Ngư dân ngậm ngùi chờ biển lặng

13/10/2011 17:26

(Baonghean) - Trong nhiều ngày qua, do tình hình thời tiết trên khu vực biển Đông diễn biến phức tạp nên nhiều tàu thuyền của ngư dân phải nằm bờ tránh bão. Việc tàu thuyền không ra khơi đã khiến đời sống của hàng ngàn hộ dân lâu nay sống nhờ "bám biển" và nhiều ngành nghề dịch vụ đánh bắt hải sản rơi vào cảnh khó khăn vì thiếu việc làm.

Hiếm có khi nào mà các cơn bão lại hình thành liên tiếp trên biển Đông, gây ảnh hưởng trên vùng biển của nước ta nhiều như trong thời gian vừa qua. 3 cơn bão (số 4,5,6,) nối tiếp nhau từ ngày 19/9 đến 6/10 và cơn bão số 7 lại tiếp tục đổ bộ vào biển đông vào sáng ngày mai ( 14/10) kết hợp với các đợt không khí lạnh đã khiến cho hàng ngàn tàu thuyền đang đánh bắt hải sản trên biển phải quay vào bờ tìm nơi trú ẩn an toàn. Tuy không bị thiệt hại về người và tài sản nhưng việc nhiều ngày liền các tàu cá không ra khơi đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con ngư dân và kéo theo sự ngưng trệ của các ngành nghề dịch vụ liên quan đến ngư nghiệp.

Theo số liệu từ phòng Nông nghiệp huyện thì đến nay, toàn huyện Diễn Châu có 1.354 thuyền, bè mảng đang trực tiếp tham gia vào nghề đánh bắt thủy hải sản trên biển, trong đó, có khoảng hơn 600 thuyền có công suất trên 20CV, chủ yếu tập trung tại các xã của huyện Diễn Châu như Diễn Ngọc (394 chiếc), Diễn Bích (208 chiếc), Diễn Thành (11 chiếc) ... Tổng số lao động trực tiếp làm nghề khai thác khoảng 4.300 người, số lao động tham gia làm nghề dịch vụ khoảng 8.500 người và có khoảng 950 lao động tham gia vào lĩnh vực chế biến thủy hải sản. Hơn 17 ngày (19/9 - 6/10), hầu hết số lao động này không có việc làm và chỉ biết ngồi chờ biển lặng.

Chúng tôi về xã Diễn Bích khi trời vẫn đang mưa nặng hạt. Không còn cảnh đường làng vắng bóng đàn ông như mọi ngày, đến đâu cũng thấy người dân tụm năm, tụm bảy trong nhà. Xã có 8 xóm thì đã có tới 6 xóm làm nghề ngư nghiệp với tổng số lao động hơn 4.500 người. Ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Diễn Bích, cho biết: Dù là một xã miền biển gắn với ngư nghiệp lâu năm nhưng đời sống của nhân dân trong xã vẫn còn rất nhiều khó khăn. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã ở mức 25%, thu nhập bình quân mỗi khẩu chỉ đạt 1 triệu đồng/tháng. Trong năm, có 2 tháng là tháng Tết và tháng bão người dân không có việc làm.



Tuy không ra khơi được nhưng mỗi ngày anh Đông vẫn phải chi hơn 2 triệu tiền để trả lương cho người lao động.

Anh Trần Văn Đông, xóm Quyết Thắng, xã Diễn Bích có 3 chiếc tàu, công suất từ 90CV trở lên chuyên đánh bắt xa bờ. Từ ngày cơn bão số 4 hình thành đến nay, tàu của anh phải nằm bờ. Dù không ra khơi nhưng mỗi ngày anh vẫn phải chi 2,5 triệu đồng trả lương cho người lao động. Anh Đông cho biết: Không ra khơi đánh cá được chỉ biết ở nhà ngồi chơi chứ không biết làm thêm việc gì. Tui thuê 12 lao động, trả lương theo tháng nên thêm một ngày ở nhà là thêm một khoản nợ.

Nhiều người dân làm công cho các chủ tàu cũng đang rất khó khăn khi không có việc làm. Anh Thái Bá Định, xóm Bắc Chiến Thắng là một trong những gia đình có hoàn cảnh éo le trong xã. Do vợ bị bệnh, con thơ dại nên mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều do một mình anh gánh vác. Ngày thường, sau mỗi chuyến đi biển chừng 3-7 ngày, anh còn có khoản tiền đưa về cho gia đình chi tiêu, nhưng hơn nửa tháng nay, gia đình phải chật vật chạy từng bữa ăn. Số tiền lương hơn 2 triệu đồng/tháng không đủ để mua thuốc cho vợ và lo tiền học cho các con.

Do tàu thuyền không ra khơi đánh cá được kéo theo các nghề dịch vụ như: đá lạnh, chế biến hải sản đông lạnh, kinh doanh dầu cũng bị ngưng trệ. Hiện tại, xã có hơn 10 hộ sản xuất đá lạnh phục vụ cho số tàu thuyền trong xã. Trong những ngày qua, các hộ này phải ngưng sản xuất vì tàu không ra khơi, đá lạnh làm ra không biết bán cho ai. Nhưng mấy ngày qua không bán được cây nào.

Hiện nay, theo ông Hùng, Chủ tịch UBND xã thì hầu hết số tàu thuyền của xã đang nằm trong tình trạng cũ kỹ, xuống cấp nghiêm trọng. Do chi phí đóng mới một chiếc tàu là rất lớn nên người dân tìm mua tàu cũ. Hầu hết, các tàu có công suất 90CV trở lên được mua lại từ miền Nam nên độ an toàn không cao. Vì mua tàu cũ nên ngư dân không được sự hỗ trợ nào của Nhà nước.. Trường hợp gia đình anh Trần Đức Hưng, xóm Bắc Chiến Thắng là một ví dụ. Nhà anh Hưng có 1 chiếc tàu có công suất 48 CV, nhưng sau 3 năm vận hành đành đưa lên bờ vì tàu đã xuống cấp nghiêm trọng, trong khi không có vốn để tu sửa. Điều oái ăm là dù muốn bán để vay vốn đóng tàu mới nhưng do tàu quá cũ nát nên không ai mua, anh Hưng đành ngậm ngùi đi làm thuê cho các chủ tàu khác.

Trong thời gian vài năm trở lại đây, tình hình thời tiết trên biển ngày càng phức tạp và khó lường. Không riêng gì Diễn Châu mà ngư dân vùng biển nói chung vì thế ngày càng trở nên khó khăn bội phần mỗi khi mùa mưa bão về.


Phạm Bằng

Mới nhất
x
Ngư dân ngậm ngùi chờ biển lặng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO