'Người con Xô viết' và những năm tháng không quên

Công Kiên 21/04/2018 12:08

(Baonghean.vn) - Tháng Tư, cả nước hướng về ngày kỷ niệm 43 năm đất nước thống nhất, hai miền Nam – Bắc sum họp một nhà, những cựu Thanh niên xung phong (TNXP) thuộc Đội 241 có dịp tụ họp để ôn lại những kỷ niệm xưa.

Quyết tâm tô thắm trang sử quê hương

Có mặt trong buổi hội ngộ, bà Hồ Thị Thu Hiền (SN 1947, trú tại phường Lê Mao – TP. Vinh) – người được phong danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, từng là Đại đội trưởng Đại đội 202 (thuộc Đội 241) cùng đồng đội nhớ về quãng thời gian gần 50 năm trước.

Năm 1968, Đội TNXP 241 được thành lập với khoảng 500 con em Nghệ An, tuổi đời chủ yếu 17-19, hơn 70% là nữ. Lúc lên đường, đồng chí Chu Mạnh – Chủ tịch UBND tỉnh dặn dò: “Các đồng chí sinh ra và lớn lên bởi truyền thống dòng máu Xô viết Nghệ - Tĩnh, nên dù trong hoàn cảnh nào cũng phải quyết tâm tô thắm thêm trang sử quê hương”.

Hành quân hơn một tuần, vượt hơn 400 cây số dưới làn bom đạn của kẻ thù, đôi chân sưng tấy, đội quân ấy đã vào tập kết tại làng Ho ở miền Tây Quảng Trị. Nhiệm vụ của đơn vị là mở đường, tải lương, gùi đạn chi viện cho mặt trận Trị - Thiên, nơi đang diễn ra những trận đánh ác liệt giữa ta và địch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu thi đua "Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước" toàn miền Bắc, tháng 1/1967. Ảnh: tư liệu
“Không thể quên được những gian khổ và hiểm nguy trên đường làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực và vũ khí ra chiến trường. Vượt qua bao đèo dốc và suối sâu, qua những bãi mìn, đối mặt với bọn biệt kích, thám báo và máy bay địch. Phải thực hiện: Đi không dấu, nấu không khói, nói không to, ho không tiếng” – bà Hồ Thị Hiền nhớ lại.

Nhớ về những năm tháng hiểm nguy, các cựu TNXP Đội 241 cùng nhắc lại sự kiện bi thương ngày 16/7/1969. Ngày ấy, đội hình hành quân của đơn vị bị máy bay địch dội trúng khiến 3 người hy sinh, đồng chí Hoàng Quốc Thìn bị thương nặng.

Tình hình nguy cấp, chị Hoàng Thị Thanh lúc ấy mới 17 tuổi, thân hình gầy gò đã không kể hiểm nguy, băng qua khói lửa, xé áo băng bó cho đồng đội bị thương, rồi cõng anh Thìn ra khỏi vùng hiểm nguy để chuyển về bệnh viện dã chiến nhưng vết thương quá nặng, anh Thìn đã hy sinh.

Lực lượng TNXP tải đạn phục vụ chiến trường. Ảnh: tư liệu

Một đồng đội đã làm mấy câu thơ bày tỏ niềm xót thương, căm hận khi tiễn đưa những người vừa ngã xuống: “Để Tổ quốc quyết sinh không tiếc tuổi thanh xuân/Vì miền Nam hiến trọn trái tim mình/Các anh ngã xuống vô tư và bình thản/Ngực chưa huân chương, ve áo chẳng quân hàm/Chỉ có cái tên Thanh niên xung phong gian dị/Đồng chí chưa kịp nhìn anh kỹ/Đã ngậm ngùi vùi trong đất đỏ các anh ơi!/Giây phút chia ly, lời nói cuối đời/Đồng đội khắc ghi biến thành sức mạnh”...

Xem thương binh như ruột thịt

“Đầu năm 1971, đang an dưỡng ở Quảng Bình, được lệnh vào phục vụ chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, hàng trăm lá đơn được viết bằng máu với khí thế: “Thanh niên Xô viết không ngại hy sinh, quyết tô thắm trang sử quê hương”. "Ngày ấy, với chúng tôi, được ra phục vụ chiến dịch là một niềm vui”. Những cựu TNXP trong buổi gặp mặt chia sẻ.

Nhiệm vụ lần này chủ yếu là cáng thương, tức là sơ cứu và chuyển thương binh từ trận địa về tuyến sau cứu chữa. Công việc này khó khăn, vất vả hơn trước nhiều lần, bởi không chỉ địa hình hiểm trở, địa bàn rộng mà còn phải băng qua những bãi mìn chưa được gỡ.

Lực lượng TNXP cáng thương binh về tuyến sau cứu chữa. Ảnh: tư liệu

Đại đội 202 được giao thành lập Đội cảm tử rà phá bom mìn, mở đường cho việc cáng thương được an toàn. Cấp trên quy định 6 người phụ trách 1 ca cáng thương nhưng đơn vị quyết tâm giảm xuống 3 người với tinh thần không để thương binh tử vong hoặc bị thương lần thứ hai.

Anh chị em đều xem thương binh như ruột thịt, những lúc nguy nan sẵn sàng lấy thân mình che chắn. Trong một lần cáng thương, gặp máy bay địch ném bom, đồng chí Võ Hồng Bích quê Thanh Đồng (Thanh Chương) đã che chắn và hy sinh vì bị mảnh bom găm vào đầu.

Lần đứng chân ở chân dồi Tà Cơn, bị địch phát hiện và dội bom, Đại đội trưởng Hồ Thị Thu Hiền đã bình tĩnh, mưu trí đưa toàn đơn vị đến nơi an toàn. Sau đó, đơn vị được Đoàn 559, Cục Hậu cần B70 và Sư đoàn 308 khen thưởng, đề nghị tặng huân chương cho tập thể và nhiều cá nhân.

Những tấm lòng sắt son

Trở về với cuộc sống đời thường, những chàng trai, cô gái TNXP giờ mỗi người một số phận. Có người lập gia đình, sống hạnh phúc bên chồng con như bà Hồ Thị Thu Hiền và Nguyễn Thị Thu Hiền. Có người chờ đợi lời hẹn ước nhưng người thương đã nằm lại chiến trường, đành một mình lẻ bóng như bà Tôn Thị Phước Viện. Có người lập gia đình nhưng cuộc sống không hạnh phúc, cuối cùng vẫn chịu cảnh đơn thân như bà Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Thị Đức...

Cựu TNXP Hồ Thị Thu Hiền bên những kỷ niệm đồng đội. Ảnh: Công Kiên
Cựu TNXP Hồ Thị Thu Hiền bên những kỷ niệm đồng đội. Ảnh: Công Kiên

Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận nhưng tất cả đều có điểm chung là tình cảm đồng chí, đồng đội không bao giờ phai nhạt. Hầu như ai cũng cất giấu những bức ảnh chân dung cỡ nhỏ của đồng đội, những lúc muộn phiền lại mang ra ngắm như để tìm nguồn an ủi, động viên.

Trong tim mỗi người luôn cất giấu ký ức hào hùng, kỷ niệm thắm tình đồng đội. Để rồi, mỗi khi có dịp gặp nhau, những đôi bàn tay gầy gò lại ôm chặt, kể về những năm tháng không quên, cùng niềm tự hào đã góp sức viết nên huyền thoại và bản hùng ca của đất nước.

Được biết, thời kỳ chống Mỹ, Nghệ An có gần 30.000 người tham gia lực lượng TNXP, ra sức đảm bảo 52 tuyến đường giao thông (trên 2.300 km tỉnh lộ, quốc lộ; 200 km đường ở nước bạn Lào; 200 km ở tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị; 3.500 km huyện lộ; 250 km đường sông, đường biển, kênh nhà Lê và 60 km đường sắt đi qua các trọng điểm.

Những bức ảnh chân dung đồng đội được các cựu TNXP Đội 241 lưu giữ. Ảnh: Công Kiên
Những bức ảnh chân dung đồng đội được các cựu TNXP Đội 241 lưu giữ. Ảnh: Công Kiên

Lực lượng TNXP Nghệ An đã góp một phần quan trọng về sức lực, trí tuệ, cùng quân và dân cả nước giải phóng miền Nam, đưa non sông về một mối.

Trở lại với cuộc hội ngộ của những cựu TNXP Đội 241, chúng tôi chợt nhớ mấy câu trong trường ca “Những người đi tới biển” của Thanh Thảo: “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ (Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc)/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi là Tổ quốc...”.

Mới nhất
x
'Người con Xô viết' và những năm tháng không quên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO