Người dân bất bình vì giá “bắt” nước máy quá cao

17/01/2013 14:13

Được dùng nước máy tại gia là mong ước từ lâu của nhiều hộ dân ở xóm 13, xã Nghi Phú (TP. Vinh). Thế nhưng, khi mạng lưới cấp nước cấp 3 đã về đến đầu ngõ thì người dân lại đồng loạt phản đối việc “bắt” nước máy. Giá nguyên vật liệu, giá nhân công quá cao là lý do họ đưa ra…

(Baonghean) - Được dùng nước máy tại gia là mong ước từ lâu của nhiều hộ dân ở xóm 13, xã Nghi Phú (TP. Vinh). Thế nhưng, khi mạng lưới cấp nước cấp 3 đã về đến đầu ngõ thì người dân lại đồng loạt phản đối việc “bắt” nước máy. Giá nguyên vật liệu, giá nhân công quá cao là lý do họ đưa ra…

Thời điểm này chỉ khoảng 1/3 các hộ dân ở phía Tây Đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh của xã Nghi Phú (TP. Vinh) có nước máy. Những xóm còn lại dù chủ trương có từ lâu nhưng phải đến giữa năm 2011, khi đường ống nước bắt qua Đại lộ Xô Viết thi công xong, xã Nghi Phú mới triển khai được dự án. Dự án xây dựng lắp đặt hệ thống nước máy cho 17 xóm còn lại của xã Nghi Phú có tổng số vốn gần 10 tỷ đồng, chính quyền xã hỗ trợ gần 70%, phần còn lại 2.204 triệu đồng do người dân đóng góp.

Để góp phần thi công xong đường ống dẫn nước, gia đình ông Nguyễn Bá Ngọc, Nguyễn Viết Huệ, Nguyễn Văn Tư, Trần Đình Hợi… và hơn 150 hộ dân khác ở khối 13 đã đóng mỗi hộ 1,8 triệu đồng. Số tiền đó không nhỏ so với thu nhập của các hộ thuần nông nơi đây. Sau khi thi công xong, bà con cứ ngỡ việc đấu nối để đường ống nước máy vào các hộ sẽ đơn giản, bởi mạng lưới nước máy đã về đến hàng rào của mỗi gia đình. Thế nhưng, cầm trên tay hồ sơ dự toán lắp đặt hệ thống cấp nước sạch, các hộ dân mới thực sự ngỡ ngàng.

Ông Nguyễn Bá Ngọc cho biết: Tôi không hiểu Công ty TNHH một thành viên cấp nước Nghệ An tính toán thế nào mà chỉ mỗi một việc bắt một cái đồng hồ nước, bắt một hai chiếc cút, chiếc ren, thi công chưa đến 30 phút mà tính mỗi hộ lên đến hơn 2 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền ống nước, tiền vòi mỗi hộ phải tự mua để lắp vào trong nhà mình. Trong số này, riêng tiền vật liệu đã là 1,1 triệu đồng, tiền công hai người gần 400.000 đồng. Còn lại là đủ thứ linh tinh khác như chi phí máy thi công, chi phí xây lắp trước thuế, chi phí công trình trước thuế, sau thuế, chi phí thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán. Chúng tôi cũng không hiểu đã có rất nhiều chi phí được tính cụ thể rồi lại còn một khoản chi phí trực tiếp khác, không hiểu là chi phí gì…

Bất bình trước rất nhiều khoản thu quá cao, dù công ty cấp nước đã hoàn thành xong hồ sơ dự toán nhưng gần 170 hộ dân trong xóm chưa đồng ý nộp tiền để bắt nước. Một trong hai hộ đi tiên phong là hộ ông Trần Đình Hợi cũng cảm thấy không hài lòng, bởi: Tôi là xóm trưởng tôi phải làm gương cho bà con, nhưng thực sự tôi thấy rất bất bình với cái giá quá cao đó. Trong hồ sơ có nêu các loại vật liệu sẽ lắp đặt nhưng lại không ghi rõ sản phẩm do đơn vị nào sản xuất. Công trình có giá hàng triệu đồng, thế nhưng bên phía công ty cấp nước và người dân lại không có hợp đồng thỏa thuận nào. Nếu công trình chẳng may bị hỏng chúng tôi không biết kêu ai, hỏi ai, không biết bảo hành là bao lâu. Chúng tôi cũng đã đi tìm hiểu ở các cửa hàng cung cấp vật liệu thì thấy giá của các sản phẩm cùng chủng loại thấp hơn nhiều so với giá mà công ty cấp nước đã đưa ra.

Trước những thắc mắc trên, ông Trần Văn Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch – Kỹ thuật, Công ty TNHH một thành viên cấp nước Nghệ An, cho rằng: Việc tính toán các số liệu trên là dựa theo Quyết định số 787/2011/QĐ – UBND – CN ngày 18/3/2011 của UBND tỉnh Nghệ An. Theo đó, từ những hướng dẫn cụ thể trong quyết định này, công ty sẽ căn cứ vào đó để tính giá nguyên vật liệu, giá nhân công và các khoản chi phí khác.

Theo ông Tùng là như vậy, nhưng bản thân ông cũng thừa nhận một thực tế nhiều vật liệu thường được sử dụng trong lắp đặt hệ thống nước máy không có trong quyết định này. Tương tự như thế, giá của nhiều vật liệu mà UBND tỉnh chỉ định lại không đúng với giá thực tế. Vì thế “tùy theo giá cả thị trường, chúng tôi dựa vào đó để tính toán chi phí nhân công, vật liệu”. Hỏi ông, thế giá này đã là giá thấp nhất chưa và các ông căn cứ vào đâu để đưa ra đơn giá đó, ông cho biết: Chắc chắn là giá sát nhất rồi, bởi chúng tôi thường mua theo kiện hàng nên giá thấp. Tuy nhiên, khi được yêu cầu xem giá chào hàng mà các công ty cung cấp vật liệu đưa ra, ông Tùng cho biết: Đó là công việc của phòng tài vụ. Biết chúng tôi chưa thỏa mãn với câu trả lời trên, ông Tùng đưa ra giải pháp: Nếu người dân chê giá cao, không hài lòng với sản phẩm mà chúng tôi đưa ra thì người dân có quyền tự mua vật liệu và chúng tôi chỉ tính phí lắp đặt. Tuy nhiên, nếu người dân mua, chẳng may có hỏng hóc thì chúng tôi không chịu trách nhiệm. Về phía công ty, lâu nay chưa có công trình nào bị hư hỏng sau khi lắp đặt. Do đó, người dân có thể yên tâm. Không có hợp đồng chúng tôi vẫn bảo hành trong vòng 1 năm.

Câu trả lời trên lại đưa chúng tôi trở lại vấn đề mà người dân đã đặt câu hỏi: Đó là hợp đồng thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người dân. Hiện nay, ở công ty cấp nước Nghệ An không có hợp đồng, vậy trong trường hợp chẳng may công trình bị hư hỏng, người dân dựa vào đâu để đòi bồi thường. Ngoài ra, nếu công trình tự mua vật liệu bên ngoài bị hỏng, nhưng lỗi không phải do vật liệu mà do thi công thì công ty cấp nước có chịu trách nhiệm không. Sẽ có rất nhiều vấn đề đặt ra, thế nhưng câu trả lời hiện nay là “con số không”. Nên chăng, từ việc tính toán chi phí vật liệu đến các điều khoản lắp đặt thi công thì giữa công ty cấp nước và các hộ dân cần có một văn bản và cần một giải thích cụ thể. Đừng vì làm tắt, đừng vì lời cam kết trên miệng mà bỏ qua những điều thiết yếu trên. Hay chăng vì nước máy hiện nay đang là “độc quyền” nên người cung cấp tự cho mình cái giá được định đoạt, được quyền quyết định như trên.


Mỹ Hà

Mới nhất
x
Người dân bất bình vì giá “bắt” nước máy quá cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO