Người chiến sỹ cộng sản kiên trung của Thành phố Đỏ anh hùng

12/09/2013 09:01

Thành phố Vinh với chiều dài của lịch sử và văn hóa, với sự hội tụ, tiếp thu và biến đổi đã tạo nên những bước phát triển mới, hình thành nên một Thành phố Đỏ anh hùng. Suốt chiều dài lịch sử, có sự đóng góp không nhỏ của những người con ưu tú của quê hương mà tiêu biểu là đồng chí Lê Mao, nhà tiền bối cách mạng xuất sắc của Đảng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Tỉnh bộ Vinh - Bến Thủy, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh, 50 năm thành lập Thành phố Vinh, 5 năm TP. Vinh được công nhận là đô thị loại I, chúng ta cùng nhìn nhận lại cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí.

(Baonghean) - Thành phố Vinh với chiều dài của lịch sử và văn hóa, với sự hội tụ, tiếp thu và biến đổi đã tạo nên những bước phát triển mới, hình thành nên một Thành phố Đỏ anh hùng. Suốt chiều dài lịch sử, có sự đóng góp không nhỏ của những người con ưu tú của quê hương mà tiêu biểu là đồng chí Lê Mao, nhà tiền bối cách mạng xuất sắc của Đảng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Tỉnh bộ Vinh - Bến Thủy, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh, 50 năm thành lập Thành phố Vinh, 5 năm TP. Vinh được công nhận là đô thị loại I, chúng ta cùng nhìn nhận lại cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí.

Đồng chí Lê Mao sinh năm 1903, trong một gia đình công nhân nghèo tại phố Đệ Thập (nay là phường Bến Thủy). Năm 14 tuổi, đồng chí vào làm công nhân tại Nhà máy Diêm Bến Thủy. Chứng kiến cuộc sống bị bức và tình cảnh lao động khổ cực của nhân dân lao động lầm than, đồng chí đã sớm nung nấu lòng căm thù cao độ đối với bọn tư bản và bè lũ thống trị, đồng thời nhìn nhận được sức mạnh của giai cấp công nhân. Tháng 7/1925, dưới sự vận động, tổ chức của đồng chí Lê Mao, công nhân Nhà máy Diêm Bến Thủy đã tiến hành cuộc đấu tranh đòi tăng lương.

Cuộc đấu tranh mạnh mẽ, có tố chức, có kỷ luật này đã buộc giới chủ phải chấp nhận yêu cầu. Cuối năm 1925, đồng chí tham gia Hội Phục Việt và được cử phụ trách tiểu tổ Phục Việt trong nhà máy. Đầu năm 1928, tiểu tổ đã tổ chức một cuộc bãi công lớn, huy động toàn thể công nhân nghỉ việc, đòi cải thiện đời sống, bỏ đánh đập, cúp phạt... Tháng 7/1928, Hội Phục Việt phát triển thành Tân Việt Cách mạng Đảng, chủ trương mở rộng phạm vi tuyên truyền, giáo dục đường lối cách mạng bằng nhiều hình thức.

Đồng chí Lê Mao đã tích cực vận động, tổ chức các hội tương tế ái hữu, các nhóm học chữ quốc ngữ... đồng thời trực tiếp tham gia học tập. Những hoạt động tích cực này đã góp phần quan trọng vào quá trình tuyên truyền, giác ngộ công nhân không chỉ ở Nhà máy Diêm Bến Thủy mà còn mở rộng ra cả vùng Vinh - Bến Thủy, góp phần nâng cao ý thức về tình cảm giai cấp, tinh thần đoàn kết và thái độ đấu tranh cho công nhân.



Thầy và trò Trường THCS Đặng Thai Mai tham quan Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh
Ảnh: Mỹ Hà

Tháng 2/1930, ba tổ chức cộng sản hợp nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Tại hội nghị xây dựng phân cục Trung ương Trung Kỳ do đồng chí Nguyễn Phong Sắc triệu tập, đồng chí Lê Mao được bầu làm Bí thư Tỉnh bộ lâm thời Vinh - Bến Thủy. Từ đây, phong trào công nhân Vinh - Bến Thủy chuyển sang một giai đoạn mới, từ tự phát sang tự giác, có tổ chức, tôn chỉ và mục tiêu rõ ràng. Cuối tháng 9/1930, đồng chí Lê Mao tham dự Hội nghị Trung ương lần thứ nhất tại Hương Cảng (Trung Quốc) và được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Hưởng ứng phong trào kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Lê Mao đã cùng Tỉnh bộ tổ chức cuộc biểu tình của 1.200 công nhân - nông dân nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết cách mạng với giai cấp lao động trên toàn thế giới. Cuộc biểu tình đã thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng của công - nông Vinh - Bến Thủy lên cao, góp phần làm nên cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Tháng 4/1931, tại Hội nghị Trung ương lần thứ hai, đồng chí được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương, Bí thư Xứ ủy Trung kỳ, tiếp tục sự nghiệp lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng, gắn liên minh công nông thực hiện sứ mệnh đối với dân tộc. Đêm 2/5/1931, trên đường đi công tác từ Hà Tĩnh trở về, đồng chí bị thực dân Pháp vây bắt và đã anh dũng hy sinh giữa dòng sông Lam, cạnh cầu cảng Bến Thủy - vùng đất quê hương nơi 14 năm trước đồng chí trở thành người thợ, bắt đầu con đường đấu tranh vì dân tộc. Đồng chí hy sinh khi tuổi đời mới tròn 28.

Mười bốn năm hoạt động cách mạng liên tục, bền bỉ, đầy nhiệt huyết, đồng chí Lê Mao đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Cuộc đời cách mạng của đồng chí mãi là niềm tự hào của mỗi người con trên quê hương Xô Viết. Thể hiện lòng tri ân và tôn vinh sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Mao, hôm nay, trên Thành phố Vinh thân yêu, đã có những ngôi trường, những con đường mang tên đồng chí. Đặc biệt trong khuôn viên Thành uỷ Vinh, tại vị trí trang trọng trước Trung tâm Hội nghị thành phố, bức tượng đài đồng chí Lê Mao - người Bí thư Thành uỷ đầu tiên, nhà cách mạng tiền bối xuất sắc của Đảng sẽ luôn là tấm gương để lớp lớp thế hệ con cháu, cán bộ, đảng viên trên Thành phố Đỏ anh hùng phấn đấu noi theo.

Truyền thống yêu nước và cách mạng là nhân tố cơ bản hun đúc nên khí phách, bản lĩnh Thành phố Vinh - Thành phố Đỏ anh hùng. Cuộc đời hoạt động của những người con kiên trung của thành phố như đồng chí Lê Mao đã góp phần tạo nên bản sắc Thành Vinh, là di sản tinh thần vô giá cần được kế thừa và phát huy. Ngày nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đang ra sức thi đua, đổi mới và phát triển, tạo nên những chiến công mới trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Qua gần ba thập kỷ tiến hành công cuộc đổi mới, thành phố đã có nhiều khởi sắc.

Từ một "Thành phố anh hùng cười trong gạch đổ"(2), Vinh đã vươn lên, đạt nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của cả tỉnh. Đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần được nâng lên, bộ mặt đô thị ngày càng khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại. Thực hiện Quyết định 239-QĐ/TTg ngày 30/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển Thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ", thành phố đã có những bước phát triển khá toàn diện trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Tự hào là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nhân dân và cán bộ Thành phố Vinh đang hăng hái thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập thành phố, 5 năm được công nhận Đô thị loại I. Ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/T.Ư về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, trong đó chỉ rõ cần tập trung "Xây dựng Thành phố Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ về tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thế thao, giáo dục - đào tạo... ". Nhiệm vụ mới, cùng những thời cơ, vận hội mới đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố cần tiếp tục ra sức phấn đấu vượt qua khó khăn, phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, yếu kém để xây dựng Thành phố Vinh phát triển toàn diện, sớm trở thành trung tâm của vùng Bắc Trung bộ, xứng đáng là quê hương của người chiến sĩ cộng sản kiên trung Lê Mao.


Nguyễn Hoài An (Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Vinh)

Mới nhất

x
Người chiến sỹ cộng sản kiên trung của Thành phố Đỏ anh hùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO