Người chiến sỹ đánh trận Him Lam ngày ấy...
Bác Phạm Văn Chế sinh năm 1930 trong một gia đình nông dân giàu truyền thống cách mạng (cả 3 con trai trong gia đình đều tham gia kháng chiến chống Pháp), lớn lên trên quê hương Diễn Xuân, huyện Diễn Châu. 21 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ xung phong lên đường nhập ngũ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Trung đội trưởng Đại đội 245, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141 thuộc Đại đoàn 312.
Bác Phạm Văn Chế sinh năm 1930 trong một gia đình nông dân giàu truyền thống cách mạng (cả 3 con trai trong gia đình đều tham gia kháng chiến chống Pháp), lớn lên trên quê hương Diễn Xuân, huyện Diễn Châu. 21 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ xung phong lên đường nhập ngũ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Trung đội trưởng Đại đội 245, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141 thuộc Đại đoàn 312.
Bác Phạm Văn Chế tại buổi gặp mặt Chiến sĩ Điện Biên.
Him Lam nằm ở phía Đông Bắc, cuối cánh đồng Mường Thanh, có 3 mỏm đồi tạo thành hình tam giác thế chân kiềng. Trước đồi là dòng Nậm Rốm chảy qua. Tướng Đờ-cát xác định Him Lam có ưu thế phòng ngự vững chắc và chốt ở đây một tiểu đoàn Âu Phi gồm 620 tên lính được trang bị vũ khí hiện đại. Mỗi mỏm đồi chúng cho vây 3 vòng hàng rào thép gai.
Ông nhớ lại: "Tiểu đoàn 11 chúng tôi lúc đó được giao nhiệm vụ giải phóng Him Lam, mở đường tiến công, giải phóng Điện Biên Phủ. Địch bắn ra dữ dội, nhiều chiến sỹ của ta bị thương và hi sinh. 18h, hàng rào thép gai thứ nhất được mở. Hàng rào thứ 2 do tiểu đội tôi nhận phá mở. Đã có 3 chiến sĩ ôm bộc phá lao lên nhưng đều bị địch bắn hạ. Đến lượt tôi được giao nhiệm vụ ôm bộc phá mở toang hàng rào.
Lúc đó, trong tôi không một chút sợ hãi, không một tý nao núng, chỉ hừng hực chí quyết tâm, lòng căm thù và ý muốn trả thù cho những đồng đội đã ngã xuống. Và tôi đã thành công, mở toang hàng rào thứ hai của địch, mở đường cho quân ta tiến vào trong..."
Trong chiến dịch Điện Biên năm đó, Phạm Văn Chế hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng Huân chương Chiến công và vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. 20 năm trong quân ngũ, ông vinh dự được nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Chiến sỹ vẻ vang; Huân chương Kháng chiến, Chiến sỹ thi đua...
Giờ đây, đã bước sang tuổi 82, sức khỏe của ông giảm sút, nhưng ký ức của người chiến sỹ Điện Biên về những ngày tháng hào hùng đó không bao giờ phai nhạt. Ông vẫn thường kể lại cho con, cháu, cho thế hệ trẻ trong làng, trong xã nghe về những trận đánh hào hùng năm xưa, giáo dục cho họ lòng yêu nước, tinh thần hi sinh và lòng tự hào, tự cường dân tộc.
T.P