi lắng cản trở vào ra của tàu thuyền, đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều ngư dân chưa mạnh dạn đóng tàu công suất lớn vì sợ bị mắc cạn.
Văn Trường