Người dân Con Cuông hết mặn mà với cây nguyên liệu giấy?

22/01/2013 14:22

Mấy năm gần đây, cây keo từng trở thành một trong những cây lâm nghiệp chủ lực của các huyện vùng miền núi trong việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc và mang lại giá trị kinh tế tương đối cao cho bà con nông dân, trong đó có huyện miền núi Con Cuông. Tuy nhiên, do khó khăn đầu ra mà tại đây rất nhiều hộ dân không còn mặn mà với cây trồng này như trước nữa…

(Baonghean) Mấy năm gần đây, cây keo từng trở thành một trong những cây lâm nghiệp chủ lực của các huyện vùng miền núi trong việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc và mang lại giá trị kinh tế tương đối cao cho bà con nông dân, trong đó có huyện miền núi Con Cuông. Tuy nhiên, do khó khăn đầu ra mà tại đây rất nhiều hộ dân không còn mặn mà với cây trồng này như trước nữa…

Còn nhớ năm đầu thực hiện dự án trồng cây nguyên liệu giấy có sự hỗ trợ từ nguồn vốn từ Nhà nước theo Quyết định 147/ CP về một số chính sách phát triển rừng sản xuất, bà con nông dân được cấp không giống cây và phân bón, nên phong trào trồng keo tại Con Cuông diễn ra rầm rộ. Theo thống kê của huyện Con Cuông, diện tích trồng mới cây keo có năm lên đến 2.000ha. Người dân và lãnh đạo các cấp ở Con Cuông từng có cơ sở thuyết phục để tin rằng, cây keo có thể giúp xóa đói giảm nghèo và làm giàu bởi nhà máy giấy từng đã cam kết thu mua với giá 680.000đ/tấn. Như vậy, nếu 1ha keo sau 5- 6 năm tuổi với năng suất 80 tấn/ ha thì có thể mang lại mức thu nhập trên 50 triệu đồng. Phong trào trồng keo diễn ra rầm rộ tại các xã Mậu Đức, Chi Khê, Thạch Ngàn…

Tuy nhiên, trong năm 2012 diện tích cây keo trồng thêm đã có dấu hiệu chững lại. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện, năm qua diện tích cây nguyên liệu giấy trồng thêm chỉ khoảng 750ha, trong đó có 140ha cây mét. Thực tế này cho thấy, nông dân Con Cuông bây giờ không còn mặn mà với cây keo nữa, bởi khó khăn đầu ra, giá thu mua thấp. Tuy vẫn có các nhà máy giấy đặt vấn đề thu mua nguyên liệu, nhưng tổ chức thu mua vẫn chưa đến được với người dân nên thu hoạch cây nguyên liệu giấy đang bị tư thương ép giá. Một thực tế là những gia đình có điều kiện sắm xe tải thường tìm đến hỏi mua cả vườn keo, sau đó họ thuê nhân công chặt hạ, bóc vỏ và chở về nhập tại khu công nghiệp Nam Cấm. Chính vì cách mua bán như vậy mà nhiều chủ vườn không cập nhật được giá cả thị trường của cây keo. Một nguyên nhân khác khiến cây keo bị tư thương ép giá, là tại nhiều vùng trồng keo chưa có đường nguyên liệu, mặc dù hầu hết các thôn bản trên địa bàn huyện đều đã có đường ô tô đến nơi.



Thu mua keo nguyên liệu ở Con Cuông

Ông Lang Anh Hưng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Con Cuông, chia sẻ: “Không có đường nguyên liệu khiến giá vận chuyển tăng, và tư thương có cớ để ép giá. Nếu thuận lợi trong khâu vận chuyển thì nhiều nông sản khác sẽ bớt khó khăn về đầu ra chứ không riêng gì cây keo”. Đối với hộ trồng rừng Ngân Văn Quân, mặc dù có hàng chục ha keo đều đã đến tuổi thu hoạch, nhưng anh vẫn chưa muốn bán; những ngày rỗi việc anh theo những tổ thu hoạch keo để kiếm thêm thu nhập. Anh Quân cho biết: “Nếu bán bây giờ vườn keo nhà tôi cũng được khoảng 100 triệu đồng nhưng không muốn bán vì giá trị thực của có thể gấp nhiều lần như thế. Tôi thà để dành để sau khoảng dăm năm nữa sẽ bán gỗ, mỗi cây có thể lên đến 1 triệu đồng.”, Ngoài trồng keo, bà con trồng thêm cây mét. Từ nhiều năm nay, cây mét luôn ổn định giá, mỗi cấy mét, tùy theo kích cỡ hiện tại có giá từ 10.000đ - 15.000đ/cây; sau khi trồng từ 7 -10 năm cây mét có thể cho thu hoạch ổn định hàng chục năm sau đó.

Ông Vi Ngọc Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, cho biết: Thời gian tới, chính quyền địa phương vẫn tiếp tục định hướng phát triển cây nguyên liệu. Tuy nhiên, vẫn phải dựa trên nhu cầu thực tế của từng hộ dân đăng ký tại các thôn bản để có hỗ trợ cụ thể cho bà con.


Hữu Vi

Mới nhất
x
Người dân Con Cuông hết mặn mà với cây nguyên liệu giấy?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO