Người đam mê những "chú ong cổ"
(Baonghean) - Vespa là dòng xe thời trang của hãng Piago, được đánh giá là một trong những dòng xe có thiết kế hoàn hảo, dựa trên nguồn cảm hứng từ một con ong.
Nó không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là nơi giải trí cho nhiều người trong cuộc sống đầy áp lực, bon chen. Nói đến hệ xe vespa cổ, dân chơi xe cổ Thành phố Vinh không ai là không biết đến anh Nguyễn Đình Tiến.
Căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Tiến nằm trên đường Phạm Ngọc Thạch, phường Hưng Dũng thành nơi qua lại, gặp gỡ chia sẻ của những tâm hồn say sưa vẻ đẹp lịch lãm, sang trọng, đầy cá tính của “chú ong cổ”. Hơn 30 năm chung thủy với dòng vespa cổ, anh đã trở thành “bác sĩ chuyên khoa” bậc thầy chữa trị được hầu hết các loại “bệnh” thường gặp của dòng xe này.
Với anh Tiến, sửa xe là để được ngắm nhìn vẻ đẹp của dòng vespa cổ.
Anh bạn tôi là một trong những “tín đồ” nghiện vespa cổ cho biết: “Dòng xe này rất ít khi hỏng, nhưng một khi đã hỏng thì ở đất Vinh này chỉ anh Tiến mới sửa được”. Không có biển quảng cáo, không có lợi thế vị trí mặt tiền, “hiệu” sửa xe của anh nằm ngay trong sân nhà. Mảnh sân nhỏ trông như bãi sắt vụn, tấp đầy dụng cụ đồ nghề và cả những thân xe cũ nát.
Anh bảo: “Thế này là ít rồi đó. Những năm 80 của thế kỉ trước, phong trào chơi xe cổ lắng xuống, người ta đổ xô đi mua những dòng xe mới và quay lưng lại với vespa cổ thì tôi lại mua về. Hồi đó rẻ lắm, mỗi xe chừng vài ba triệu bạc thôi. Thấy tiếc, tôi mua về tấp đầy vườn, làm hàng rào bao quanh nhà. Vợ tôi làu bàu suốt ngày với “đống sắt vụn” này lắm, tôi mặc kệ. Lúc đó, tôi cũng không biết mình mua về để làm gì, chỉ thấy đẹp là mua. Mua về để đó, mỗi lúc rảnh lôi ra ngắm cho thỏa thích”. Vốn làm nghề lái xe khách đi tuyến Bắc - Nam, được nhìn thấy nhiều chiếc xe chạy trên đường rất đẹp. Anh Tiến cho biết thêm, ban đầu, anh mê cái dáng vẻ mong manh rồi đến tiếng nổ đầy cá tính. Khi ngồi lên xe có một cảm giác sung sướng khó tả lắm” anh cho biết.
Mười năm trở lại đây, phong trào chơi xe cổ phát triển trở lại, người ta ráo riết săn lùng xe cổ như báu vật. Anh bắt đầu đưa “đống sắt vụn” lâu ngày ra tìm cách phục chế. Lang thang trên các trang mạng internet để tìm hiểu quy luật hoạt động của động cơ.
Bằng niềm đam mê, sự kiên trì, chịu khó, anh đã trở thành “bác sĩ chuyên khoa” của dòng vespa cổ. Bao nhiêu năm âm thầm tìm tòi, nghiên cứu, sửa chữa, những “đống sắt vụn” hoen gỉ, xù xì qua bàn tay anh trở thành “chú ong” bóng loáng, thu hút mọi ánh nhìn. Anh bảo, riêng dòng xe cổ này, mua đã khó chứ bán lại còn khó hơn nữa. Không phải ai cũng hiểu hết giá trị của chiếc xe. Vì thế, không phải ai hỏi mua, anh cũng bán. “Phải là người hiểu nó, yêu nó thì tôi mới yên tâm giao nó cho người ta được. Xe cổ cũng là một món đồ cổ, mua là được, bán là mất. Với anh, giá cả đắt rẻ không phải là vấn đề quan trọng. Muốn kinh doanh, kiếm tiền thì làm nghề khác chứ làm nghề này chỉ là để thỏa niềm đam mê thôi. Bình quân mỗi ngày kiếm được vài trăm nghìn, may hành nghề tại nhà nên không mất tiền thuế”.
Theo bạn, tôi đi gặp gỡ những người chơi Vespa có thâm niên ở Vinh, nói đến anh Tiến, ai cũng mến phục. Một con người với vẻ ngoài xoàng xĩnh, bụi bặm nhưng vô cùng gần gũi, điềm đạm. Bên li cà phê tí tách rơi, mọi người trao đổi với nhau về kiểu dáng, tiếng nổ, động cơ của những con xe. Anh bạn tôi ngỏ ý muốn thành lập một CLB Vespa cổ thành Vinh để gắn kết người cùng chung niềm đam mê. “Đã thành lập CLB thì phải nghĩ cách thức hoạt động như thế nào cho có ý nghĩa.
Anh Tiến hồ hởi góp lời: Hằng năm, phải có những hoạt động mang ý nghĩa xã hội, anh em hay người nhà có ai ốm đau thì phải thông báo để mọi người biết đường đến thăm hỏi, động viên. Phải có kế hoạch cụ thể, không vội vàng được. Nếu chỉ đơn giản để góp tiền ăn chơi thì tôi không đồng ý”. Nếu được như vậy, vẻ đẹp cổ xưa của những “chú ong cổ” không chỉ tồn tại ở niềm đam mê của một nhóm người nào đó, mà nó còn mang ý nghĩa nhân văn sâu rộng…
Nguyễn Lê